PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 9/9 cho biết, bé gái Thái Thị A., quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, được mổ đẻ ngày 1/6 do chậm phát triển trong tử cung, suy thai, mẹ bị tiền sản giật. Bé chỉ nặng 400 gram, là trường hợp nhẹ cân nhất được cứu sống tại Việt Nam.
"Quả thực chúng tôi không dám nghĩ em bé hồi phục diệu kỳ như ngày hôm nay. Đó là một kỳ tích", PGS.TS Trần Danh Cường chia sẻ. Ông khuyến cáo những người mẹ nếu không may có nguy cơ sinh non, đừng vội từ bỏ, đừng vội buồn mà buông xuôi, hãy quyết tâm và cùng bệnh viện chăm sóc để tìm cơ hội sống cho các con.
PGS.TS Trần Danh Cường cũng cho biết, khi mổ lấy thai, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức sơ sinh, tận dụng "thời gian vàng" cấp cứu bé, đặc biệt thực hiện chiến lược chống nhiễm trùng nhiều tầng để kiểm soát nhiễm khuẩn.
Khi sinh ra, trẻ trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, bụng chướng, thở nấc, thở máy, oxy. Trẻ chỉ nhỏ như một chiếc xi lanh 50 ml, chân chỉ bằng ngón tay út của người lớn, việc nuôi tĩnh mạch, lấy ven vô cùng khó khăn.
Thời gian đầu, bé sinh non được nuôi dưỡng trong lồng ấp (Ảnh: BVCC)
TS. Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông tin, khi mới sinh, bé được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Đến ngày thứ 15, bữa ăn đầu tiên qua đường miệng, bé chỉ ăn 1,5-2 ml/bữa. Sau 23 ngày, bé ăn 5 ml sữa/bữa, với tần suất ăn 16 bữa một ngày, nhỏ sữa từng giọt cho em bé.
Hiện, sau 3 tháng 9 ngày nuôi dưỡng và chăm sóc, cân nặng của bé đạt 1.800 gram. Trẻ tự thở, bú tốt, ăn sữa đạt 200 ml/ngày, vận động tốt.
"Đây là sự tăng trưởng kỳ tích của trẻ, với mức tăng trưởng 15% cân nặng/tuần", TS Lê Minh Trác nói. Anh cho biết thêm, với một em bé cực kỳ nhẹ cân non tháng, sẽ có 8 nguy cơ sau sinh gồm: ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, xuất huyết đặc biệt nguy hiểm (xuất huyết não, phổi), khó khăn nuôi dưỡng dễ viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu) rồi rối loạn chuyển hóa, vàng da, tan máu, thiếu máu.
BS.CKII Nguyễn Thu Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ, trong quá trình chăm sóc, không biết bao lần em bé đã "chạm" vào cửa tử, bệnh viện phải gọi về thông báo cho gia đình. Nhưng thời điểm đó ở huyện Yên Thành đang có dịch, gia đình không thể ra Hà Nội.
"Với kỳ tích và may mắn, em bé lại vượt qua, lớn lên từng ngày với những giọt sữa mẹ xin của nhân viên y tế và sự yêu thương chia sẻ gom góp mua sữa công thức vì hoàn cảnh gia đình đang ở xa", bác sĩ Nguyễn Thu Hoa nói.
Giám đốc Trần Danh Cường và TS. Lê Minh Trác thăm hỏi 2 mẹ con bé A. (Ảnh: BVCC)
Được ôm con trong vòng tay, truyền hơi ấm tình mẫu tử, chị P. - mẹ của bé không thể hình dung con mình giờ đã cân nặng 1,8 kg, đã biết mỉm cười, mút tay, khóc đòi ăn, có ngày ăn được hơn 300 ml sữa.
Các bác sĩ khuyến cáo, tiền sản giật là diễn biến cuối cùng tất cả bệnh lý của phụ nữ mang thai, nguy hiểm trong xử lý thai nghén cấp cứu. Do đó, trong quá trình chẩn đoán, nếu có yếu tố đe dọa tính mạng người bệnh, sẽ phải đình chỉ thai nghén.
Hiện, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã ứng dụng thành công các kỹ thuật, biện pháp trong điều trị và chăm sóc để hạn chế nguy cơ trẻ sinh cực non như: Hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ; chống suy hô hấp: thở máy, bơm surfactant, thở áp lực dương liên tục (CPAP), thở oxy, chống tắc nghẽn đường thở; lồng ấp cách ly môi trường, giữ ấm; chống nhiễm trùng nhiều tầng; nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, áp dụng phương pháp Kangaroo, kỹ thuật vô trùng; cân bằng nước điện giải, đường máu, chiếu đèn điều trị vàng da...
Nhờ áp dụng đồng bộ các kỹ thuật tiên tiến cùng sự đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương đã giúp nhiều trẻ nhẹ cân, non tháng từ 1.000 - 1.500 gram đạt tỷ lệ sống gần 90%, dưới 1.000 gram đạt gần 30%.