Cây dứa này được cụ ông Nguyễn Đình Huế, 81 tuổi, tên thường gọi là cụ Quyền, chủ trì chùa Minh Thiên Tự, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp đưa về trồng từ năm 1990, tại khu vực chân núi thuộc địa phận xóm Rú Mổ, xã Phúc Lộc (cũ), nay là xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Phần gốc của cây dứa. Điều gây bất ngờ là chiều cao của cây dứa hiện tại đã lên đến gần 15 mét, đường kính phần thân dưới của cây khoảng 50 đến 60cm, phần ngọn 20 - 25cm và đang tiếp tục phát triển lên nữa.
Cụ ông Nguyễn Đình Huế, cho biết, cây dứa trên từ khi trồng xuống đất cho đến nay không hề chăm bón bất kỳ thứ phân hữu cơ hay hoá chất nào cả, giai đoạn đầu cây dứa phát triển rất bình thường giống như những gốc dứa khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cây dứa đột nhiên phát triển một cách rất dị thường, ban đầu là mọc thân cây dứa chỉ cao 3m, có búp màu tím (giống hệt như một búp sen), sau đó chiều cao cứ liên tiếp tăng đột biến.
Những nhánh hoa mọc chót vót phía trên. Ngoài ra, xung quanh cây dứa này còn có khá nhiều điều thú vị, như từ gốc lên đến đỉnh thẳng đuồn đuột, bề ngoài mọc xen kẽ, đều đặn nhiều lớp vỏ mỏng nhọn trông rất giống với lớp vỏ măng tre non (trước đó có nhiều người dân gọi nhầm là gốc dứa mà mọc ra thân cây măng tre), ở phần gần đỉnh có hơn 22 nhánh thăn chắc chìa ra ngoài, trên đó nở nhiều chùm búp, nụ và chùm hoa dứa màu xanh, vàng, tím trông rất đẹp.
Cũng theo cụ ông Nguyễn Đình Huế, loại cây dứa trên được gọi tên là dứa tàu không hề có quả, thường được người dân các nơi đem về trồng xung quanh khu vực đình, đền, miếu mạo, vườn nhà để làm cảnh, lá rất to, dẻo bền, có thể dùng lá này tước ra để làm dây thừng…
Sau khi biết tin cây dứa “kỳ lạ” này, rất nhiều người dân hiếu kỳ không chỉ ở Hà Tĩnh, mà thậm chí ở tận Nghệ An cũng tìm về xã Thuần Thiện để xin được “mục sở thị” cây dứa.