1. Cặp bánh chưng, bánh giày khổng lồ
Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm 2008, cặp bánh chưng, bánh giày khổng lồ do nhân dân TP.HCM cung tiến đã vượt qua chặng đường hơn 2.000km để đến sân trung tâm lễ hội Đền Hùng.
Chiếc bánh chưng có trọng lượng 2 tấn được làm từ 900kg gạo nếp, 200kg đậu xanh, 100kg thịt lợn, kích thước: 1,8mx1,8mx0,7m. Chiếc bánh giày có trọng lượng 1 tấn, đường kính 1,8m cùng một số sản vật của miền Nam đã góp phần phong phú cho các hoạt động của lễ hội năm 2008.
2. Cây mai cổ thụ có giá 2,5 tỷ đồng
Đó là cây mai cổ thụ tại vườn mai Minh Thùy (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp. HCM). Chủ nhân của vườn mai, ông Phàn Xuân Thông được biết đến như một "đại gia" của làng mai khi sở hữu cả một vườn mai và cây kiểng rộng gần 4.000m2 đáng giá bạc tỷ.
Trong vườn mai tiền tỷ của ông Phàn Xuân Thông, có cây mai vàng nguyên thủy, gia truyền 3 đời của một gia đình ở Tây Ninh. Phải mất hơn 17 năm trời kể từ khi biết cây mai này, 2 năm trước, ông mới rinh được nó về vườn nhà mình với giá 800 triệu sau khi cây mai quý này đã qua tay nhiều người chủ.
Năm 2012 vừa qua, có người trả giá 2 tỷ đồng nhưng ông Thông nhất quyết không bán. Năm nay có người trả gần 2,5 tỷ để có được cây mai cổ thụ này nhưng ông vẫn chưa quyết bán mà dù có trả cao hơn nhưng gặp không đúng người cũng không bán. Ông chỉ bán cây mai cho người nào thật sự tâm huyết, yêu mai và biết chăm sóc mai thật sự chứ không phải kiểu thừa tiền mua về để “khoe” thiên hạ.
3. Cây đào cho thuê đắt nhất
Đó là kỷ lục ấn tượng của cây đào Thất Thốn - loại hoa được cho là "vương giả" nhất trong các loại hoa đào - tại vườn của nghệ nhân Lê Hàm (Hà Nội). Ông Lê Hàm đang sở hữu gốc đào được cho là đắt nhất Việt Nam với giá cho thuê lên tới hơn 150 triệu VNĐ.
Nhìn cây đào xù xì của ông Lê Hàm, ít ai biết rằng nó là một cây đào "vô giá" bởi nó chỉ để cho thuê chứ không thể bán. Tuổi thọ của đào Thất Thốn cao, hoa trổ bông đỏ thẫm còn "thế" đứng của cây thì cực kỳ quý hiếm. Bên cạnh đó, giá trị của 1 cây đào Thất Thốn vốn cũng đã rất lớn, cây bình thường bán từ 5-16 triệu, cây đắt trung bình 50 triệu.
Cây đào Thất Thốn có giá cho thuê đắt nhất của nghệ nhân trồng đào Lê Hàm.
Đào Thất Thốn là loại đào cổ có giá trị nhất ở Việt Nam.
4. Bánh tét kỷ lục dài 38m
Nhằm chào đón Xuân Quý Tỵ 2013, mùng 2 Tết năm nay, khách sạn Yasaka Saigon Nhatrang (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) sẽ tổ chức chương trình nấu bánh tét kỷ lục dài 38m, nặng 832kg.
Được biết, dự tính có 20 nhân viên gói bánh, gần 100 nhân viên rước và đặt bánh vào nồi. Nhân bánh tét là sự kết hợp nguyên liệu đặc trưng của nhiều vùng miền ở Việt Nam như: chuối, gấc, đậu phộng, đậu xanh thịt mỡ, lá cẩm nhân đậu xanh thịt mỡ… Vào lúc 18 giờ mùng 3 Tết, khách sạn Yasaka Saigon Nhatrang sẽ tổ chức lễ cắt bánh “Lộc xuân may mắn” và dùng toàn bộ số tiền bán bánh gây quỹ từ thiện.
Từ năm 2004 đến nay, khách sạn Yasaka Saigon Nha Trang đều tổ chức gói bánh tét với chiều dài chiếc bánh đầu tiên là 29m và đều đặn tăng thêm 1m bánh mỗi năm. Năm ngoái, khách sạn Yasaka Saigon Nhatrang cũng đã làm chiếc bánh khổng lồ có chiều dài 37m, nặng 810kg.
Lễ rước bánh tét năm 2012. 5. Mâm ngũ quả lớn nhất Việt Nam
Mâm ngũ quả kỷ lục này được trưng bày trước công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp trong dịp Tết 2010 nhân dịp Lễ hội Văn hóa xuân Canh Dần với chủ đề: “Hà Nội - Ngàn năm Văn Hiến, Đồng Tháp - Trăm năm Sen vàng”. Mâm ngũ quả sử dụng khoảng 5 tấn trái cây tươi, có chiều cao 4m, rộng 14m, và có trị giá lên tới hơn 120 triệu đồng. Tác phẩm này do nghệ nhân Trần Văn Làm thực hiện và đã được ghi tên vào Sách Guinness Việt Nam.
Xung quanh mâm là 2 con rồng có vảy làm bằng 5.000 quả cau, mình rồng là các loại trái cây đặc sản gồm: xoài cát Hòa Lộc (Cao Lãnh, Đồng Tháp), vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), dừa xiêm (Bến Tre), quýt hồng (Lai Vung, Đồng Tháp), nhãn (Châu Thành, Đồng Tháp). Giữa mâm ngũ quả, bức phù điêu chùa Một Cột được khảm ngũ cốc rất độc đáo, kèm câu đối: "Hà Nội ngàn năm văn hiến, Cao Lãnh trăm năm sen hồng".