Làm thêm triền miên, công việc áp lực cũng không đáng ngại bằng gặp sếp “ác ma”, làm thế nào để “xử đẹp” cấp trên xấu tính?

Minh An, Theo Nhịp sống kinh tế/Addicted2success 06:39 21/12/2018

Ai trong số chúng ta cũng từng phải làm việc với một người sếp “xấu tính”. Và để tôi nói cho bạn nghe, những kẻ như vậy có thể hủy hoại cả một công ty, bất chấp nơi đó từng lớn mạnh thế nào.

Cấp trên xấu tính có thể hủy hoại toàn bộ bộ máy làm việc của một công ty. Kiểu người như thế này không hề hiếm gặp và tôi có thể ngồi cả ngày để liệt kê ra đặc điểm nhận dạng của họ, đại loại như: hay hứa hươu hứa vượn rồi không làm, ép nhân viên làm việc quá sức, không bao giờ chịu lắng nghe và hay quát nạt cấp dưới của mình...

Tôi cũng từng phải làm việc với sếp “ác ma”

May mắn thay, trong đời tôi chỉ phải gặp một “evil boss”. Vị cấp trên này phàn nàn về mọi thứ trong công ty. Ông ta khuyên mọi người, trừ tôi, rằng hãy sớm bỏ công ty đi. Ông ta chưa bao giờ thành thật với tôi cả. Tất cả những gì tôi nhận được từ vị sếp “đáng kính” này là những lời bóng gió về lương thưởng nhằm gián tiếp thúc tôi làm việc. Cũng chính vì lý do này, lương thưởng đôi khi là nhân tố khiến tôi ghét công việc của mình lúc bấy giờ. Nó làm tôi thấy chán nản.

Cấp trên kiểu gì mà toàn dạy sai cho nhân viên?

Nói xấu sau lưng đồng nghiệp, xúc phạm những người có chức vụ cao hơn rồi tảng lờ đi như thể mình vô tội, chưa bao giờ tôn trọng mơ ước của người khác – đó là những gì sếp cũ của tôi từng làm.

Trong sáu tháng nắm quyền, vị cấp trên này khiến mọi người ngán đi làm đến tận cổ. Hết giờ làm là phần thú vị nhất của công việc lúc bấy giờ. Thứ duy nhất tốt đẹp hơn việc hết giờ làm là những ngày nghỉ cuối tuần, khi mà chúng tôi không phải gặp mặt người sếp kia.

Cứ thế, văn hóa làm việc độc hại kia dần thẩm thấu vào từng bộ phận trong bộ máy làm việc của một công ty danh tiếng. Sếp của tôi chỉ là một trong vài chục người xấu tính tương tự. Tất cả những cuộc hội thoại của công ty không có nội dung gì khác ngoài KPI và KPI. Nghe chẳng khác gì những cuộc họp chuyên môn khô khan nhàm chán.

Tôi từng cố cảnh báo sếp rằng có một đối tác lớn không hài lòng với cách làm việc của công ty và có ý định ngưng hợp tác nhưng thứ tôi nhận lại là gì? Là sự thờ ơ của cấp trên và câu nói dửng dưng: “Làm gì có chuyện đấy”. Vậy đấy. Và bạn biết không? Đối tác đó thực sự đã cắt đứt quan hệ làm ăn với bên tôi.

Làm thêm triền miên, công việc áp lực cũng không đáng ngại bằng gặp sếp “ác ma”, làm thế nào để “xử đẹp” cấp trên xấu tính?  - Ảnh 1.

Đôi khi chức vụ, lương, thưởng là không đủ

Sẽ đến lúc bạn nhận ra những thứ tôi vừa nhắc đến chẳng có nghĩa lý gì. Chức vụ, lương thưởng đôi khi giống như mồi câu để dụ cá, hay nói cách khác, chúng là công cụ mà bậc lãnh đạo dùng để sai khiến nhân viên làm theo ý mình.

Tôi không thiếu tiền thưởng, nhiều nữa là đằng khác. Nhưng, quãng thời gian mà tôi thấy hạnh phúc nhất lại là quãng thời gian tôi không nhận được một đồng tiền thưởng nào.

Tôi từng ngồi ở những vị trí không hề nhỏ. Danh xưng cao nhất mà tôi nhận được là lãnh đạo, thứ được trao cho tôi sau vài năm tâm huyết truyền cảm hứng thúc đẩy phát triển con người trên mạng xã hội. Danh xưng cao quý đâu nhất thiết phải là giám đốc hay một phòng ban bất kỳ nào đó đâu?

