Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm các thực khách đặt lên hàng đầu, vì vậy, để thu hút được một lượng lớn khách hàng, các xưởng sản xuất đồ ăn cũng như nhà hàng phải luôn đảm bảo tiêu chí này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã xuất hiện một vài trường hợp dị vật trú ngụ trong đồ ăn gây tâm lý hoang mang cho không ít các "thượng đế sành miệng".
Tưởng chừng như thật hời khi bỗng nhiên có được chiếc điện thoại "trên trời rơi xuống", nhưng cô Emma Schweiger vẫn cảm thấy lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay. Tháng 3/2009, người phụ nữ sống tại thành phố Janesville, bang Wisconsin, Mỹ này đã bất ngờ tìm thấy một chiếc điện thoại Nokia 6800 đời cổ nằm trong túi khoai tây chiên Clancy's Ripple mình đang ăn. Sau đó, siêu thị Aldi đã gửi lời xin lỗi đồng thời đền bù cho Schweiger 1 gói khoai tây mới nhưng cô từ chối tới lấy.
Do không nghi ngờ gì về ổ bánh mì mới mua, một người phụ nữ ở phía Bắc Ai-len đã vô tình ăn phải miếng bánh mì có lẫn sợi vải bố. Sau tìm hiểu, hóa ra nhân viên phụ trách của cơ sở thực phẩm Premier Foods, hạt Herefordshire, Anh đã bất cẩn đánh rơi chiếc găng tay lò nướng vào trong hỗn hợp nguyên liệu. Cuối cùng, công ty đã phải chịu chi phí kiện tụng, đồng thời nhân viên phụ trách mẻ bánh lỗi cũng bị phạt 750 bảng Anh (khoảng 24,5 triệu đồng) do sơ suất của mình.
Món "salad thằn lằn" đặc biệt này đã được vợ chồng ông Ian (55 tuổi) và bà Jane Lock phát hiện ra tại Anh vào tháng 11 năm ngoái. Ông Ian đã không thể tin nổi vào mắt mình khi nhìn thất con thằn lằn dài khoảng 15cm đang cào xé tìm đường ra trong túi rau nhà mình. Được biết, bà Jane đã mua túi rau có giá 1 bảng Anh (khoảng 32 nghìn đồng) này tại siêu thị Morrisons ở thị trấn Killamarsh. Siêu thị này đã khẩn trương cử 2 nhân viên tới thu hồi lại sản phẩm lỗi và hoàn trả tiền cho vợ chồng ông bà Lock. Tuy nhiên, sau sự cố này, ông Ian đã có một ấn tượng không tốt về sản phẩm của siêu thị Morrisons.
Quay trở lại năm 2010, một binh sĩ đóng quân tại Hawaii khởi kiện chuỗi nhà hàng ăn nhanh Burger King là vụ việc gây chấn động ngành công nghiệp thực phẩm nước Mỹ lúc đó. Binh sĩ Clark Bartholomew cho biết, mình đã bị chảy máu lưỡi khi ăn chiếc hamburger của nhà hàng này. Hóa ra, lưỡi anh đã bị chảy máu khi chạm phải chiếc kim giấu trong ruột bánh. Qua xét nghiệm, các bác sĩ còn tìm thấy một chiếc kim khác đang nằm trong dạ dày anh. Sau 6 ngày điều trị, Bartholomew được xuất viện (ảnh minh họa).
Theo CNN, tháng 3/2009, người đàn ông có tên Fred DeNegri đã bốc hỏa khi phát hiện một con vật giống loài ếch nằm trong lon Pepsi đang uống và điều kinh khủng là anh đã trót uống mất một ngụm. Anh cho biết, mùi vị của lon nước ngọt có vị chua của chanh và tanh hôi rất khó ngửi. Cho dù đã cố dốc ra nhưng xác con vật vẫn không thể nào lọt ra ngoài được. Vợ chồng anh đã mang lon nước tới Trung tâm kiểm nghiệm Thực phẩm để xét nghiệm nguồn gốc của vật thể lạ kia.
Khi mua lọ nước sốt gà tại siêu thị Asda gần nhà, chị Cate Barrett, người Anh đã không thể ngờ tới thứ gia vị yêu thích này lại đang ẩn chứa nguy cơ mất vệ sinh cực lớn. Trong một lần đổ lọ nước sốt ra chảo làm bữa tối, chị Cate thấy cục gì đó vón lại. Sau khi đảo qua đảo lại vài lần, cục vón đó không tan ra mà đã hiện nguyên hình một con vật có 4 chân và đuôi dài. Lúc đó, chị đã hiểu đó là xác của một con chuột nhắt. Nữ y tá sống tại thị trấn St Austell, hạt Cornwall cho biết, lúc mua chai nước sốt không có dấu hiệu bị mở trước đó, vì vậy, chị Cate cho rằng, con chuột đã bị rơi vào trong quá trình chế biến.
Khác với những trường hợp khác, việc cố ý bỏ phân trong kem lại là chiêu trò trả đũa của một nhóm nhân viên của nhà hàng du lịch lớn nhất thành phố Sydney, Úc dành cho những "thượng đế" của mình. Anh Steve Whyte và chị Jessica cho biết, sau khi họ phàn nàn về tiếng ồn của nhóm nhân viên đang xem bóng đá, những người phục vụ đã bỏ phân vào trong món kem tráng miệng. Cặp vợ chồng đều gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe sau khi vô tình ăn phải món tráng miệng hỗn hợp này. Chủ nhà hàng sau đó đã đưa ra mức bồi thường 1.000 USD (khoảng 21 triệu) nhưng cặp vợ chồng đã từ chối và muốn khởi kiện để đòi mức bồi thường 1 triệu USD (21 tỷ đồng).