Đã có cặp vợ chồng lớn tuổi qua đời cách nhau vài giờ đồng hồ, không có người thân đưa tiễn. Đã có gia đình chứng kiến người thân lâm chung ngay tại nhà, nhưng đến 2 ngày sau thi thể mới được chở đi. Cũng có những y bác sĩ hi sinh cả tính mạng để chữa trị cho bệnh nhân.
Họ nằm trong số 2.978 nạn nhân Italy đã tử vong trong đại dịch Covid-19, tính đến ngày 18/3. Những người ở lại phải chịu đựng nỗi mất mát quá lớn nhưng cũng rút ra nhiều bài học đắt giá. Và họ chia sẻ với The Guardian với hi vọng rằng, không có thêm một nơi nào trên thế giới phải lâm vào tình cảnh tương tự.
(Ảnh: EPA)
"Sự thật là virus đã lan rộng như lửa cháy. Số người chết không thể chắc chắn, nhưng tình trạng lây lan hoàn toàn thấy rõ" - nam diễn viên Luca Franzese, có chị gái 47 tuổi qua đời tại nhà hôm 7/3, cho biết. "Bố mẹ tôi đau đớn và bị hủy hoại".
Teresa - chị gái của Franzese - mắc chứng động kinh nhưng sức khỏe vẫn ổn định. Cô sống cùng bố mẹ già, em gái, em rể và hai con của cặp đôi. Một tuần trước khi qua đời, Terasa có triệu chứng cảm.
"Bố mẹ tôi đã gọi bác sĩ nhưng họ từ chối đến nhà khám bệnh, dù biết chị tôi là người khuyết tật" - anh Franzese kể. "Khi chị ấy hôn mê vào ngày 7/3, chúng tôi gọi vào đường dây nóng nhưng xe cấp cứu chỉ đến vào 40 phút sau. Trong lúc đó, tôi đã cố gắng làm hô hấp nhân tạo cho chị".
Luca Franzese chứng kiến chị gái qua đời tại nhà vì nhiễm Covid-19.
Teresa đã không qua khỏi, khám nghiệm tử thi xác nhận dương tính với Covid-19. Điều này khiến gia đình sốc nặng và nghĩ rằng "nước Ý đã bỏ rơi chúng tôi".
Chỉ đến khi Franzese kêu gọi giúp đỡ trên Facebook, công ty mai táng địa phương mới đến tiếp nhận thi thể. Nhưng cũng giống như các nạn nhân qua đời vì Covid-19, việc hỏa táng đã diễn ra rất nhanh chóng, không tổ chức bất kỳ nghi lễ nào nhằm hạn chế lây nhiễm xuống mức thấp nhất.
Theo Guardian, quan chức y tế Italy cho biết độ tuổi tử vong trung bình vì nhiễm Covid-19 ở Italy là 80,3. Hầu hết nạn nhân qua đời cũng mắc bệnh nền trước đó, phổ biến nhất là cao huyết áp, bệnh tim mãn tính, rung tâm nhĩ và ung thư.
Tuy nhiên, không phải nạn nhân nào cũng có bệnh nền. Ví dụ như anh Luca Carrara đã mất bố mẹ mình trong đại dịch. Ông Luigi (86 tuổi) và bà Severa (82 tuổi) qua đời cách nhau chỉ vài giờ đồng hồ.
Carrara nói với truyền thông Italy rằng sức khỏe của bố mẹ vốn rất tốt. "Tôi không thể nhìn mặt bố mẹ lần cuối, họ ra đi trong sự cô độc. Đó là những gì mà chủng virus này gây ra, nó không phải bệnh cúm thông thường. Khi nhập viện, nhiều bệnh nhân đã bước trên lằn ranh mỏng manh của sự sống và cái chết".
Bố mẹ của Luca Carrara qua đời cách nhau vài giờ và anh đã không thể nói lời từ biệt sau cùng.
Thị trấn Codogno, vùng Lombardy được xem là tâm dịch của Italy. Tại đây, anh Enrico Palestra cũng mất đi người bố 80 tuổi vốn rất khỏe mạnh. "Đây không phải bệnh cảm xoàng mà nhiều người vẫn nghĩ" - Palestra nói.
Một nạn nhân khác ở thị trấn là ông chú 74 tuổi của Alessandro. "Ông ấy bị sốt 5 ngày rồi qua đời. Ông ấy có dáng người rất cân đối, không hút thuốc cũng không có tiền sử bệnh.
Alessandro nói thêm: "Nhiều người trong nhà tôi cũng nhiễm virus này. Những ai không sống ở đây không nhận ra tình hình tệ đến mức nào. Chúng tôi nghe tiếng xe cứu thương cách nửa tiếng một lần. Thật quá sức tưởng tượng".
"Nhưng điều gây kinh ngạc nữa là một số nước chuẩn bị quá chậm trễ trước dịch bệnh, hoặc các biện pháp không đủ mạnh. Điều này khiến tôi lo sợ cho họ".
Nhiều y bác sĩ đã thiệt mạng trong cuộc chiến với virus corona. Trong đó có Roberto Stella, 67 tuổi, là người đứng đầu Hội y tế tỉnh Varese. Ông đã nỗ lực chữa trị cho các bệnh nhân, cho đến khi chính mình xuất hiện triệu chứng rồi nằm điều trị ở phòng chăm sóc tích cực. Ông qua đời ngày 11/3.
Bác sĩ Roberto Stella qua đời sau khi miệt mài chữa trị cho người nhiễm Covid-19.
"Họ là những y bác sĩ không hề sợ hãi, dù biết mình phải đương đầu với mối hiểm họa khó lường" - phó hội trưởng Saverio Chiaravalle cho biết về vị cấp trên kiêm người bạn thân thiết của mình.
"Họ đã ngã xuống trên chiến trường, nhưng khi bạn chiến đấu, bạn sẽ không nghĩ về cái chết. Kẻ thù lần này vô hình, nhưng cũng giống như chiến tranh, biện pháp duy nhất là phải cách ly. Ai cần làm việc thì hãy hết sức cẩn trọng; những người khác tuyệt đối nên ở trong nhà".
(Theo The Guardian)