Tôi cũng từng kiếm khá nhiều tiền và thành thực mà nói sự khác biệt giữa lương chục ngàn đô và lương trăm ngàn đô cũng khó có thể nhận ra ngay được. Tôi không tự nhiên từ một người không nhà không xe rồi đột nhiên lái Ferrari đi làm. Trên thực tế, có càng ít tiền tôi càng coi trọng những thứ mình có được, dù chúng có nhỏ bé đến mức nào.

Tất cả những câu chuyện trên, nói ra cũng chỉ mong truyền tới các bạn một thông điệp: Người lúc nào cũng thao thao bất tuyệt về KPI, về phúc lợi để đốc thúc nhân viên làm việc không là những người sếp tốt. Hãy tìm và làm việc cùng những người cho bạn hiểu giá trị cuộc sống, không ngừng khuyến khích bạn làm điều bạn thích bởi đó mới thực sự là một người lãnh đạo có tâm.

Xử đẹp cấp trên xấu tính

Làm thêm triền miên, công việc áp lực cũng không đáng ngại bằng gặp sếp “ác ma”, làm thế nào để “xử đẹp” cấp trên xấu tính?  - Ảnh 2.

Gặp phải sếp xấu tính không phải là lỗi của bạn. Chịu đựng họ mới là cái tội. Hãy có trách nhiệm với chính bản thân mình. Chuyển bộ phận hay cùng lắm chuyển công ty, miễn là bạn có làm gì đó để xử lý tình cảnh mình đang gặp phải. Đừng bao giờ nịnh nọt lấy lòng một kẻ như vậy. Người như vậy không đáng được coi trọng!

Bạn làm chủ sự nghiệp của mình chứ không phải ai khác

Hãy tôn trọng bản thân mình. Trốn thoát khỏi ông sếp xấu tính là vì chính bản thân bạn chứ chẳng vì ai cả. Chốn làm việc không phải là nơi tù đày nên đừng để tâm hồn bạn bị hủy hoại bởi một kẻ độc đoán như vậy. Bạn chẳng sợ bị thất nghiệp nếu biết tận dụng các website như LinkedIn. Cũng không thiếu gì người sẵn sàng giúp đỡ bạn, chỉ là bạn có đủ can đảm để lên tiếng hay không thôi.

Không gì giết chết ước mơ nhanh hơn một “sếp ác ma”

Làm việc dưới trướng một người xấu tính ảnh hưởng đến bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Họ khiến bạn chán nản, thiếu nhiệt huyết với chính hoài bão của mình.

Bạn xứng đáng có được một người sếp có tâm sẵn sàng giúp đỡ bạn chạy dự án, làm việc hiệu quả và ủng hộ mơ ước của bạn vô điều kiện. Đừng cố làm hài lòng một “sếp ác ma” bởi việc này chỉ làm thui chột động lực hoài bão của bạn mà thôi!

Bạn cần gặp đúng người đưa ra các chỉ dẫn, động viên để đạt được mục tiêu nhưng sếp tồi sẽ chẳng lắng nghe đến những thứ đó đâu bởi thứ duy nhất ông ta quan tâm là doanh số và bản thân ông ta.

Sếp “thiên thần” là người thế nào

Đơn giản lắm, họ là những người tôn trọng bạn và ngược lại, bạn cũng tôn trọng họ. Họ tin tưởng năng lực của bạn, giúp bạn tìm câu trả lời thay vì đưa ra đáp án, có EQ cao, coi trọng những gì bạn hướng tới và không bao giờ nạt nộ bất kỳ ai...

Tôi cũng may mắn khi được làm việc cùng những người có các đặc điểm như trên. Một người giúp tôi tham gia khóa học thuyết trình giúp tôi cải thiện khả năng diễn thuyết và xây dựng sự tự tin. Một người lại cho phép tôi dành ra một ngày trong tuần làm việc để giải quyết với các vấn đề phát sinh trên mạng xã hội. Anh là lý do giúp tôi có thể đạt doanh số chỉ với bốn ngày làm việc trên tuần.

Những vị lãnh đạo chỉ quan tâm đến doanh số mà quên đi những người đang làm việc cùng mình sẽ dần đánh mất những cộng sự đắc lực nhất. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc vị thế của họ dần lung lay. Hãy nhớ rằng, trong thị trường việc làm ngày càng cởi mở, những vị sếp xấu tính sẽ không bao giờ trụ vững được.