Chị Shalu Pawar, người Ấn Độ vừa khiến các chuyên gia y tế phải sững sờ sau khi chị hạ sinh một cặp bé gái sinh đôi dính liền chỉ bằng phương pháp... đẻ thường tại nhà. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thiếu thốn thiết bị y tế cũng như an toàn sau đẻ.
Thật không may, hai bé sinh đôi lại bị dính liền nhau ở thân dưới, và có chung phần bụng. Chị Shalu sau đó vẫn nằm nghỉ dưỡng tại nhà sau cơn vượt cạn nguy hiểm.
Chị Shalu nằm ngủ bên cạnh hai con dưới sàn nhà.
Đa số các trường hợp sinh đôi, nhất là sinh đôi dính liền luôn phải cần đến sự hỗ trợ của đội ngũ bác sỹ chuyên gia và các thiết bị y tế dự phòng chăm sóc cho cả mẹ và con. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, cặp vợ chồng nghèo đã quyết định đẻ tại nhà.
Chồng chị Shalu - anh Arun chỉ là một tài xế. Với khoản tiền kiếm được không đáng là bao, anh không có khả năng đưa vợ vào bệnh viện cũng như sau này phẫu thuật tách rời cho hai con của mình.
Theo các chuyên gia y tế, cặp sinh đôi này cùng phát triển từ một trứng, vì vậy hai bé có cùng giới tính và giống nhau như hai giọt nước. Nhưng chưa rõ nguyên nhân nào đã khiến quá trình phân tách bào thai bị gián đoạn lưng chừng gây ra dị tật cho hai bé.
Được biết, thông thường trong 40.000 ca sinh đôi, mới có 1 trường hợp mắc phải dị tật dính liền cơ thể. Và trong số đó, chỉ có 1% sống sót hơn 1 năm tuổi. Theo số liệu ghi chép lại từ hơn 500 năm nay, đã có 600 cặp song sinh dính liền sống sót hết quãng tuổi nhi đồng. Mặc dù y tế ngày càng phát triển, nhưng số ca phẫu thuật tách rời cho đến ngày nay vẫn rất hiếm và tỷ lệ thành công không cao.
Tuy nhiên, anh chị Arun - Shalu vẫn mong một ngày nào đó họ sẽ kiếm đủ tiền để có thể thực hiện phẫu thuật cho hai đứa con bất hạnh của mình. Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, hai bé gái sẽ nhận được sự trợ giúp từ các nhà hảo tâm cũng như trung tâm y tế trên thế giới để có thể sống một cuộc sống độc lập cho riêng mình.