Rùng mình trước loài rắn độc có nọc làm tan chảy thịt người

Chi Mai, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 03/07/2014

Không chỉ làm tê liệt thần kinh mà nọc độc của rắn hổ lục mũi giáo vàng còn làm tan chảy thịt con mồi, thậm chí là con người.

Chỉ sinh sống tại hòn đảo Ilha de Queimada Grande, hay còn gọi là Đảo Rắn ở Brazil, rắn hổ lục đầu giáo vàng là một trong những loài rắn độc nhất thế giới có nọc không chỉ phá hủy cơ thể mà còn làm tan thịt con mồi cũng như con người nếu như bị cắn.

Rắn hổ lục đầu giáo vàng chỉ sinh sống trên đảo Ilha de Queimada Grande.

Rắn hổ lục đầu giáo vàng có tên khoa học là Bothrops insularis. Sở dĩ loài rắn này có tên gọi như vậy là do màu sắc da bụng vàng óng như màu vàng kim loại và chiếc đầu nhọn như mũi giáo đặc trưng. Chúng có chiều dài trung bình là 70cm nhưng cũng có thể đạt tối đa là khoảng 120cm.

Chúng có đầu nhọn như mũi giáo và làn da màu vàng óng của kim loại.

Theo nghiên cứu của nhà sinh vật học Ludwig Trutnau, tỷ lệ tử vong nếu bị rắn hổ lục đầu giáo vàng cắn là 7% nếu không được điều trị và 3% nếu được điều trị kịp thời. Các triệu chứng nhiễm nọc độc của rắn đầu giáo vàng bao gồm: phù nề, đau cục bộ, buồn nôn, nôn mửa, tụ máu, nôn và tiểu ra máu, chảy máu trong ruột, suy thận, xuất huyết não và hoại tử cơ nặng nề.

Chúng là một trong những loài rắn độc nhất thế giới.

Được biết, trong nọc của rắn hổ lục đầu giáo vàng chứa chất độc gây hại máu có thể làm tan mô và thịt của con mồi. Ngoài ra, nọc của chúng cũng không thể thiếu chất gây độc thần kinh có thể giết chết con mồi.

Nọc độc của rắn hổ lục đầu giáo vàng không chỉ làm tê liệt thần kinh mà còn làm tan chảy thịt con mồi.

Do loài rắn này chỉ sinh sống ở nơi không có con người nên những báo cáo về việc con người bị chúng cắn dường như là rất hiếm. Tuy nhiên, rắn đầu giáo nói chung vẫn bị cho là nguyên nhân dẫn tới sự nhiễm độc và tử vong do rắn cắn ở khu vực Bắc và Nam Phi.