Cư dân mạng đang xôn xao về sự việc các tờ báo tại Trung Quốc đưa tin
xác ướp 600 tuổi ở Nga sinh con. Mới đây, 1 bài phóng sự về chân tướng sự thật đã được đăng trên báo Kankannews (một tờ báo uy tín), vạch rõ những điểm nghi vấn và nhận định đây chỉ là chiêu câu khách của các trang báo.
Được biết, câu chuyện về xác ướp 600 tuổi sinh con không phải là tin mới. Vào tháng 10 năm ngoái, một trang web chuyên về tài chính của Trung Quốc đã đăng tải bài báo về hiện tượng khoa học kì lạ này. Tiếp sau đó, tin này lại xuất hiện tại 1 số trang web chưa từng được kiểm chứng độ xác thực thông tin.
Điều đáng nói là trên các trang web chuyên về khoa học hoặc các trang tin quốc tế lớn, uy tín đều tuyệt nhiên không thấy có sự việc được coi là gây chấn động thế giới này. Bên cạnh đó, bài báo về xác ướp cũng nhắc tới một nhà nghiên cứu về phôi thai ở Moscow tên là Augustine Ruff. Song địa chỉ công tác cụ thể hay các công trình khoa học của tiến sĩ Ruff đều không được cung cấp.
Xác ướp 600 tuổi ở Nga.
Bài phóng sự trên báo Kankannews cũng đã trích đăng nhận định của bác sĩ phụ sản Trần Tiểu Quân tại Bệnh viện Khoa học Phụ sản Thượng Hải, trực thuộc trường Đại học Phúc Đán.
Bà Trần cho biết, bà chưa từng gặp trường hợp này, vì xác ướp, vốn bản thân nó đã là một thi thể không còn nước để duy trì sự sống. Trong điều kiện nhiệt độ lạnh dưới 70 độ C, xác ướp không thể có khả năng sinh sản. Trong khi đó, thai nhi đã 7 tháng tuổi, tức là đã thành hình một đứa trẻ và như vậy thì nhu cầu về nhiệt độ cũng như chất dinh dưỡng để tồn tại là rất lớn.
Bác sĩ Trần cho biết thêm, trong điều kiện nhiệt độ thấp, thai nhi chỉ có thể tồn tại và lớn lên trong một thời gian ngắn ở các tế bào đã bị đông lạnh hoặc trong cơ thể xác ướp. Còn với thời gian 600 năm như báo chí đưa tin thì sự xác thực lại là 1 dấu hỏi lớn.
Trên thực tế, nguồn tin mà các trang báo Trung Quốc lấy về là từ các tờ báo nhỏ lẻ của Đài Loan và Mỹ, trong đó có 1 tờ tạp chí cũ của Mỹ với quy mô siêu nhỏ, đã đình bản từ tháng 7/2007. Tạp chí này chuyên tổng hợp các tin tức giai thoại, chuyện lạ trên thế giới và hầu hết chưa thông qua kiểm nghiệm điều tra của chuyên gia, vì thế độ xác thực không thể chắc chắn. Do đó, tờ Kankannews nhận định câu chuyện kì tích này rất có thể chỉ là một chiêu trò giật gân câu khách của báo chí Trung Quốc.