Rắn thần nhiều đầu vốn luôn được mặc định là sản phẩm bắt nguồn từ trí tưởng tượng của con người. Nó thường xuất hiện trong truyền thuyết của Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, một vài trường hợp đột biến như rắn 2 đầu, 3 đầu cũng đã từng được xác nhận là hoàn toàn có thật và ghi nhận trước đây.
Dựa trên cơ sở đó, tin đồn về rắn 5 đầu xuất hiện tại Trung Quốc gần đây lại càng có dịp bùng phát và trở thành một bí ẩn đang thôi thúc giới chuyên môn đưa ra lời giải đáp.
Hoang mang vì bức ảnh rắn 5 đầu
Mặc dù không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật nhưng khi bức ảnh con rắn 5 đầu xuất hiện trên hầu hết các trang mạng xã hội Trung Quốc vào khoảng đầu tháng 9 gần đây, cư dân mạng lại thêm một lần choáng váng và hoang mang trước độ kỳ quái của con vật trong bức ảnh.
Bức ảnh rắn 5 đầu gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc dạo gần đây.
Theo thông tin được đưa, con rắn hổ mang này xuất hiện tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc và có tất thảy 5 đầu dính liền với một thân duy nhất. Ngoài mẩu thông tin hạn hẹp đó thì không có thêm bất cứ thông tin nào về nguồn gốc của con rắn kỳ lạ được đưa ra.
Lục tìm lại các thông tin thì được biết, bức ảnh này thực chất nằm trong serie ảnh liên quan tới vụ rắn 5 đầu xuất hiện ở Đền Kukke Subramanya, bang Karnataka, Ấn Độ vào khoảng năm 2010.
Chùm ảnh rắn 5 đầu xuất hiện cùng thời điểm:
Cùng một vụ việc nhưng lại có tới 2 nguồn tin khác nhau được đưa ra, vậy thực hư về rắn 5 đầu này ra sao?
Con rắn hóa ra là "con đẻ" của thời đại công nghệ số
Trên thực tế, nếu quan sát kỹ sẽ thấy con rắn xuất hiện trong bức ảnh bắt nguồn từ mạng Trung Quốc có màu sắc và khác hoàn toàn so với những bức còn lại.
Bên cạnh đó, địa điểm chụp bức ảnh được xác định là tại Bệnh viện Tshilidzini, Venda, Nam Phi. Tuy nhiên, dù những bức ảnh này có được chụp ở đâu đi chăng nữa thì các chuyên gia vẫn khẳng định đây chỉ là giả.
Qua tìm hiểu được biết, chùm ảnh rắn 5 đầu thực chất bắt nguồn từ bức ảnh gốc của một blogger có tên Tien Chiu. Bà chụp những bức ảnh này tại một trang trại nuôi rắn ở Thái Lan vào năm 2003. Và tất nhiên, những bức ảnh đó chỉ là con rắn hổ mang có duy nhất một đầu mà thôi.
Những bức ảnh gốc của Tien Chiu đăng tải trong chuyến thăm quan trang trại nuôi rắn ở Thái Lan:
Theo các chuyên gia động vật học, hiện tượng nhiều đầu (Polycephaly) xảy ra ở động vật khá ít. Tuy nhiên, trước đó những trường hợp động vật 2 đầu, 3 đầu đã từng được biết đến, đặc biệt là ở loài rắn nhưng trường hợp có 3 đầu trở lên vẫn chưa từng được ghi nhận bao giờ.
Cuối cùng, bí ẩn về con rắn 5 đầu cũng đã tìm được lời giải đáp thích đáng. Có vẻ như ai đó đã sử dụng hình ảnh của blogger Tien Chiu trái phép và chỉnh sửa để đánh lừa thị giác của cư dân mạng.