Trong một hội nhóm tâm sự nghề nội dung và viết quảng cáo với hơn 600k người tham gia, bài viết của một thành viên thắc mắc về yêu cầu tuyển dụng đang nhận được nhiều sự quan tâm và thảo luận sôi nổi.
Cụ thể, bạn nữ ứng tuyển vào vị trí Nhân viên Account (liên quan đến quản trị dự án và quan hệ khách hàng) nhận được email thông báo mời tham gia phỏng vấn. Chuyện bắt đầu gay cấn khi email đính kèm bản giới thiệu về công ty và yêu cầu: "Chuẩn bị một bản kế hoạch kinh doanh 06 tháng: Kế hoạch tìm kiếm, tiếp cận, khai thác, làm việc để đạt được doanh thu khi được nhận vào làm việc tại (tên công ty)''.
Công ty cho biết mục đích bài kiểm tra là để bộ phận tuyển dụng đánh giá kỹ năng khi bạn trình bày trực tiếp bản kế hoạch vào hôm phỏng vấn.
Trước yêu cầu trong email, nữ ứng viên bối rối đăng tải lên hội nhóm trao đổi công việc, thăm hỏi ý kiến: "Mọi người nghĩ sao về bài test này ạ?".
Cô bạn cho biết trước đó đã đính kèm các bản kế hoạch liên quan đến dự án tại trường, dự án cá nhân để nhà tuyển dụng có thể xem xét trước khả năng lập kế hoạch của mình, nên việc được yêu cầu thực hiện thêm 1 bản kế hoạch dài hơi 6 tháng cho riêng công ty này, chỉ để kiểm tra kỹ năng khiến cô bạn không khỏi phân vân: Liệu doanh nghiệp này đang có ý định xấu với những ý tưởng của mình hay không?
Email yêu cầu ứng viên làm bài kiểm tra đang được thảo luận sôi nổi.
Luồng ý kiến từ đó đang rẽ thành hai nhánh.
Một phe cho rằng yêu cầu làm kiểm tra "khó nhằn" LÀ CẦN THIẾT, bởi luôn có khoảng cách giữa kỹ năng trên CV và kỹ năng thực tế. Đôi khi cái mà nhà tuyển dụng cần chưa hẳn là 1 bản kế hoạch hoành tráng mà để xem kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy của ứng viên đến đâu.
Một phe lại dặn dò bạn nữ cẩn thận bị công ty "bóc lột", lấy bài test để áp dụng rồi không nhận đi làm.
Mỗi bên đang lập luận vô cùng gay cấn, ai cũng có lý lẽ riêng, không ai nhường ai!
Có rất nhiều lý do để một công ty yêu cầu ứng viên tham gia làm bài kiểm tra đầu vào, đặc biệt là những công việc trong ngành sáng tạo hoặc quản trị chiến lược, dự án. Song, mức độ yêu cầu của bài kiểm tra mới là tâm điểm thảo luận.
Trên các hội nhóm Facebook, cứ ít lâu là lại có một email yêu cầu ứng viên làm bài kiểm tra với độ khó "hư cấu" khiến ứng viên nghi ngại.
Trải nghiệm ứng tuyển vị trí Marketing đầy "cờ đỏ" của một bạn như sau: Đã làm một bài test kiến thức, kỹ năng dài 4 tờ A4, phỏng vấn với giám đốc Marketing hơn một tiếng đồng hồ. Hôm sau kiểm tra mail thì thấy "thử thách" vẫn chưa dừng lại khi được yêu cầu sản xuất thêm 10 tuyến nội dung, 1 content dài 1000 từ, viết thêm 1 kịch bản, thiết kế ấn phẩm - tất cả phải hoàn thành trong vòng 2 ngày. Nói chung là dài như sớ!
Một bạn làm nhân viên thiết kế cũng có trải nghiệm không mấy vui vẻ: Không hề gửi email, cứ thế liên hệ và yêu cầu ứng viên làm hẳn 3 bài test dù đã có hồ sơ năng lực. Nhưng nộp bài xong suốt 1 tuần cũng không hề có phản hồi nào.
Một bạn nữ nhận được yêu cầu bài kiểm tra dài như sớ cho vị trí với mức lương... 9 triệu đồng.
Một nhân viên thiết kế chia sẻ trải nghiệm không trọn vẹn khi làm bài test.
Những câu chuyện về trải nghiệm không mấy tích cực trên thị trường phần nào lý giải cho tâm lý nghi ngại của ứng viên khi đứng trước những bài kiểm tra đòi hỏi sản phẩm hoàn chỉnh.
