Đề thi không phục vụ mục đích “2 trong 1”
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ trong phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức vào cuối tháng 9.2018.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, đổi mới kỳ thi THPT quốc gia là cả một quá trình cải tiến, không phải mỗi năm một kiểu thi khác nhau. 3 năm gần đây, cách thức tổ chức thi vẫn được giữ nguyên, chỉ có sự điều chỉnh ở nhiều khâu trong cả quá trình tổng thể.
Trước những ý kiến cho rằng không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để đỡ tốn kém, Bộ GDĐT cho biết vẫn bảo lưu quan điểm cần duy trì kỳ thi này. Tuy nhiên, từ những năm sau sẽ có thay đổi.
“Tới đây, cách tiếp cận của đề thi không phục vụ mục tiêu kỳ thi "2 trong 1", mà phục vụ đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT. Thực hiện tốt được kỳ thi này, chất lượng giáo dục phổ thông sẽ tốt lên” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Việc cải tiến này cũng kéo theo đề thi sẽ bám sát hơn với chương trình THPT. Còn các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh nên có thể dùng nhiều phương thức khác để tuyển người học.
Kỳ thi THPT quốc gia được cải tiến theo hướng đảm bảo phản ánh đúng thực chất kết quả việc dạy và học của các trường phổ thông. (Ảnh: Hải Nguyễn)
Sẽ sớm công bố đề thi tham khảo
Thông tin đề thi THPT quốc gia sẽ không phục vụ mục đích “2 trong 1” (vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học) được ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) làm rõ hơn.
Theo ông Mai Văn Trinh, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ được duy trì ổn định nhưng điều chỉnh, bổ sung với 6 nhóm giải pháp được triển khai. Mục đích chính, quan trọng nhất của kỳ thi vẫn là dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở cho các trường đại học tuyển sinh.
"Tại sao lại để xét tốt nghiệp THPT bởi vì Luật Giáo dục quy định rõ các em học sinh học suốt 12 năm phải dự một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT. Luật cũng nói các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh. Vì thế, nếu Bộ GDĐT đứng ra tổ chức kỳ thi đại học là phạm luật. Cho nên Bộ GDĐT không tổ chức kỳ thi đại học"- ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết, Bộ GDĐT sẽ sớm công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh yên tâm tổ chức hoạt động dạy và học, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.
6 nhóm giải pháp được triển khai trong kỳ thi 2019:
Thứ nhất: Sẽ rà soát tổng thể về toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi để cụ thể hóa những quy định trong quy chế, hướng dẫn. Trong đó, vấn đề quan trọng là xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan tham gia tổ chức kỳ thi và chế tài xử lý.
Thứ hai: Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, các yêu cầu để đề thi chính thức phù hợp với tính chất kỳ thi, thời gian làm bài của thí sinh.
Thứ ba: Hoàn thiện, củng cố ứng dụng Công nghệ thông tin vào các khâu của các kỳ thi. Trong đó sẽ hoàn thiện phần mềm kỳ thi, tăng cường bảo mật, hỗ trợ phát hiện gian lận.
Thứ tư: Nghiên cứu, xem xét tổ chức về việc chấm thi. Bộ đang xem xét theo hướng cán bộ chấm thi sẽ không chấm bài của thí sinh tỉnh mình.
Thứ năm: Qua thực tiễn và cụ thể là qua sự việc kỳ thi 2018, công tác nhân sự, con người là vấn đề quan trọng nhất. Việc lựa chọn nhân sự tham gia vào công tác kỳ thi sẽ được xem trọng.
Thứ sáu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, giám sát tại các cụm thi, địa điểm thi và tất cả các phòng thi.