Hiện nay, các cuộc phỏng vấn xin việc không chỉ xoay quanh các câu hỏi liên quan trình độ học vấn, mức độ chuyên môn. Để lựa chọn được những ứng viên sáng giá, nhiều công ty còn đưa vào những câu hỏi hóc búa.
Những câu hỏi tình huống này thường không có một đáp án cụ thể bởi mỗi người sẽ có các cách suy nghĩ và lập luận khác nhau để bảo vệ quan điểm của mình. Việc đặt ra các câu hỏi tình huống như vậy là nhằm đánh giá các kỹ năng mềm hay chỉ số EQ, IQ của ứng viên. Họ yêu cầu nhân viên của mình không chỉ giỏi chuyên môn mà cần nhanh nhạy với mọi vấn đề.
Vì thế, hàng nghìn câu hỏi có 1-0-2 ra đời. Nhiều câu hỏi hài hước, hóc búa và thậm chí là kỳ quặc khiến nhiều ứng viên có thể sẽ lúng túng. Đôi khi, một số câu hỏi không có đáp án đúng hay sai, phần nhiều phụ thuộc vào cách giải thích của người trả lời nhằm thuyết phục được người nghe. Song nhờ vậy, công ty mới tìm được những ứng viên biết cách xử lý tình huống khôn khéo.
Trường hợp của Khương Xuân (Trung Quốc) trong một lần đi phỏng vấn xin việc gần đây là một ví dụ điển hình. Giống như mọi người, sau khi nghỉ việc ở công ty cũ, anh tìm kiếm công việc trên các chuyên trang tìm việc làm và nộp CV.
Ảnh minh họa
Vài ngày sau khi nộp hồ sơ, anh đã nhận được lời mời phỏng vấn cho vị trí truyền thông tại một công ty. Trong buổi phỏng vấn đó, 3 ứng viên khác cũng tham gia.
Như thường lệ, nhà tuyển dụng tìm hiểu hoàn cảnh của từng cá nhân và hỏi một số câu hỏi chuyên môn. Sau đó, vị sếp này đã đưa ra một câu hỏi nhằm kiểm tra khả năng thích ứng tại chỗ của ứng viên: "Làm thế nào người nghèo mua được kim cương?"
Sau khi nghe được câu hỏi này, cả 3 ứng viên đều tỏ ra sửng sốt. Bởi họ không hiểu câu hỏi này liên quan gì đến chuyên môn hay đem lại lợi ích cho công việc sau này. Tuy nhiên, vì đây là vòng phỏng vấn cuối cùng nên dù cảm thấy vô cùng khó hiểu thì Khương Xuân cũng như các ứng viên vẫn phải tìm được câu trả lời.
Sau khoảng 3 phút, nhà tuyển dụng mời ứng viên đầu tiên trả lời. Người này tỏ ra lúng túng. “Trừ khi có người cho người nghèo rất nhiều tiền. Nếu không, tôi không biết họ làm thế nào để mua được kim cương”, ứng viên này nói.
Ngay khi nghe câu trả lời này, nhà tuyển dụng không nói gì mà ra hiệu cho ứng viên thứ 2 trả lời. Người này tỏ ra khá bực bội và nói: “Câu hỏi này không liên quan gì đến công việc hiện tại nên tôi từ chối trả lời”. Người của phía công ty lắc đầu và hướng ánh mắt về phía Khương Xuân.
Chàng trai này bình tĩnh trả lời: “Vì sao chúng ta không thay đổi suy nghĩ của mình. Ví dụ người nghèo đang ở trên sa mạc và sở hữu một chai nước suối. Vào thời điểm này, chẳng phải anh ấy có thể đổi chai nước lấy kim cương sao. Bởi nước uống ở trên sa mạc cực kỳ quý hiếm”.
Ngay khi nghe thấy câu trả lời này, nhà tuyển dụng đứng dậy vỗ tay và nói: “Mục đích chính của yêu cầu này là nhằm đánh giá khả năng ứng biến của các bạn. Cách xử lý tình huống của Khương Xuân có lẽ là tốt nhất. Ngày mai, bạn có thể đến làm luôn”.
Theo phân tích của nhà tuyển dụng này, đôi khi có một số trường hợp, bạn cần có cách tiếp cận vấn đề và hướng giải quyết mới thay vì mãi đi vào lối mòn. Ngoài ra người này cũng dành lời khuyên cho các ứng viên có thể ứng tuyển thành công khi gặp phải những yêu cầu "khó hiểu" tương tự.
Điều đầu tiên là phải cẩn trọng và chú ý đến từng lời người phỏng vấn nói. Bởi có thể buổi phỏng vấn là cơ hội duy nhất và cuối cùng để bạn ứng tuyển vào doanh nghiệp này. Vậy nên việc cẩn thận trong hành động, suy nghĩ thể hiện bạn là người vô cùng trân trọng cơ hội của mình.
Điều thứ 2 là hãy thoát khỏi suy nghĩ coi mọi thứ là điều hiển nhiên. Các ứng viên trả lời sai cũng là bởi họ bị kinh nghiệm trong quá khứ đánh lừa. Vậy nên càng dễ "sập bẫy" của người phỏng vấn. Ngoài việc vận dụng trải nghiệm của bản thân, hãy nghĩ đến việc giải quyết vấn đề mới mẻ, sáng tạo để bản thân khác biệt so với các đối thủ khác.
Thêm nữa, với những câu hỏi lập dị này, điều mà nhà tuyển dụng muốn hướng đến là xem cách phản ứng của bạn với những tình huống không dự tính trước. Bằng cách này, họ hy vọng sẽ thấy được tính cách và con người của bạn.