Trong câu chuyện của bạn nữ ứng tuyển vị trí Account Executive, một bộ phận không nhỏ cư dân mạng nghi ngờ về tính minh bạch của công ty:
"Nếu là bài test tư duy ứng viên thì 1 tháng là quá đủ cho nhà tuyển dụng thấy. Đây test hẳn 6 tháng cho cái vị trí bé xíu?", "Bề nổi là tuyển dụng. Sâu xa là đang bế tắc không biết làm kế hoạch định tham khảo tí thôi mà''.
Đa số ý kiến phản đối đều lo lắng kế hoạch của bạn nữ bị công ty áp dụng trái phép. Tự làm thì bí quá, nhân viên không nghĩ ra được thì mình tìm đến ứng viên. Cứ chục người ứng tuyển lại được 10 bản kế hoạch rồi. Nhận bài kiểm tra xong thì cứ soạn email từ chối là xong.
Có bạn chia sẻ kinh nghiệm cũng hoan hỷ làm test, sau đó nhận cái kết phải nhìn thấy chất xám của mình bị bê đi khắp nơi:
"Mình thấy vị trí account bắt làm kế hoạch 6 tháng hơi thừa thãi. Còn việc bị lấy chất xám là có và thậm chí ở công ty lớn luôn. Khoảng 10 năm trước mình ứng tuyển vào vị trí Trade Marketing của một công ty lớn từ Nhật Bản cũng được yêu cầu làm kế hoạch khảo sát kinh doanh cho khu vực A. Làm kế hoạch chán chê, nhận email từ chối xong 1 tuần sau, một trong các ý tưởng của mình bị họ lấy làm chiến dịch. Nghĩ mà cay" - Bạn H. kể.
Phản bác lại những lập luận trên, cũng có nhiều người khẳng định yêu cầu kiểm tra với độ khó như vậy là hoàn toàn hợp lý.
Nó giúp người tuyển dụng kiểm tra xem ứng viên có đầu tư thời gian tìm hiểu, tư duy phù hợp với chiến lược của doanh nghiệp hay không. Ứng viên nên xem đây là cơ hội để thể hiện khả năng thay vì làm quá giá trị chất xám của mình.
Họ phân tích rõ: Ở mức độ của một người chưa từng làm việc cho công ty thì dù cho tham khảo proposal (bản giới thiệu) về doanh nghiệp thì kế hoạch của họ vẫn còn xa vời, chớ phải lo đến việc công ty muốn ăn cắp và sử dụng "chùa", vì những ý tưởng họ đưa ra chưa thấu hiểu thực tế. Nhiều ý kiến khuyên nhủ bạn nữ hãy nhìn vào thực tế vị trí yêu cầu:
- "Vị trí account thì kế hoạch 6 tháng đi từ định hướng đến thực thi còn xa lắm. Bạn sợ công ty lọc lõi lấy ý tưởng, lấy kế hoạch để sử dụng miễn phí trong khi chưa hiểu được doanh nghiệp thì lấy đâu ra một bản kế hoạch xuất sắc?".
- "Các bạn nghĩ một người chưa nằm trong công ty, với dữ liệu rất hạn chế về sản phẩm và tình hình kinh doanh, thì cái kế hoạch 6 tháng làm ra liệu có mang lại được tính hữu dụng không?".
- "Thực ra thay vì bảo các bạn làm bài kiểm tra kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng thuyết trình, thuyết phục khách hàng thì họ giao hẳn cho các bạn làm một cái kế hoạch Marketing cho nó nhanh, lại thực tế, khỏi lan man thôi chứ cái kế hoạch của các bạn mà áp dụng thực tế được thì các bạn đâu có ứng tuyển vào vị trí Nhân viên làm gì đâu. Sao hay 'ra dẻ' quá".
Ảnh minh họa
Một số ít chủ doanh nghiệp, các nhà tư vấn chiến lược tham gia vào cuộc thảo luận và chia sẻ thêm một góc nhìn nữa: Ngoài xem ứng viên giỏi và hiểu biết về công ty, chuyên môn thế nào, bài kiểm tra còn được sử dụng để xem THÁI ĐỘ của ứng viên, xem họ có sẵn lòng làm bài kiểm tra để thể hiện mức độ cam kết với công việc. Họ còn chỉ rõ một vài trải nghiệm với những ứng viên giỏi trên thị trường:
- "Thực ra có một số ứng viên để có thể nâng cao sức cạnh tranh khi phỏng vấn những vị trí tốt họ còn chủ động làm (những sản phẩm mẫu) cơ bạn ạ, và tất nhiên khi được nhận thì mức đãi ngộ của họ luôn cao hơn người khác, mình đang không hiểu tại sao các bạn trẻ chưa làm đã sợ bị ăn cắp chất xám luôn''.
- "Một ứng viên ứng tuyển vị trí nhân viên Marketing vào một tập đoàn lớn. Nhưng anh ấy dành thời gian nghiên cứu và chuẩn bị 1 bản nghiên cứu thị trường và kế hoạch marketing đề xuất rất kỹ lưỡng dù không được yêu cầu. Và kết quả cả ban tuyển dụng và cấp trên rất hài lòng... chỉ khoảng 6 tháng, 1 năm anh đó đã được thăng tiến các vị trí cao của doanh nghiệp đó.
Sau này nhờ bài học đó mình đi ứng tuyển công ty nào cũng chuẩn bị cầu kì thì là proposal, còn đơn giản thì là 2-3 đề xuất cải tiến. Nhưng hiện tại sau nhiều lần phỏng vấn, khi mình hỏi ứng viên em có đề xuất gì không... khoảng 10% các bạn có nghiên cứu thì chia sẻ được, số còn lại đều không nghiên cứu hay tìm hiểu gì về doanh nghiệp cả. Sợ mất mát sớm thì cũng không sai, đó là lựa chọn của mỗi người. Ai tích cực thì sẽ nghĩ tích cực coi đó là thử thách''.
Đáp ứng doanh nghiệp bằng bài kiểm tra khi được yêu cầu sẽ giúp ứng viên nổi bật thái độ cầu tiến, "flex" kỹ năng, chuyên môn tốt và mong muốn cống hiến trọn vẹn. Song để không phải chứng kiến công sức, chất xám của mình bị ăn cắp trắng trợn bởi những nhà tuyển dụng chỉ muốn "lùa gà", nhiều người đứng ra hiến kế!
- "Mình có thể hỏi khéo như thế này: Kết quả bài test này có được công ty sử dụng vào mục đích thương mại không? Nếu có thì công ty sẽ trả công như thế nào? Nếu công ty không sử dụng thì em có toàn quyền dùng nó để đưa vào hồ sơ năng lực''.
- "Làm kế hoạch thì bạn cứ thay số liệu cụ thể bằng ẩn số X, như thế sẽ không lo người khác lấy ý tưởng của bạn rồi áp dụng. Cũng đừng làm hoàn chỉnh mà chỉ cắt một vài đoạn nổi bật nhất thôi''.
- "Nhớ chèn watermark (dấu chìm) vào sản phẩm, hoặc gửi sản phẩm với chất lượng thấp, không chỉnh sửa, copy được''.
Ảnh minh hoạ
Không chỉ ứng viên, các doanh nghiệp cũng có thể rút kinh nghiệm từ lần tranh cãi này.
Anh T., một Founder của Agency làm về nội dung số - vốn là nơi thu hút nhiều nhân sự thuộc ngành sáng tạo, chiến lược và cũng là nơi dễ dính tranh cãi khi yêu cầu ứng viên làm bài kiểm tra - chia sẻ góc nhìn hữu ích về việc các doanh nghiệp nên làm quen và tạo dựng sự tin tưởng từ ứng viên trước khi đưa ra bài test.
"Account thiên về quản trị dự án và dịch vụ khách hàng mà đưa ra yêu cầu làm kế hoạch kinh doanh 6 tháng thì đánh đố.
Với các công ty vừa và nhỏ, nên bớt đưa ra đề bài mà hãy xem ứng viên như là người để trò chuyện sau đó tuỳ năng lực/thái độ/mong muốn để xem kế tiếp nên làm gì. Các email rất máy móc theo quy trình sẽ tạo ra khoảng cách giữa người muốn tuyển và người đang muốn tìm môi trường hấp dẫn. Hôm qua mình ngồi mất 2 tiếng lọc CV freelancer, tuần này sẽ gọi điện để hỏi từng bạn xem cơ hội gì để hợp tác. Tốn công 1 chút nhưng kết quả gấp chục lần.
Còn ứng viên, nếu thấy yêu cầu không hợp thì email từ chối và đề xuất cách trao đổi khác. Trước khi vào công ty thì mọi người bình đẳng''.
Còn bạn, bạn nghĩ gì về câu chuyện này?