Cũng giống như những bà mẹ khác, cô Kay Tate thường đến trường vào mỗi buổi chiều để đón cậu con trai Lewis, 6 tuổi của mình sau giờ tan học. Tuy nhiên, khi Lewis gặp mẹ, cậu bé phải rất cẩn thận bởi cậu không thể lao vào ôm hôn mẹ cậu như các bạn của mình, chỉ cần một tác động rất nhỏ, mẹ cậu có thể bị gãy xương.
Chỉ hắt xì không thôi cũng có thể khiến cô Kay bị gãy xương đó các bạn ạ!
Cô Kay Tate, 25 tuổi, đến từ Newcastle, nước Anh bị mắc chứng Osteogenesis Imperfecta, thường được biết đến với cái tên là bệnh xương thủy tinh. Những người mắc phải căn bệnh này thì cơ thể không sản sinh đủ lượng collagen (chất giúp cho xương chắc khỏe và linh hoạt) và khiến cho xương của họ bị loãng, có thể bị gãy một cách rất dễ dàng.
Cô chỉ cao hơn cậu con trai 6 tuổi của mình có một xíu thôi.
Cô Kay chia sẻ: "Xương của tôi rất dễ gãy. Chỉ đơn giản như là hắt xì hơi hoặc có ai đó ôm ghì lấy tôi cũng có thể khiến những chiếc xương sườn của tôi gãy vụn. Năm tôi 22 tuổi, tôi gặp lại một người bạn cũ. Do quá xúc động, cô ấy đã ôm chầm lấy tôi và kết quả là khiến tôi bị gãy một chiếc xương sườn. Cô bạn tôi đã rất xấu hổ nhưng tôi thì thấy chuyện đó chẳng vấn đề gì cả. Tôi không thể ngăn cho những chiếc xương của tôi ngừng gãy được."
Cô Kay đã từng rất nhiều lần bị gãy xương đùi khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, thực tế là lúc nào cô Kay cũng cảm thấy đau đớn và chỉ thấy dễ chịu hơn khi ngâm mình trong bồn tắm nước nóng. Cô tâm sự: "Lúc nào tôi cũng cảm thấy khó chịu trong người nhưng tôi phải đối mặt với căn bệnh này bởi tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi không thể mang nặng được nên mỗi lần muốn mua sắm đồ tôi phải nhờ bạn bè giúp đỡ. Tôi cảm thấy rất ngại về điều đó. Những mối nguy hiểm có thể bất ngờ xảy ra với tôi."
Ngay từ khi mới sinh ra, cô Kay đã thường xuyên bị gãy xương đùi. Cả mẹ và chị gái của cô đều mắc phải căn bệnh xương thủy tinh nhưng ở dạng nhẹ. Cô Kay phải ngồi xe lăn cho đến khi 14 tuổi, bởi vì mỗi khi cô cố đứng dậy để tập đi thì một chiếc xương nào đó của cô sẽ bị gãy. Tuy nhiên, cuối cùng thì cô Kay cũng có thể đi bộ được sau khi được điều trị bằng vật lý trị liệu mỗi ngày ở trường.
Dù gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vì muốn theo đuổi một cuộc sống của riêng mình đã khiến cô Kay đưa ra quyết định khá mạo hiểm, đó là cô muốn có em bé ngay khi cô mới 19 tuổi.
Bác sĩ cũng như người thân từng khuyên cô Kay không nên mang bầu nhưng cô cho rằng, điều đó nằm trong khả năng của cô.
Cô nói: "Mọi người đều nói với tôi rằng, tôi nên xem xét kỹ quyết định này nhưng tôi biết điều đó nằm trong khả năng của tôi. Khi tôi có bầu, một số thành viên trong gia đình tôi đã vô cùng hoảng sợ và họ yêu cầu tôi phá bỏ cái thai đó. Nhưng tôi sẽ không bao giờ làm điều đó. Khi tôi mang bầu được 27 tuần, tôi đã bị ngã gãy chân và phải ngồi xe lăn cho đến khi tôi sinh Lewis ở tuần thứ 35. Do chào đời hơi sớm so với dự kiến nên Lewis đã phải trải qua 2 tuần chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện trước khi tôi có thể đưa bé về nhà. Tuy nhiên, có một điều khiến tôi rất mừng là Lewis không bị mắc phải căn bệnh xương thủy tinh như tôi."
Cô Kay cho biết thêm: "Khi Lewis được 18 tháng, tôi không thể giữ cháu trên tay như trước nên nếu cháu khóc, tôi sẽ chỉ ngồi với cháu mà thôi. Tôi đã nói với mọi người trong gia đình tôi rằng không nên ôm và dỗ dành Lewis mỗi khi cháu khóc, bởi nó sẽ quen như thế. Chúng tôi phải thích nghi với điều đó. Bởi vậy, thay vì bế Lewis và để vào xe đẩy, tôi sẽ yêu cầu cháu tự trèo lên. Chính điều này đã giúp cháu tự lập ngay từ nhỏ. Khi Lewis được 5 tuổi, cháu đã biết làm thế nào để gọi 999 nếu tôi gặp phải trường hợp khẩn cấp hoặc gọi hàng xóm nếu tôi cần sự giúp đỡ."
Quá trình điều trị diễn ra hồi tháng 7/2011 và phải mất 18 tháng cô Kay mới bình phục.
Cô Kay đã phải trải qua rất nhiều ca phẫu thuật trong quá trình điều trị căn bệnh kỳ quặc của mình. Cô chia sẻ: "Tôi đã bị gãy xương khoảng hơn 250 lần, trong đó, riêng xương đùi khoảng 30 lần. Điều này đã khiến xương đùi của tôi bị cong. Năm ngoái, các bác sĩ đã cố tình bẻ gãy và nắn thẳng lại xương đùi cho tôi trước khi đặt nó trong một chiếc nẹp. Điều đó sẽ giúp cho xương đùi của tôi luôn ở trạng thái ổn định hơn. Tuy nhiên, tôi sẽ phải mất gấp đôi thời gian mới có thể phục hồi lại bình thường."
Mặc dù chỉ "hơi một tí là gãy xương" nhưng cô Kay vẫn sống rất lạc quan: "Tôi luôn nghĩ rằng, trên thế giới sẽ còn có nhiều người đang ở tình trạng sức khỏe tồi tệ hơn tôi mà họ vẫn cố gắng sống tốt. Chính vì thế tôi không thể đầu hàng một cách đơn giản trước căn bệnh này như vậy."