Làm ngân hàng: Trong chán, ngoài thèm?

Trí Thức Trẻ, Theo 09:36 07/06/2016
Chia sẻ

Lương cao chót vót nhưng thời gian cho cá nhân lại hạn hẹp, luôn phải đối mặt với chỉ tiêu “khủng”, chưa kể rủi ro lúc nào cũng rình rập khiến nhiều người làm trong ngân hàng muốn bỏ nghề. Nhưng bên ngoài, có hàng nghìn người vẫn xếp hàng để được tuyển dụng.

Làm ngân hàng: Trong chán, ngoài thèm? - Ảnh 1.

Công việc mơ ước

Có thể khẳng định ngay rằng, nghề ngân hàng vẫn là một trong những nghề “hot” nhất hiện nay bởi chế độ lương thưởng cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. Một nghiên cứu của công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search công bố hồi đầu năm nay cho thấy, ngành tài chính ngân hàng đứng đầu trong số 10 ngành có mức lương cao nhất.

Khảo sát của chúng tôi tại một số ngân hàng cho thấy, khi được ký hợp đồng chính thức, một nhân sự mới vào các ngân hàng thương mại Nhà nước, mức lương bình quân không dưới 8 triệu đồng/tháng, còn làm việc tại ngân hàng cổ phần cũng không dưới 5 triệu đồng. Lương thử việc ở các nhà băng thường thấp hơn, song mức thấp nhất cũng được từ 2 – 5 triệu đồng/tháng.

Một nhân sự có thâm niên trên 2 năm, mức lương ở các ngân hàng không dưới 10 triệu đồng/tháng. Các “sếp” cấp trung cho đến cấp cao trong ngân hàng còn hưởng lương tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng tức thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Tại báo cáo tài chính năm 2015 của các ngân hàng cho thấy, mỗi cán bộ nhân viên Vietcombank nhận trung bình 22,48 triệu đồng/tháng, ở ngân hàng Techcombank là 21 triệu đồng. Các ngân hàng như BIDV, VietinBank, VPBank trả cho người lao động thu nhập quanh 18 – 19 triệu đồng/tháng. Ngân hàng Quân đội trả 17,76 triệu đồng còn SHB và VIB cũng trả cho người lao động hơn 16 triệu đồng. Thấp hơn chút ít, nhân sự của Sacombank, eximbank, ACB cũng có thu nhập từ 13 – 15 triệu đồng bình quân mỗi tháng.

Gian nan đầu vào

Bởi là “ngôi sao” trong làng việc làm, nên ngân hàng cũng đặt ra cho họ những tiêu chí tuyển dụng khá khắt khe. Hiện nay hầu hết các nhà băng đều yêu cầu cao về hình thức (thường là nữ trên 1m56 và nam trên 1m65, ngoại hình ưa nhìn), học vấn tốt và có kinh nghiệm.

Đáp ứng được những tiêu chí ban đầu đã khó, các ứng viên vào ngân hàng còn phải trải qua các vòng thi tuyển và phỏng vấn khắt khe với tỷ lệ chọi có nơi lên đến 1/100.

Giữa muôn trùng khó khăn về việc, hi hữu một số trường hợp còn ưu tiên con cháu trong nhà, rồi có cả cơ chế “chạy” suất vào ngân hàng, khiến cho “cửa” vào ngân hàng đã hẹp lại càng chật hơn.

Sau khi được tuyển dụng, ứng viên còn phải trải qua giai đoạn thử việc gian nan, phổ biến là 3 – 6 tháng, có trường hợp kéo dài tới 1 năm. Và thời gian này, sự thanh lọc nhân sự lại một lần nữa xảy ra, hầu hết chỉ những người có năng lực tốt mới có thể bám trụ và trở thành nhân viên chính thức.

Vào được lại… muốn ra

Vào được ngân hàng đã khó, bám trụ được ở ngân hàng lại càng khó hơn. Chẳng thế mà có nhiều trường hợp vừa vào được vài tháng đã muốn xin nghỉ việc.

Trường hợp của anh Lưu Văn Nghĩa, hiện đang công tác tại một Công ty chứng khoán ở Hà Nội là một điển hình. Anh tâm sự, vừa tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, anh may mắn trúng tuyển vào ngân hàng NA. Ban đầu mới vào, anh không bị giao chỉ tiêu cao nên cảm thấy rất phấn khích. Tuy nhiên, niềm vui chẳng được bao lâu, sau nửa năm làm nhân viên chính thức, các chỉ tiêu bỗng… ầm ầm kéo đến, từ doanh số huy động vốn cho đến cho vay, mở thẻ.

Dù đồng nghiệp vẫn rất nhiệt tình hỗ trợ, giám đốc phòng giao dịch tạo điều kiện đáng kể nhưng vì ngân hàng quy mô nhỏ nên anh rất khó thuyết phục khách hàng để tăng doanh số. Kết quả là, sau 2 tháng liên tiếp không hoàn thành nổi 10% chỉ tiêu, anh đã phải xin nghỉ.

Sau khi rời ngân hàng NA., anh Nghĩa thi tuyển vào ngân hàng lớn với hi vọng làm sales ở ngân hàng uy tín sẽ dễ hơn. Vượt qua gần trăm đối thủ, anh Nghĩa đã trúng tuyển, tuy nhiên một lần nữa anh lại thất bại.

“Chi nhánh ngân hàng TC. giao cho tôi chỉ tiêu huy động 2 tỷ đồng mỗi tháng, mở 50 thẻ tín dụng, cho vay 5 tỷ đồng và bán chéo dự án bất động sản của tập đoàn liên kết. Dù đã tận dụng hết các mối quan hệ và nhiệt tình tìm kiếm khách hàng nhưng tôi vẫn không thể hoàn thành được chỉ tiêu, vì thế làm được nửa năm, dù vẫn rất muốn làm ở ngân hàng nhưng tôi đành xin nghỉ và quyết định chuyển nghề”, anh Nghĩa nói.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Mai Phương đang công tác tại ngân hàng AC. lại khác. Chị Phương kể, chị đã có 8 năm làm ở ngân hàng này và hoàn thành rất tốt công việc. Chị hài lòng với mức lương và thưởng ngân hàng dành cho. Tuy nhiên, từ khi đi làm, chị hầu như rất hiếm có thời gian để đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Cho đến nay, đã bước sang tuổi 29 mà chị vẫn chưa lập gia đình.

“Ba mẹ tôi rất sốt ruột vì con gái lớn trong nhà tuổi gần 30 mà không chịu lấy chồng. Bạn trai tôi cũng nhắc nhở, nhưng nói thật, đi làm từ 7h sáng đến 7h tối, có hôm 9h, 10h vẫn chưa được về, thời gian yêu đương còn hạn hẹp, nếu có gia đình thì làm sao chăm lo nổi”, chị nói và cho biết thêm cũng đang kiếm tìm một việc khác phù hợp để tính đến chuyện chồng con.

Câu chuyện của anh Nghĩa và chị Phương không phải là hiếm gặp trong giới ngân hàng hiện nay. Những áp lực về chỉ tiêu và thời gian khiến cho không ít người phải từ bỏ đam mê cùng mức lương trong mơ của họ.

Một công ty truyền thông hàng đầu Việt Nam cho biết, trong đợt tuyển dụng của họ mới đây liên quan đến mảng tài chính ngân hàng, trong số gần 100 hồ sơ ứng tuyển thì có tới hơn chục hồ sơ của người đang làm ngân hàng. Lý do mà các ứng viên này đưa ra là muốn thay đổi môi trường làm việc, hoặc tìm kiếm một công việc phù hợp hơn.

Trong chán, ngoài thèm

Trong một lần trò chuyện cùng người viết, Tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại phía Nam chia sẻ, trong ngân hàng thì lớp cán bộ nào cũng có mối lo và áp lực. Nếu như cán bộ nhân viên cấp thấp phải chạy chỉ tiêu, thì người quản lý của họ còn phải lo những chỉ tiêu lớn hơn. Đến tầm lãnh đạo cấp cao hơn một chút thì lại lo người cấp dưới có làm được hay không, có làm đúng hay không.

“Nhiều khi ở vị trí của tôi cũng rất lo lắng vì không biết anh em thực hiện như thế nào. Yêu cầu, chỉ đạo của mình là như vậy nhưng họ có thực hiện đúng hay không. Người ta nói làm tổng giám đốc ngân hàng sung sướng, hưởng lương hàng tỷ đồng mỗi năm, nhưng làm CEO cũng chỉ là làm thuê, rủi ro lúc nào cũng rình rập, có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, ông nói.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín, giảng viên trường ĐH Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cũng đồng tình rằng, bên ngoài bây giờ nhìn vào nghề ngân hàng vẫn rất thiết tha, nhưng người ở trong thì không hẳn vậy.

Theo ông Tín, lương và thưởng cao ở ngân hàng cũng phải kèm theo điều kiện về chỉ tiêu lợi nhuận, mà các chỉ tiêu này đều không dễ gì đạt được trong thời buổi kinh tế cạnh tranh gay gắt như bây giờ. Bên cạnh đó, thu nhập càng cao thì càng đối mặt với rủi ro càng lớn, không chỉ về trách nhiệm kinh tế mà có thể cả trách nhiệm hình sự.

Theo vị CEO ở trên, người ngoài ngành khi nhìn vào ngân hàng chỉ thấy bề nổi là thu nhập của họ cao, là được làm việc trong môi trường tốt, được ăn diện. Nhưng nếu biết được rằng, hàng ngày mỗi cán bộ ngân hàng phải dành ra bao nhiêu thời gian cho công việc, phải nỗ lực như thế nào, phải đối diện với những rủi ro ra sao, thì chưa chắc họ đã muốn mình là một nhân viên ngân hàng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày