Kỳ lạ chuyện ở Huế, lúa chín rục không được thu hoạch do độc quyền máy gặt?

NGỌC VĂN, Theo Tiền Phong 08:20 13/05/2020
Chia sẻ

Hàng trăm hecta lúa của nông dân thành phố Huế chín rục “đứng” đồng do phải phụ thuộc dịch vụ máy gặt “cát cứ” và độc quyền của hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) địa phương.

Kỳ lạ chuyện ở Huế, lúa chín rục không được thu hoạch do độc quyền máy gặt? - Ảnh 1.

Nông dân Hương Long đổ ra đồng chầu chực chờ thuê máy gặt lúa

Kiểu cát cứ mới?

Đi ngang các cánh đồng phường Hương Long (thành phố Huế), nhiều người không khỏi ngạc nhiên thấy lúa chín rục, đổ rạp, thậm chí lên mầm xanh trên ruộng nhưng lại không được thu hoạch kịp thời. Cùng với đó là cảnh nông dân đội nắng mưa, chầu chực chờ thuê máy gặt do HTXNN Hương Long đứng ra liên hệ, để thu hoạch phần ruộng lúa đã chín của gia đình.

Ông H.V.T (nông dân phường Hương Long) cho hay, vụ đông xuân gia đình canh tác 5 sào lúa. Do ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều diện tích lúa chín bị đổ không gặt được, hạt đã lên mầm nên đành vứt bỏ. Gia đình cũng gặp vô số khó khăn khi thu hoạch số ruộng lúa đã chín còn “lành lặn” sau đợt mưa to, do chờ máy gặt của HTX liên hệ. Ban ngày không thu hoạch được, gia đình ông T. phải đợi đến đêm, khi máy gặt khá rỗi mới nhờ thu hoạch dần số diện tích lúa chín còn lại.

Theo nông dân phường Hương Long, do nhu cầu gặt lúa “chạy” mưa to trái vụ thời gian qua rất lớn, trong khi số máy gặt do HTX bố trí lại có hạn, nên mấy ngày trước, bà con liên hệ 3 máy gặt của các cá nhân trong và ngoài tỉnh. Khi máy tập kết sẵn ở chân ruộng, cán bộ HTXNN Hương Long ra đồng đòi thu tiền 1 triệu đồng/phương tiện gặt. Không chấp nhận kiểu “đánh phí” cao vô lý như vậy, các chủ máy ngoài xã lần lượt rời đi, khiến nông dân như ngồi trên lửa, vì nếu mưa lớn tiếp diễn thì số ruộng lúa đã chín còn lại xem như mất trắng.

Nông dân P.A ở Hương Long phản ánh, gia đình có 3 sào lúa bị gió lớn làm đổ, ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng thóc. Thiệt hại do thiên tai đã vậy, chi phí gặt máy do HTX liên hệ lại cao, bình quân 110.000 đồng/sào đối với lúa đứng, dưới 150.000 đồng/sào (tùy thỏa thuận) đối với lúa đổ.

Ông P.A cho rằng, chi phí máy gặt mà HTX đứng ra liên hệ như vậy là không hợp lý, vì giá xăng dầu gần đây liên tục giảm. Tuy nhiên, trước sự “độc quyền” máy gặt của HTX, thời tiết bất thường, nông dân bấm bụng chấp nhận gặt lúa giá cao. Thậm chí, bà con còn phải chầu chực nhiều ngày mới “rước” được máy về thu hoạch phần ruộng nhà.

“Nếu HTX không liên hệ đủ máy gặt thì để dân chủ động thuê bên ngoài, giá thu hoạch lại rẻ hơn. Tại sao HTX lại “đánh phí” cao, như là cách để ngăn cản máy gặt bên ngoài vào giúp bà con thu hoạch lúa? Nếu chậm gặt, mưa gió lại tiếp tục gây thiệt hại, lúa mất mùa thì ai chịu trách nhiệm?”, ông P.A bức xúc.

“Phí” máy gặt đi đâu?

Trước bức xúc của dân về tình trạng HTX “cát cứ” gặt lúa, triển khai thu hoạch ì ạch, đại diện HTXNN Hương Long đổ lỗi cho thời tiết gây ra sự chậm trễ. Giải thích việc “đánh phí” 1 triệu đồng đối với máy gặt “lạ” ngoài xã, HTX Hương Long giải thích, khoản thu này căn cứ biên bản họp của hội đồng quản trị, ban kiểm soát của HTX và phiên họp với các chủ máy gặt trên địa bàn. Phần “đánh phí” máy gặt dùng đầu tư tu sửa kênh mương đất, bờ vùng, bờ thửa sau mỗi vụ lúa.

Tuy nhiên, nông dân Hương Long “tố” rằng, số tiền 500.000 đồng (máy trong xã) đến 1 triệu đồng (máy ngoài xã) mà HTX thu từ mỗi đầu máy gặt đã không được đơn vị này dùng tu bổ kênh mương, bờ vùng bờ thửa như đã cam kết. Ngược lại, kênh mương bị hư hỏng sau thu hoạch lúa đều do nông dân tự bỏ công đào đắp, sửa chữa, gia cố.

Yêu cầu chấn chỉnh

Liên quan tình trạng "cát cứ" gặt lúa, "đánh phí" máy gặt với nhiều mức thu khác nhau tại HTX Hương Long, Phòng Kinh tế thành phố Huế vừa kiểm tra và yêu cầu đơn vị này chấn chỉnh. Phòng Kinh tế yêu cầu HTX Hương Long thực hiện phương án, kế hoạch thu hoạch lúa cụ thể và phải thông qua xã viên - những đối tượng trả tiền cho dịch vụ; giá cả thu hoạch cũng phải dựa trên tinh thần thỏa thuận với các xã viên và chấn chỉnh tình trạng thu chênh lệch đối với các máy gặt trong và ngoài địa phương. HTX không thể tùy tiện áp dụng mức thu chênh lệch mà phải thống nhất mức thu, phải thông qua đại hội xã viên. Số tiền thu được phải hạch toán rõ ràng cho việc tu sửa kênh mương nội đồng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày