Buổi triển lãm này được tổ chức tại Anh và người xem phải trả 8 Bảng (tương đương 263.000 VNĐ) cho vé vào cửa. Thế nhưng toàn bộ không gian của cuộc triển lãm này chỉ là một căn phòng trống, giống như là những tác phẩm nghệ thuật đã bị các tên trộm đánh cắp đi vậy.
Tham quan mê cung vô hình khách tham quan sẽ phải đeo một chiếc tai nghe hồng ngoại không dây và nó sẽ rung lên mỗi khi họ chạm phải bức tường vô hình.
Trên thực tế, cuộc triển lãm "như trò đùa" này bắt nguồn từ ý tưởng của nghệ sĩ Andy Warhol. Nó có tên gọi "Nghệ thuật vô hình" (Invisible Art) và sẽ được tổ chức tại Hayward Gallery tại London trong tháng 6 tới.
Phòng trưng bày Hayward Gallery tại London.
Những người tổ chức triển lãm mong muốn du khách có cái nhìn xa hơn nữa về "vật chất" và sử dụng trí tưởng tượng của mình với một sự phấn khích đặc biệt khi tham dự cuộc triển lãm kỳ quặc này. Hơn 50 tác phẩm nghệ thuật "vô hình" bao gồm những tờ giấy trắng, các mảnh vải trắng và toàn bộ không gian trống rỗng của khu triển lãm.
Nhiều khả năng, cuộc triển lãm này sẽ là một đề tài gây tranh luận gay gắt giữa các nhà phê bình bởi những gì mà họ thấy giống hệt các tình tiết trong câu truyện "Bộ quần áo mới của Hoàng đế" mà chúng ta đã từng biết.
Nghệ thuật điêu khắc vô hình của Tom Fridman.
Ông Ralph Rugoff, Giám đốc Phòng phòng trưng bày Hayward Gallery đưa ra nhận định của mình: "Tôi nghĩ là khách tham quan sẽ có nhiều trải nghiệm trong cuộc triển lãm nghệ thuật vô hình này. Thông qua cuộc triển lãm này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, nghệ thuật không chỉ đơn giản là các đối tượng vật chất mà nó còn là cách khơi nguồn trí tưởng tượng của chúng ta. Đây chính là những gì các nghệ sĩ có mặt trong cuộc triển lãm thể hiện theo các cách khác nhau."
Tác phẩm "Vô hình" của Gianni Motti được vẽ bằng mực vô hình.
Ông Rugoff cho biết thêm, cuộc triển lãm lần này sẽ tập trung rất nhiều tác phẩm công chúng chưa từng biết đến từ năm 1957 đến nay và sẽ bắt đầu mở cửa từ ngày 12/6 tới. Ông Rugoff nhấn mạnh: “Đến với triển lãm lần này, bạn sẽ được chứng kiến tác phẩm nghệ thuật được một nghệ sĩ tạo ra bằng cách nhìn chằm chằm vào nó trong 1.000 giờ...”
Tác phẩm "In The Void Room" khó hiểu của Yves Klein.