Video: Gặp người phụ nữ "đổi" giọng sau tai nạn

VTC, Theo 10:58 06/09/2012

Bị chấn thương ở đầu, tỉnh dậy, bỗng nhiên cô Thảo nói giọng Bắc. Cô vẫn không hiểu căn nguyên tại sao, chỉ mong được trở lại nói giọng quê mình.

Một vài ngày nữa, cô Nguyễn Thị Thảo, 46 tuổi (trú tại xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) sẽ phải vào Huế tái khám sau khi bị tai nạn “thập tử nhất sinh”.

Video: Gặp người phụ nữ "đổi" giọng sau tai nạn.

Cô tâm sự: “Sau khi tỉnh lại, tôi nghe người ta nói lại khi đang trên đường đi làm về cùng với người bạn trên chiếc xe đạp, tôi đã bị một chiếc xe máy tông vào và văng xuống đường bất tỉnh. Sau khi được cấp cứu tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới với chẩn đoán chấn thương sọ não, tôi được chuyển vào BV Trung ương Huế điều trị tiếp. Mọi người nói tôi khi đó như đã chết, cũng không hy vọng gì nhiều. Sau khi được cứu chữa, tôi dần tỉnh. Nhưng cũng từ lúc đó tôi lại nói giọng khác”. 

video-gap-nguoi-phu-nu-doi-giong-sau-tai-nan
Cô Thảo không thể hiểu vì sao mình lại chuyển sang giọng Bắc sau khi bị tai nạn. 

Khi được hỏi lúc vừa tỉnh dậy và nói giọng Bắc như vậy cô có phát hiện ra không? Cô cho biết lúc đó cô không biết là mình đã chuyển giọng như vậy. Cô cười nói: “Chồng tôi và mọi người trong gia đình phát hiện thấy nhưng không nói vì tôi đang trong quá trình điều trị, mãi khi về nhà mới nói. Thời gian gần đây trí nhớ dần hồi phục nên tôi đã nhớ lại và mới biết mình chuyển giọng như vậy”. 

video-gap-nguoi-phu-nu-doi-giong-sau-tai-nan

video-gap-nguoi-phu-nu-doi-giong-sau-tai-nan

Cô cho biết, đời nông dân lam lũ, sống bằng nghề làm ruộng và làm thuê nên cô cũng chưa một lần ra Bắc, huống chi đến Hà Nội. Vậy nên cô cũng không hiểu vì sao tự nhiên lại chuyển giọng như thế. Chú Trần Đình Lâm, chồng cô Thảo cho biết: “Tui rất bất ngờ khi vợ mình tỉnh dậy lại nói giọng Bắc. Thời gian đầu, vợ tui còn nói giọng Bắc đặc sệt hơn. Ví dụ “trời” thì nói “giời”, lâu nay cứ “mô, tê, răng, rứa” quen rồi, vợ tui lại “sao vậy, đi đâu về vậy...”. 

Đối với cô Thảo, cô cho biết, cô không cảm thấy khó khăn hay khác biệt gì ở cách phát âm cả, cô cảm thấy bình thường như khi xưa nói tiếng địa phương vốn có.

Cô cho biết, bà con làng xóm sang thăm cô nhiều, chia sẻ với cô đã vượt qua hoạn nạn. Thế nhưng đôi lúc họ cũng dị nghị là tôi… cố tình nói ra vậy. Thế nhưng, sự thật là cô đâu có muốn như vậy. Gần đây, nhờ tiếp xúc, nói chuyện nhiều, trong môi trường địa phương nên trong khi nói chuyện cô đã sử dụng một số từ địa phương. 

Hiện sức khỏe cô vẫn chưa ổn định hoàn toàn, vẫn còn đau đầu nhiều và thường bị chóng mặt, người đang còn yếu, thỉnh thoảng chân tay co rút nên phải chống gậy khi di chuyển. Cũng chính vì vậy cô không thể làm được việc gì để phụ giúp gia đình.

Cô tâm sự: “May mắn được về nhà điều trị tiếp nên chồng tôi mới có cơ hội để đi làm thuê kiếm sống. 4 người con đang còn nhỏ cùng người mẹ già 81 tuổi phụ thuộc tất cả vào vợ chồng tôi nên khi gặp hoạn nạn vậy tôi buồn lắm. Bây giờ giọng nói đối với tôi không quan trọng, chỉ mong nhanh lành bệnh để làm việc nuôi sống gia đình”.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày