Nơi chỉ có trẻ em dám... cườiTrong nhiều năm nay, phòng y tế thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã có công trình nghiên cứu về hiện tượng thân răng của hầu hết trẻ em, đến người già ở khu vực 8 xã thuộc phía tây thị xã Ninh Hòa như xã Ninh Sim, xã Ninh Xuân, xã Ninh Tây... có biểu hiện từ ngả màu vàng ố, lốm đốm đen từng mảng chấm đen theo kiểu da báo. Bác sỹ Đoàn Hánh, phó phòng Y tế thị xã Ninh Hòa cho biết:
"Có lẽ đến khu vực này, chỉ có trẻ em là dám cười vì chúng hồn nhiên, không ngại ngùng vì hàm răng chứ các thiếu nữ ở đây rất ít người dám cười trước mặt người lạ bởi mặc cảm vì hàm răng không được thẩm mỹ lắm của mình."Cụ Đoàn Thị Hảo, 85 tuổi, xã Ninh Xuân, Ninh Hòa cho hay, không chỉ cụ mà nhiều người dân sinh ra và lớn lên tại các vùng này đều có hàm răng rất khó nhìn. Cả làng hiếm người có hàm răng đẹp, người nào răng kha khá thì nổ đốm, vàng, còn lại hầu hết răng bị nâu, đen.
Ở đây chỉ có trẻ em là dám cười hồn nhiên
Bác sỹ Nguyễn Trọng Liêm, Trưởng phòng Y tế thị xã Ninh Hòa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về điều tra tổn hại răng ở khu vực phía tây thị xã Ninh Hòa, cho biết:
"8 xã ở khu vực phía tây của thị xã với số dân hơn 60 nghìn dân, trong đó có khoảng hơn 10 nghìn trẻ em đang bị tổn hại trực tiếp về răng. Những chiếc răng này đầu tiên là ngả từ vàng sang đen sau đó răng trở nên dễ vỡ thành 2 hoặc nhiều mảnh, hoặc thậm chí có thể bị vỡ vụn. Hầu hết trẻ em trong khu vực đều bị tổn thương răng từ cấp độ 3 trở lên. Việc này không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà còn ảnh hưởng về sức khỏe lâu dài của người dân nơi đây."Người dân trong làng không dám cười vì răng không đẹp. (Ảnh minh họa) Bác sỹ Đông Văn Biểu, (Trưởng khoa răng trẻ em, Viện Răng Hàm Mặt quốc gia Việt Nam) cho biết:
"Thực chất trong từ điển nha khoa không có thuật ngữ "chết răng". Nếu như răng bị vỡ vụn, mất hết chức năng mà có nguy cơ ăn sâu vào tủy răng gây nguy hiểm cho cơ thể thì chúng tôi gọi đó là răng tủy hoại tử (răng chết tủy). Theo như nhìn nhận của tôi qua các bức ảnh chụp trên báo chí thì trẻ em ở khu vực này đang bị biến sắc răng, nguy cơ răng bị hoại tử tủy là rất cao. Ở ngoài Bắc, khu vực Tiền Hải, Thái Bình cũng là vùng bị nhiễm fluor cao nhưng răng chỉ bị ngả màu chứ không đến nỗi ăn sâu như ở khu vực Ninh Hòa. Nếu như trẻ em ở khu vực này sau khi răng vĩnh viễn mọc mà vẫn bị như vậy thì không có cơ hội thay răng nữa. Hàm răng thiếu thẩm mỹ sẽ theo các em suốt đời, hơn nữa nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe nếu như răng bị mất lớp men bảo vệ các vi khuẩn dễ xâm nhập ăn sâu vào tủy ảnh hưởng đến hệ thống dây thần kinh...."Truy tìm "thủ phạm"Theo kết quả điều tra nghiên cứu của phòng Y tế thị xã Ninh Hòa thì nguyên nhân chính gây ra hiện tượng cả làng răng đen là do hàm lượng fluor trong nước sinh hoạt quá cao. Theo tiêu chuẩn Việt Nam hàm lượng fluor từ 0,5 - 1mg/l là an toàn, nếu hàm lượng này được sử dụng trên mức quy định thì sẽ dẫn đến hội chứng giòn, gãy xương. Hiện nồng độ fluor trong nước ở khu vực này đã là 18 mg/l, cao hơn 18 lần mức độ cho phép ở Việt Nam.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Liêm cho biết, về mặt khoa học fluor là một chất có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể như giúp ngăn ngừa sâu răng, tham gia cấu trúc xương và dây chằng, kích thích tổng hợp collagen ở giai đoạn đầu để khôi phục xương gãy. Men răng là tổ chức cứng nhất của cơ thể, thành phần chủ yếu của men răng là apatit, fluor có thể ngấm vào men răng và tạo thành fluor - roapatit, làm cho răng cứng chắc hơn và ít bị ăn mòn bởi axit từ đó tránh bị sâu răng. Tất cả những tác dụng trên là không thể phủ nhận khi lượng fluor được dùng ở lượng đúng tiêu chuẩn cho phép. Còn như ở khu vực này, với nồng độ fluor vượt quá ngưỡng 18 lần thì lại có phản ứng ngược.
Hàm răng đẹp sẽ khiến mọi người tự tin hơn. (Ảnh minh họa) Fluor đi vào cơ thể qua đường thực quản và được hấp thụ qua các tế bào da do sử dụng nguồn nước chứa fluor. 50% fluor hấp thụ trong cơ thể sẽ bị tống ra khỏi cơ thể qua đường tiểu, và phân nửa còn lại sẽ tích tụ trong răng và xương. Chất này ở trong cơ thể lâu dài đến khi trưởng thành họ có thể phải đối mặt với những bệnh về các xương, cột sống, sỏi thận đe dọa đến sức khỏe và cả tính mạng.