KTS Đoàn Mạnh: KTS sẵn sàng “đi chợ” thay khách hàng để tìm ra một phương án tối ưu nhất cho không gian sống chất lượng

Minh Nguyệt - Thiết kế: Hà Mỹ, Theo Phunuso 08:09 30/06/2023
Chia sẻ

Theo KTS Đoàn Mạnh, để kiến tạo nên một ngôi nhà đẹp, không gian sống chất lượng cần sự kết hợp của kiến trúc sư, chủ nhà và nhiều yếu tố khác. Kiến trúc của ngôi nhà sẽ thể hiện văn hoá, tri thức, nhân sinh quan của gia chủ và KTS.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, việc nâng cao chất lượng của không gian sống, kiến trúc, thiết kế nhà ở cũng ngày càng được chú trọng hơn. Góp phần tạo nên những không gian sống lý tưởng, đảm bảo được đủ các yếu tố về thẩm mỹ, công năng và tính cá nhân hóa là “bàn tay” của các kiến trúc sư.

Gây ấn tượng với những công trình kiến trúc xanh, tối giản và hiện đại, kiến trúc sư Đoàn Mạnh - Founder Combo Home đã có những chia sẻ thú vị về công việc của một KTS cùng những câu chuyện thực tế, chia sẻ hữu ích về việc làm sao để biến tấu căn nhà sẽ là không gian sống lý tưởng.

Profile KTS Đoàn Mạnh

- Họ tên: Đoàn Mạnh

- Năm sinh: 1987

- Số năm kinh nghiệm: 9 năm

- Nhà sáng lập, điều hành công ty thiết kế Combo Home.

- Công trình nổi bật: Lily Home & Retreat, Mikan Village, Biệt thự của Diệp Lâm Anh

Kiến trúc trong không gian sống thể hiện phong cách, tính cách của gia chủ và kiến trúc sư

Chào KTS, Đoàn Mạnh, hành trình để anh trở thành 1 KTS và founder của công ty nội thất Combo Home diễn ra như thế nào?

Mình xuất thân không phải một KTS học kiến trúc chính quy, mình là một KTS ngoại đạo (cười). Nhưng tính đến nay, mình cũng đã gắn bó với nghề 9 năm. Mình từng có một khoảng thời gian dài trải nghiệm, cọ xát thực tế, không ngại học hỏi từ những người thợ làng nghề đến những đơn vị nhà máy sản xuất, hay người kiến trúc sư nhỏ và lớn tuổi hơn chia sẻ. Đồng thời, mình đọc, tự học và hay tò mò, tích lũy kiến thức, trải nghiệm để trở thành một người như bây giờ.

Trong một chuyến du lịch khoảng 1 tháng ở Nhật, mình thấy kiến trúc và nội thất, đồ decor đẹp quá, khi về tới Việt Nam, mình bắt tay làm một cửa hàng đồ tái chế gỗ và nội thất, sau đó tuyển dụng nhân viên làm thiết kế nội thất, sau rồi mở rộng cửa hàng bán đồ nội thất nhà máy xuất khẩu. Về sau có vấn đề về dòng tiền do mình quản lý chưa hiệu quả nên dừng công ty.

Sau đó, mình vẫn quyết định tìm cách theo nghề, mình thành lập tiếp công ty tập trung vào thiết kế thi công Combo Home. Từ những vấp ngã ban đầu cộng thêm việc trau dồi dần dần kinh nghiệm trong nhiều năm, các công trình mình làm đã hiệu quả hơn nhiều so với ngày xưa.

Việc bước vào nghề không phải một người học kiến trúc chính quy đã đem lại cho anh những trải nghiệm đặc biệt như thế nào?

Mình từng có một thời gian học marketing, sau này trở thành một KTS nên mình sẽ có những góc nhìn riêng về thị trường, chiến lược, công trình kiến trúc hay nội thất. Các thiết kế của công ty mình không bị đóng khung mà linh hoạt theo phong cách của gia chủ. Đôi khi, mình cũng hạ thấp cái tôi xuống một chút vì mình làm dịch vụ mà. Mình tiếp xúc với những anh kiến trúc sư lớn tuổi hơn, họ khiêm tốn và khiêm nhường, sẵn sàng học hỏi hơn ví như câu nói “ lúa chín là lúa cúi đầu”. Và mình đã, đang và vẫn giữ tinh thần học hỏi như vậy.

Với vai trò là 1 KTS, anh có suy nghĩ gì về công việc cũng như vai trò của 1 KTS trong việc kiến tạo những không gian sống chất lượng?

Nói một cách vĩ mô, theo mình, vai trò của 1 KTS là góp phần xây dựng xã hội ngày một đẹp hơn. Kiến trúc sẽ nói lên xã hội lúc đó ra sao, thẩm mỹ như thế nào, chỉ cần nhìn vào một ngôi nhà biết là chủ nhà và kiến trúc sư là người cầu toàn hay cẩu thả.

Để tạo nên một ngôi nhà đẹp, không gian sống chất lượng cần sự kết hợp của kiến trúc sư, chủ nhà, nhà thầu… Mình nghĩ kiến trúc của ngôi nhà sẽ thể hiện về văn hoá, tri thức, nhân sinh quan của KTS và gia chủ. Như việc mình nhìn công trình là biết chủ nhà là người như nào, khiêm tốn hay khoe khoang, tinh tế hay phô trương.

KTS Đoàn Mạnh: KTS sẵn sàng “đi chợ” thay khách hàng để tìm ra một phương án tối ưu nhất cho không gian sống chất lượng - Ảnh 2.

KTS sẵn sàng lắng nghe, “đi chợ” thay khách hàng để tìm ra một phương án tối ưu nhất cho không gian sống chất lượng

Theo anh, thế nào là 1 KTS giỏi?

Theo mình, KTS giỏi là một người chọn lựa một không gian kiến trúc hay nội thất phù hợp với gia chủ, đúng mục đích sử dụng và mọi thứ bền vững với thời gian. Đồng thời, KTS giỏi cũng phải phân tích được tâm lý trong khi gia chủ sử dụng, thấu hiểu với gia chủ, vì ngôi nhà là chủ nhà sử dụng nên những thành viên gia đình là trung tâm. Ngoài ra, là những kiến thức cơ bản như mặt bằng chặt chẽ, phù hợp, lưu thông gió và đối lưu kèm theo ánh sáng vừa đủ trong nhà và vật liệu đúng ý với mức chi phí đầu tư cũng cần được đáp ứng đủ.

Khách hàng chỉ cần gặp và trao đổi, nói về những mong muốn, những lo lắng hay kỳ vọng về một ngôi nhà, kiến trúc sư sẽ lắng nghe và đưa ra những lời tư vấn, ngoài ra tư vấn trên các phương án mặt bằng, 3D và vật liệu… để phù hợp với từng ngôi nhà. Tương tự như mọi người bị bệnh đi khám bệnh, chỉ nêu những vấn đề gặp phải còn đâu bác sĩ chuyên môn sẽ đưa ra những phương án và lời khuyên để chữa bệnh đó tốt nhất và nhanh nhất. Kiến trúc sư cũng có vai trò như vậy trong việc thiết kế nhà.

Một số nguyên tắc riêng bất di bất dịch mà anh đặt ra trong việc thiết kế kiến trúc, nội thất nhà cửa là gì, thưa anh?

Theo góc nhìn của mình, có một số nguyên tắc bất di bất dịch như về mặt bằng chặt chẽ, tỷ lệ nhà đúng và đủ, nội thất phù hợp. Khi tỉ lệ đúng nghiễm nhiên nhà đẹp, màu sắc hài hòa hợp lý và vật liệu trong nhà hay ngoài trời đúng với bản chất vật liệu thì dùng sẽ hiệu quả. Khi kinh nghiệm của các kiến trúc sư thật sự đủ về các nhà cung cấp, vật liệu để suy nghĩ giúp chủ nhà dựa theo kinh nghiệm và hạn chế rủi ro bằng những lời tư vấn và bản vẽ giúp gia chủ có một ngôi nhà phù hợp với lối sống, tinh thần của mình.

KTS Đoàn Mạnh: KTS sẵn sàng “đi chợ” thay khách hàng để tìm ra một phương án tối ưu nhất cho không gian sống chất lượng - Ảnh 3.

Cảm hứng thiết kế của anh thường được lấy từ đâu? Nếu dùng một vài từ miêu tả phong cách của mình, anh sẽ dùng những từ nào?

Cảm hứng thiết kế một ngôi nhà của 1 KTS thường sẽ đến từ sự lắng nghe. Sau khi lắng nghe, KTS sẽ dựa theo kiến thức và trải nghiệm rồi phân tích tâm lý để chọn sản phẩm cho từng đối tượng khách hàng. Đa số mình không sai ở phần phân tích rồi sau đưa lời tư vấn đúng và đủ.

