Vừ Bá Dải (chồng Y Râu 16 tuổi) với khuôn mặt non choẹt ôm cậu con trai vào lòng khi vừa trên rẫy về
Huồi Sơn, một bản làng ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An), nơi 100% là đồng bào Mông sinh sống, nằm biệt lập giữa rừng sâu, giáp ranh biên giới Việt-Lào. Người dân bản địa sinh sống chủ yếu bằng hình thức tự cung tự cấp, trồng được thứ gì ăn thứ đó. Nơi đây, nhiều đứa trẻ mới 14-15 tuổi đã lên chức mẹ, 30 tuổi đã thành bà ngoại rồi lớp lớp đám trẻ sinh ra vẫn chưa được khai sinh, đó là những lời giới thiệu vào chuyện của cán bộ xã Tam Hợp trên đường dẫn chúng tôi vào bản tìm hiểu vấn nạn tảo hôn.
Sau hơn 1h đồng hồ chạy xe máy đi men theo con đường đất độc đạo giữa núi rừng, chúng tôi đặt chân đến với Huồi Sơn. Hình ảnh bắt gặp đầu tiên là những cô bé địu đứa trẻ trên lưng, vừa làm việc, vừa hát ru thoạt nhìn cứ ngỡ là chị trông em khi bố mẹ vắng nhà. Nhưng thực chất đó là những bà mẹ nhí, sau hủ tục bắt vợ.
Trong bản này, việc những thiếu nữ nhỏ tuổi lên chức làm mẹ không phải là điều hiếm hoi. Trong đó có Xòng Y Râu (SN 2003) là cô gái người dân tộc Mông ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn. Y Râu lấy chồng từ năm 14 tuổi, nay mới sinh được con trai 4 tháng. Đến nhà Y Râu trong buổi chiều mưa tầm tã, sương mù bắt đầu vượt đỉnh núi cao chót vót sà xuống bản làng.
Ngôi nhà sàn của vợ chồng Y Râu nằm khép mình dưới chân núi, bên trong không có lấy thứ gì quý giá ngoài chiếc giường, ít bộ quần áo cùng vài ba củ sắn đặt ở giữa nền đất. Y Râu có khuôn mặt rất xinh nhưng ánh mắt Râu thật buồn. Cô gái kể chuyện bằng thứ tiếng Kinh bập bõm, khó nghe, phải nhờ sự trợ giúp từ cán bộ biên phòng cắm bản chúng tôi mới hiểu được lời Râu nói.
Cuộc hôn nhân của Râu bắt đầu vào mùa Xuân năm 2017. Khi đó Râu mới 14 tuổi, đang học lớp 7 trường THCS dân tộc bán trú Hội Tụ. Trong một dịp đến thăm nhà mẹ đẻ lấy chồng thứ 2 ở bản Huồi Sơn, Râu bị Vừ Bá Dải (SN 2001) cùng một người bạn nữa cầm tay kéo đi. Biết mình sẽ bị bắt về làm vợ, Râu cưỡng cự vì còn muốn đi học cái chữ, muốn chơi đùa cùng bạn bè, muốn về nhà cùng đứa em nhỏ, nhưng đôi chân của Râu lại cứ líu ríu chạy theo Dải về nhà.
Còn gia đình Dải, khi thấy con trai bắt được cô vợ xinh đẹp, trong đêm đã tổ chức giết gà, mổ heo cúng ma mới. Sau 3 đêm bị nhốt ở nhà Dải, Râu biết mình đã là vợ của Dải, cô dâu 14 tuổi suy nghĩ có chết cũng là con ma của nhà Dải rồi nên việc chạy trốn Râu không dám nghĩ tới. Bởi nếu bỏ đi, Râu sẽ bị gia đình Dải bắt vạ, dân làng chửi rủa. Gạt bỏ những dự định cho tương lai, bỏ dở việc học, Râu buộc phải tổ chức lễ cưới rồi về nhà chồng. Cũng từ đây, nụ cười hồn nhiên trên gương mặt Râu đã vụt tắt.
“Trước đó anh Dải hỏi muốn làm vợ anh không, em gật đầu thì anh kéo em về nhà để ở. Thật ra em không biết làm vợ là thế nào, cũng không biết mình sẽ sinh con, giờ mới thấy lấy chồng không sung sướng như mình nghĩ”, Y Râu nói trong tủi hờn. Đang kể dở câu chuyện, cậu con trai khóc vì khát sữa, Y Râu liền chạy lại bế con ra sau nhà sàn rồi hát ru bằng tiếng Mông. Lời ru của người mẹ thể hiện tình yêu thương mãnh liệt dành cho con, nhưng lời ru của Râu cất lên sao mà buồn đến thế!.
Theo thống kê từ năm 2015-2019 trên địa bàn xã Tam Hợp có 54 trường hợp tảo hôn, trong đó số nữ giới dưới 16 tuổi chiếm phần nhiều. Riêng ở bản Huồi Sơn có đến 24 cặp đôi tảo hôn. Điều đáng quan tâm là tình trạng tảo hôn gia tăng hàng năm trong khi đó độ tuổi tảo hôn ngày càng giảm. Như những năm trước tảo hôn ở độ tuổi 16-17, nhưng nay có những đứa trẻ mới lên 12 đã phải đi làm vợ nhà người.
“Nạn tảo hôn vẫn còn. Tuyên truyền giáo dục nhiều lần mà họ không nghe. Ở đây dân làm nương, làm rẫy thôi, nghèo lắm. Nghèo mà lại lấy chồng sớm quá nên cực khổ, hiếm hoi lắm mới có đứa học hết cấp 2 chứ đừng nói đến cấp 3. Cái khó là không cha mẹ nào dám cấm hay ngăn cản vì có nhiều trường hợp không cho cưới cặp đôi đó sẽ đi ăn lá ngón để giải thoát”, anh Xồng Bá Chư, Bí thư chi đoàn bản Huồi Sơn chia sẻ.
Đường vào bản Huồi Sơn, nơi vấn nạn tảo hôn đang diễn ra nhức nhối
Nói xong, anh Chư đưa chúng tôi đến nhà ông Xồng Buôn Dờ (SN 1963), người có hai người con trai song sinh gồm Xồng Bá Khư và Xồng Bá Xa cùng (SN 1999) đã lấy vợ, có con nhưng chưa đăng lý kết hôn. Từ trong gian bếp rộng chưa đầy 10m2, vợ chồng ông Dờ cùng con trai, con gái, quây quần bên bếp lửa đang cháy hừng hực. Chỉ tay về phía hai cô gái mặt mũi còn non choẹt, ông Dờ nói trong tự hào: “Hai con dâu tôi đấy, nó chưa đủ 18 tuổi đâu. Cưới về cho có người làm nương làm rẫy”. Khi hỏi đến việc các con chưa đủ tuổi kết hôn sao bố mẹ không ngăn cản thì ông Dờ đưa ra cái lý của mình. “Cứ ưng cái bụng, thích cái mắt, hai bên đều đồng ý thì lấy nhau thôi, không phân biệt tuổi tác. Đây là phong tục lâu nay, nếu không cho chúng nó lên rừng ăn lá ngón ngay”, ông Dờ nói.
Dù mới 17 tuổi, nhưng Lầu Y Sùa (SN 2002, con dâu ông Dờ) đã là mẹ của hai đứa con, đứa đầu nay 3 tuổi, còn đứa nhỏ mới 1 tuổi. Năm 2015 Sùa bị bắt về làm vợ ở cái tuổi đầy mơ mộng, hồn nhiên. Bỏ lại trang sách còn đọc dở, Sùa lấy chồng hơn mình 3 tuổi, làm mẹ ở cái tuổi 14 trong nỗi tủi hờn. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, cuộc sống của gia đình Y Sùa gặp phải muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Mọi việc lớn bé, nặng nhọc trong gia đình đều đè nặng lên đôi vai của người mẹ trẻ. Sùa cho rằng mình là người mạnh mẽ, chịu thương chịu khó, nhưng cô bé vẫn không thể quên sự đau đớn và nỗi sợ hãi ngày chuyển dạ sinh con.
Rời bản khi bầu trời chuyển màu tối, chúng tôi bắt gặp Lầu Y Bi (SN 2003), Vừ Y Sềnh (SN 2004), Hờ Y Mi (SN 2006) vừa đi hái măng trở về. Đó cũng là những người vợ, người mẹ có chung một ánh mắt buồn và cam chịu như Sùa và Râu. Các em là những cô gái trẻ phải từ bỏ ước mơ, hoài bão, bỏ lại những trang sách viết dở… để về làm vợ, làm mẹ sống những ngày lầm lụi sau nếp nhà, nương rẫy trong nỗi cơ cực.