Mọi người đều nghĩ rằng trong các cách chế biến thịt lợn, món luộc là dễ làm nhất. Tuy nhiên nếu không biết cách, bạn vẫn có thể thất bại, miếng thịt sau khi luộc bị khô và thâm xỉn.
Rất nhiều người gặp phải tình huống sau khi luộc thịt lợn xong, họ vớt ra đĩa và tiếp tục làm những công việc khác; đến lúc dọn mâm mới nhận ra miếng thịt không còn hấp dẫn như lúc nãy mà trở nên sẫm màu.
Muốn thịt lợn luộc không bị thâm xỉn, phải làm sao? (Ảnh: Chef Chris Cho)
Tình trạng này xảy ra là do quá trình oxy hóa, phản ứng hóa học giữa các thành phần trong thịt và không khí khiến nó bị ngả màu. Quá trình oxy hóa xảy ra với tất cả các loại thịt và thực phẩm đã nấu chín, nó chỉ rõ ràng hơn với thịt lợn luộc do sắc thái tương phản.
Có nhiều điều bạn cần lưu ý nếu muốn món thịt lợn luộc không bị thâm xỉn:
- Bạn phải chọn được miếng thịt lợn còn tươi. Sau khi mua thịt về, bạn nên sử dụng trong vòng 1-2 ngày. Việc bảo quản trong tủ lạnh quá 2 ngày có thể khiến thịt bị oxy hóa.
- Cần luộc thịt lợn với nhiều nước: Dùng một cái nồi lớn và đổ nước vào sao cho ngập hết miếng thịt lợn. Bất kỳ loại thịt nào không ngập trong nước sẽ bị oxy hóa trong quá trình nấu.
- Làm lạnh ngay sau khi luộc: Sau khi thịt được luộc chín, bạn vớt ra cho ngay bào tô nước đá, ngâm trong 1 phút. Đây là bí quyết quan trọng để thịt lợn luộc không bị thâm xỉn.
- Sau khi ngâm nước đá, bạn vớt thịt ra đĩa, nếu chưa dùng ngay thì nên đậy lại để thịt không bị khô, đến lúc ăn mới thái và bày ra đĩa.
Thịt lợn sau khi luộc được ngâm qua nước đá khoảng 1 phút sẽ có màu sắc tươi sáng, trông đẹp mắt và rất ngon. (Ảnh: Cookpad)
Cách này cũng có tác dụng với thịt bò và nội tạng.
Món thịt luộc của bạn sẽ thất bại, trở nên mất ngon nếu bạn mắc phải các sai lầm sau:
Luộc quá kỹ
Nhiều người sợ thịt không chín nên luộc quá lâu để chắc chắn nó không còn "lòng đào". Điều này khiến phần nạc bị khô, nếu lâu hơn nữa thì toàn miếng thịt bị nhũn, bở và mất đi vị ngọt, ăn nhanh ngán.
Việc luộc thịt quá lâu cũng ảnh hưởng đến dinh dưỡng. Trong nhiệt độ 200 – 300 độ C, các axit amin, creatinin, đường và hợp chất vô hại trong thịt sẽ tạo ra phản ứng hóa học, hình thành một số hợp chất có hại. Do đó, bạn chỉ nên luộc chín tới, miếng thịt sẽ giữ được vị ngọt, độ giòn và mùi thơm hấp dẫn.
Chế thêm nước lạnh
Thêm nước lạnh vào nồi nước đang sôi là sai lầm rất nhiều người mắc phải khi luộc thịt. Nhiệt độ giảm đột ngột sẽ khiến protein và chất béo lập tức kết tủa, các rãnh, khe hở của thịt sẽ co lại, phần nạc sẽ bị cứng hơn, mùi vị tươi ngon của thịt cũng bị ảnh hưởng.
Do đó, bạn nên đổ nước ngập thịt khi luộc, nếu cần cho thêm thì hãy chế nước sôi vào.
Chọc kiểm tra liên tục
Vì sốt ruột hoặc vì sợ không kiểm soát được độ chín của miếng thịt, nhiều người thường xuyên chọc đũa, lật thịt trong quá trình luộc. Điều này sẽ khiến chất ngọt trong miếng thịt tiết ra ngoài nhiều, làm mất đi độ ngọt, thịt cũng khô hơn.
Vì vậy, bạn nên chờ nước sôi khoảng 5 phút mới chọc đũa để kiểm tra, nếu thịt chưa chín thì luộc 5 phút nữa.
Thái thịt ngay khi vừa luộc
Muốn đảm bảo độ nóng, nhiều người thái thịt ngay khi vừa luộc. Đây là một sai lầm vì lúc này, bạn sẽ khó thái được miếng thịt đẹp, vuông vức do nó còn mềm, bở. Tốt nhất là bạn cho miếng thịt vào tô nước đá khoảng một phút rồi mới mang ra thái, thịt vừa ngon vừa đẹp mắt.