Cảm hứng cho một khu nghỉ dưỡng ví dụ từ những ngôi nhà cũ, tinh thần của ngôi nhà hay sự truyền đạt ra sao, ngôi nhà phong cách Nhật Bản thì như nào thì cảm hứng đến từ những trải nghiệm sự tò mò. Từ cảm hứng tạo ra phong cách. Phong cách của mình thường là “ khiêm nhường, lịch sự và không phô trương, có chiều sâu trong từng thiết kế, cá nhân hóa ngôi nhà cho từng khách hàng”.

Là KTS, anh thường làm gì để cân bằng giữa mong muốn, sở thích của gia chủ với thiết kế phù hợp mà mình đưa ra?

Với cương vị người sáng lập công ty kiến trúc và gần chục năm trong nghề, để cân bằng được điều này, mình suy nghĩ và lắng nghe, thấu hiểu, học tập liên tục. Mình thay khách hàng “đi chợ”, mua đồ tốt cho khách và lựa những phong cách phù hợp các thành viên trong gia đình, đầy đủ công năng nhưng vẫn đảm bảo yếu tố thẩm mỹ với một xã hội đang phát triển cần “ăn ngon - mặc đẹp”.

Từng thiết kế nhiều ngôi nhà, gặp nhiều gia chủ. Với những chủ nhà “khó tính”, đưa ra những bài toán khó nhằn một chút, mình thường có sự chuẩn bị trước cho các tình huống, liệt kê sẵn các vấn đề để giải quyết một cách logic.

KTS Đoàn Mạnh: KTS sẵn sàng “đi chợ” thay khách hàng để tìm ra một phương án tối ưu nhất cho không gian sống chất lượng - Ảnh 4.

Theo anh, một không gian sống chất lượng, một căn nhà đẹp, sang trọng thường cần đáp ứng đủ những tiêu chí đánh giá nào?

Về không gian sống chất lượng, đầu tiên phải nói đến cảnh quan đủ dễ chịu. Một ngôi nhà tốt là một ngôi nhà phù hợp, mang lại cảm giác bình yên khi trở về, có những góc được cá nhân hóa cho từng thành viên và không gian chung có thể kết nối các thành viên với nhau. Ngôi nhà đẹp giúp mình sống một cuộc sống duy mỹ, không chỉ cho bản thân, gia đình và thế hệ tương lai. Thử tưởng tượng, một ngôi nhà có tranh, có thảm, mùi thơm làm cuộc sống dễ chịu và duy mỹ cộng thêm đồ nội thất, phụ kiện tốt và bền vững sẽ có những ngôi nhà bền vững.

KTS Đoàn Mạnh: KTS sẵn sàng “đi chợ” thay khách hàng để tìm ra một phương án tối ưu nhất cho không gian sống chất lượng - Ảnh 5.

Lời khuyên, gợi ý về những không gian sống xanh, chữa lành, vỗ về tâm hồn

Theo anh, để không gian ở trong một căn hộ vừa đảm bảo được yếu tố gần gũi, tiện dụng nhưng đảm bảo về mặt thẩm mỹ thì cần ưu tiên lựa chọn nội thất cũng như cần có cách bố trí công năng như thế nào?

Để tạo nên một không gian sống đáp ứng được những yêu cầu trên, không gian được chia hai phần tĩnh và động. Động là không gian công cộng như phòng khách và bếp, các không gian công cộng được liên thông với nhau nhằm tính kết nối. Còn không gian tĩnh là dành cho các phòng ngủ cần sự yên tĩnh, ít xen lẫn giao thông với không gian động. Không gian giếng trời hay khoảng lấy sáng đầy đủ cho các nhà, đối lưu thông thoáng giúp nhà không bị ẩm thấp.

Còn đồ nội thất thì tùy vào mục đích sử dụng thì sẽ vừa chọn loại nào cho đúng, như sàn gạch hay sàn gỗ, sofa da hay nỉ, nỉ màu gì và đèn ra sao, bàn ghế và đồ gỗ dùng loại gì cho bền nhưng vẫn đẹp…Cây xanh thì có thể sử dụng ở mặt tiền, ở tầng 1 sân vườn hay ở trên tầng thượng lấp khoảng xanh cho nhà hoặc giếng trời... tùy cách thiết kế cho từng mẫu nhà.

