Chắc hẳn nhiều bạn vẫn nhớ đến
người đàn ông mọc hàng nghìn bong bóng trên cơ thể đúng không? Hôm nay, chúng mình cùng biết đến thêm một người đàn ông có cơ thể tương tự như thế nhé!
Đã từ lâu, mọi người quanh làng Hyderabad, Ấn Độ luôn xa lánh cụ
Mohammad Umar và đặt cho cụ cái biệt danh rất khó nghe: người bong bóng, bởi toàn bộ cơ thể cụ được bao phủ dày đặc các khối u.
Cụ Umar được mệnh danh là "người bong bóng" bởi những khối u.
Cụ Umar chia sẻ: "Tôi là một người tốt, tôi rất chăm chỉ làm việc, tuy nhiên vẻ bề ngoài của tôi là một vấn đề lớn đối với những người xung quanh. Không ai thích nhìn tôi hoặc thậm chí là đến gần tôi. Nó đã hủy hoại cuộc sống của tôi. Tôi được sinh ra với làn da mịn màng mềm mại. Những khối u này bắt đầu xuất hiện khi tôi 14 tuổi. Khi đó, mẹ tôi thấy chúng rất giống với những khối u nhỏ trên tay bà và đã đưa tôi đến gặp bác sĩ."
Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định rằng, chẳng có toa thuốc nào có thể chữa khỏi căn bệnh của cụ Umar và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Vào năm 20 tuổi, những khối này đã phủ gần như kín cơ thể cụ.
Những khối u xuất hiện ngày một nhiều trên người cụ Umar.
Cụ Umar cho biết thêm: "Các bác sĩ còn nói với tôi rằng, tình trạng này còn có thể di truyền sang các con của tôi nếu tôi kết hôn. Chính vì vậy nhiều lúc tôi băn khoăn tự hỏi rằng liệu tôi có nên kết hôn và ai sẽ dám lấy tôi."
Nhưng sau đó, vào năm 28 tuổi, cụ Umar gặp gỡ bà Farhat-un-Nisa, họ đã yêu nhau và kết hôn. Bà Farhat thậm chí không hề than phiền về những khối u trên người của cụ Umar. Bà Farhat cho biết: "Tôi có thể cảm nhận rằng Umar là một người đàn ông tốt. Ông ấy là người tử tế và hào phóng. Gia đình tôi luôn cảnh báo rằng, tương lai của tôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi kết hôn với ông nhưng tôi chấp nhận điều đó".
Cụ Umar cùng vợ và 3 người con trai.
Sau nhiều năm chung sống, họ đã có với nhau bốn người con và thực sự may mắn khi những người con của cụ Umar lớn lên mà không bị sao cả. Nhưng thời gian trôi qua, bà Farhat phải chứng kiến một sự thật đau lòng hơn, đó là người chồng yêu quý của mình chìm dần trong những khối u.
Bà Farat chia sẻ: "Tôi cảm thấy bất lực. Các bác sĩ cho biết không có cách nào có thể chữa trị cho ông ấy. Chính điều đó đã thay đổi cuộc sống của ông, một người đã từng rất hạnh phúc thì giờ đây luôn cảm thấy bất an và tỏ ra sợ hãi".
Căn nhà mà gia đình cụ Umar phải rất vất vả mới có thể thuê được.
Cụ Umar đã bị mất công việc của mình tại nhà ga đường sắt địa phương và hiện không ai muốn nhận ông vào làm. Cụ cho biết: "Khi những khối u phát triển ngày một lớn hơn, người ta không muốn tôi mang hành lý của họ và đề nghị ông chủ sa thải tôi. Tôi đã cố gắng để tìm một công việc khác nhưng mọi người đều muốn tránh xa tôi".
Gia đình cụ Umar cũng đã phải cố gắng rất nhiều để có thể thuê được một căn nhà. Cụ nói: "Nhiều gia đình không muốn chúng tôi sống trong nhà của họ. Chúng tôi đã phải chuyển nhà rất nhiều lần bởi mọi người luôn nghĩ rằng, tôi sẽ lây nhiễm tất cả mọi thứ cho họ." Thật may là bà Farhat cuối cùng cũng tìm được một công việc bán thời gian trong trường học địa phương và có khoản thu nhập để trang trải các chi phí sinh hoạt.
Tiến sĩ Chilukuri Srinivas làm việc tại khoa ung thư, Bệnh viện Yashoda ở Hyderabad cho biết: "Cụ Umar có khả năng mắc chứng Neurofibromatosis. Một điều rất rõ ràng rằng, bệnh tình của cụ Umar đã rất nghiêm trọng. Tôi cũng rất muốn giúp đỡ cụ nhưng tôi không thể làm gì khác, hiện chưa có phương thuốc nào chữa được căn bệnh này".
Tuy những khối u này không mang lại cảm giác đau đớn nhưng cụ Umar luôn cảm thấy rất khó chịu. Cụ tâm sự: "Tôi không thể ngủ ngon giấc vào những buổi tối mùa hè. Những khối u khiến tôi ngứa ngáy khắp người. Hơn thế nữa, chúng còn mọc xung quanh mắt khiến tôi rất khó nhìn rõ mọi thứ. Vợ tôi luôn giúp tôi cạo râu và cắt tóc nhưng điều này có lẽ không giúp tôi nhiều, tôi không thể che giấu được những khối u, chúng tăng trưởng và phát triển quá nhanh. Tuy nhiên có một điều có lẽ tôi cảm thấy mãn nguyện nhất là vợ tôi luôn ở bên cạnh tôi. Bà ấy đã đem đến cho tôi những điều tốt lành. Tôi yêu gia đình tôi rất nhiều."