Nhiều khi chính Gen Z cũng không xác định được mình tiêu tiền vì lý do gì nữa.
Bên cạnh những Gen Z có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân từ rất sớm, thì cũng còn nhiều Gen Z vẫn chưa biết cách thoát ra khỏi cám dỗ của việc mua vui cho bản thân bằng những sở thích khá tốn kém.
Ảnh minh họa
Cũng chung tình trạng chi tiền cho những món đồ không thực sự cần thiết, T.V (25 tuổi, sáng tạo nội dung, Hà Nội) cho biết: "Bản thân mình luôn cảm thấy tự ti, vì thế, mình xem việc chăm chút cho vẻ ngoài không đơn giản như một sở thích mà còn là một khoản đầu tư. Mình đầu tư khá nhiều tiền cho những bộ quần áo hàng hiệu, hay những chiếc túi xách khá mắc tiền".
Cô nàng chia sẻ, cứ sau mỗi lần lấy lương, T.V lại tự thưởng cho bản thân 1 chiếc túi giá 2-3 triệu, trong khi lương tháng cũng chỉ trên 10 triệu. Tình trạng này kéo dài khiến T.V lúc nào cũng rơi vào trạng thái "viêm màng túi" trước khi kịp nhận lương tháng tới.
Hay như L.T (24 tuổi, Nam Định), cô nàng vốn dĩ không phải là một người tiêu hoang. Nhưng đôi khi, vì 1 lý do nào đó, cũng đã tiêu tốn những khoản tiền vào những thứ vô nghĩa: "Vẫn nhớ có 1 lần, nhân dịp đám cưới anh trai, cửa tiệm làm móng lại đang có khuyến mãi combo, mình đã lỡ chân sa ngã vào và chi ra nửa triệu chỉ để làm một bộ móng. Sau đó 3 ngày thì phải gỡ ngay vì vướng quá, không làm được gì. Khi cầm hóa đơn thanh toán, mình chỉ biết tiếc hùi hụi.". Và L.T cũng cho biết rằng, đây không phải lần đầu tiên cô nàng tiêu tiền cảm tính như thế.
Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều bạn trẻ bây giờ: Tiêu tiền một cách rất cảm tính và không có tính toán từ trước, tiêu tiền cho trải nghiệm, cho việc mua vui bản thân, mà không màng đến việc túi tiền của mình đang kêu gào "hãy dừng lại đi."
Việc chi tiêu không kiểm soát khiến nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng tiêu trước hụt sau, cứ đến giữa tháng là tài chính hụt hơi. Để rồi khi lạm phát ngày càng cao, xăng tăng, đồ ăn tăng,... túi tiền lại càng cạn nhanh hơn nữa. Vì thế, một số khoản chi tiêu cho "sở thích" bỗng chốc thừa thãi một cách lạ thường.
Ảnh minh họa
Trà Như (23 tuổi, Hải Phòng) có một sở thích khá đặc biệt, đó là sưu tầm sách thiết kế. Bao gồm những loại sách có thiết kế độc lạ: bìa gỗ, bìa cứng, các chất liệu bìa khác nhau,... hoặc các loại sách bản đặc biệt,...
Cô nàng cho biết đã có thời gian bản thân phát cuồng lên vì những cuốn sách như thế: "Hễ có thời gian, mình lại lang thang ở khắp các hiệu sách, tiệm sách cũ, hội chợ, hay bất cứ nơi đâu để có thể tìm được quyển sách đúng ý. Nhưng, mình chẳng đọc nó nhiều như mình nghĩ." Cho đến một hôm, 1 đơn đặt hàng sách của Như lên tới 8 triệu, ngốn hơn 1 nửa số tiền lương mà cô nàng kiếm được hàng tháng. Bỗng chốc thấy lo cho túi tiền của mình, Như chia sẻ: "Mình giật mình khi nhận được hóa đơn thanh toán. Cả tháng còn lại mình phải sống làm sao với vài triệu trong túi đây." Gặp ngay thời điểm bão giá, không chỉ mỗi Như mà chắc nhiều Gen Z cũng đang hoang mang với câu hỏi này lắm đây.
Một trong những cách kiểm soát tài chính cá nhân phổ biến nhất, được ứng dụng nhiều nhất, đồng thời cũng hiệu quả nhất, đó chính là phân bổ nguồn thu chi cho từng khoản mục cụ thế.
Không cần quá phức tạp, bạn chỉ cần lập bảng kiểm soát thu chi gồm 3 hạng mục cơ bản: Nhu cầu thiết yếu - Tiết kiệm - Nhu cầu khác.
Ảnh minh họa
Nhu cầu thiết yếu: Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, để không rơi vào tình trạng tiêu trước hụt sau, bạn chỉ nên dành tối đa 40% tổng nguồn thu dành cho nhu cầu thiết yếu. Nhu cầu thiết yếu ở đây là những khoản chi mà nếu không có thì bạn sẽ không thể sống, như: Tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước, wifi,...
Tiết kiệm: Với những người chỉ có nhu cầu tiết kiệm dành cho trường hợp khẩn cấp, thì khoản tiền tiết kiệm được khuyên tốt nhất là tốt thiểu 15% tổng thu.
Nhu cầu khác: Sau khi dành ra 40% cho nhu cầu thiết yếu, và 15% cho tiết kiệm. Bạn sẽ còn lại khoảng 45% dành cho những nhu cầu khác của cuộc sống như: đầu tư, vui chơi giải trí, mua sắm, shopping,... tùy với nhu cầu trong cuộc sống của mỗi người.
Một ví dụ nhỏ để khiến bạn nhận ra việc phân bổ thu chi quan trọng đến nhường nào: Giả sử, lương tháng của bạn là 8 triệu đồng. Nếu không phân bổ thu chi, khi mới nhận lương bạn sẽ cảm thấy mình có khả năng chi trả cho chiếc áo 1 triệu đồng, vẫn còn dư tận 7 triệu để tiêu cơ mà. Nhưng đây là suy nghĩ có thể đốt túi tiền của bạn chỉ sau vài ngày nhận lương thôi đấy. Tuy vậy, nếu như biết chia nhỏ số tiền đó ra theo công thức trên, bạn sẽ có: 3,2 triệu dành cho việc ăn ở, 1,2 triệu tiết kiệm. Số còn lại khoảng 3,6 triệu, dành cho nhu cầu chi tiêu khác trong cuộc sống. Khi phân chia rõ như vậy, thì việc dành ra 1 triệu để mua chiếc áo đó, bỗng cần được cân nhắc lại, vì giờ đây, túi tiền của bạn trở nên "chật hẹp" một cách rõ ràng.
Nguồn ảnh: Weheartit