Nhu cầu đưa không gian sống trở thành một nơi chữa lành tâm hồn ngày càng phổ biến. Theo anh, để có một không gian sống chữa lành, vỗ về tâm hồn thì cần làm gì?

Theo mình, không gian chữa lành là một không gian mang tính bình dị, mộc mạc, công năng chỉ cơ bản đủ dùng không thừa không thiếu, những vật liệu mang tính thân quen và nhiều thiên nhiên xung quanh.

Như mọi người đi làm về cần một không gian đủ yên tĩnh, tránh ô nhiễm môi trường hay ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng, ngồi một chiếc ghế đủ êm và có độ ngả phù hợp, những vật liệu thân thiện với môi trường hoặc những người lớn tuổi nhìn thấy vườn ao cá hay cây cau, bộ bàn ghế xưa cũ mình đã ngồi nhiều năm gắn bó là một cách chữa lành tâm hồn.

Với mỗi người có cách chữa lành tâm hồn khác nhau, tùy vào tính cách và sở thích nên hiểu được mình muốn gì trong không gian là quan trọng nhất để truyền đạt với công ty thiết kế, sau đó thiết kế sẽ vẽ và hiện thực hóa những suy nghĩ hay mong muốn của gia chủ, nên tìm hiểu bản thân là điều quan trọng nhất.

KTS Đoàn Mạnh: KTS sẵn sàng “đi chợ” thay khách hàng để tìm ra một phương án tối ưu nhất cho không gian sống chất lượng - Ảnh 6.

Nhiều người muốn "xanh hoá", đưa thiên nhiên vào không gian sống. Là KTS có nhiều công trình có không gian gần gũi với thiên nhiên, anh có thể đưa ra một vài lời khuyên để đưa thiên nhiên vào nhà một cách hợp lý, có thẩm mỹ?

Trước mắt, gia chủ cần xác định thứ tự ưu tiên. Cái gì cần và cái gì muốn trong ngôi nhà của mình. Nhu cầu cần thiết không thể không có được xếp lên trên, còn nhu cầu mong muốn được xếp thứ hai. Ví dụ trong không gian xanh, cây xanh có thể được đặt ở khắp nơi trong nhà như cổng vào, ban công, tầng thường, giếng trời… nhưng cần biết về đặc tính loại cây, sống trong nhà hay sống ở ngoài trời không sẽ dễ bị chết cây. Ngoài ra thì bể cá hay vật liệu trong nhà, những thứ sản xuất từ vật liệu xanh như cói, sợi, gỗ… Chúng ta tìm đến những vật liệu tự nhiên làm cho mình dễ chịu, nhưng nên sử dụng đồ dùng tái chế hay thân thiện môi trường.

Để một người có thể trở thành KTS, theo anh, họ sẽ cần phải có những yếu tố gì?

Để thành một kiến trúc sư tốt theo mình cần vài yếu tố như: yêu nghề, có kiến thức, có trải nghiệm, luôn học hỏi, tò mò, sáng tạo, nghiêm túc với công việc và trách nhiệm, có quan điểm và triết lý với nghề nghiệp, công trình mình đang theo đuổi. Đó là những yếu tố tốt để đi lâu dài với nghề, thường sau 5-10 năm thực hiện các công trình thực tế mới là câu trả lời cho một người KTS tốt.

KTS Đoàn Mạnh: KTS sẵn sàng “đi chợ” thay khách hàng để tìm ra một phương án tối ưu nhất cho không gian sống chất lượng - Ảnh 7.

Để chia sẻ một số lời khuyên cho các bạn trẻ muốn theo đuổi công việc này, anh sẽ nói gì?

Theo mình, các bạn trẻ muốn theo đuổi công việc KTS, các bạn nên rèn cho mình tinh thần học tập, biết lắng nghe, tập trung và đào sâu trở thành chuyên gia. Khi đi làm thuê cho công ty, hãy tìm kiếm và chọn cho mình người sếp dẫn dắt, chỉ bảo và trải nghiệm thực tế thật nhiều. Kiến trúc sư nếu làm sai hoặc không cẩn thận, các bạn sẽ phải “trả giá” bằng tiền bạc và thời gian. Đồng thời hãy giữ lửa yêu nghề và thật trách nhiệm với những lời nói của mình.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

KTS Đoàn Mạnh: KTS sẵn sàng “đi chợ” thay khách hàng để tìm ra một phương án tối ưu nhất cho không gian sống chất lượng - Ảnh 8.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày