Ecuador - quốc gia Nam Mỹ với gần 17 triệu dân - hiện đã ghi nhận tới 3.646 người nhiễm Covid-19 và ít nhất 180 người tử vong. Tâm dịch nằm ở Guayaquil - thành phố lớn nhất và cũng là trung tâm kinh tế của cả nước.
Một phụ nữ gục xuống khi hay tin người thân đã qua đời tại bệnh viện ở Guayaquil (Ảnh: AFP)
Ông Reynaldo Barrezuet (57 tuổi) có triệu chứng bệnh từ ngày 18/3 - đúng một tuần sau khi Tổng thống Lenín Moreno ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và chỉ 3 tuần sau khi Ecuador có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Suốt 5 ngày, ông Reynaldo đau đầu và nhức mỏi khắp cơ thể, sau đó dần khá hơn. Nhưng đến hôm 23/3, ông cảm thấy khó thở, ho khan liên tục và được gia đình chở đến bệnh viện. Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán ông đã bị viêm phổi do nhiễm virus corona.
Tuy nhiên, theo con trai Eduardo Javier Barrezueta Chávez (33 tuổi) kể lại, bệnh viện đã yêu cầu ông Reynaldo về nhà uống thuốc hạ sốt do hết giường điều trị. Đến 6h sáng ngày 30/3, ông tức ngực dữ dội, không thở được rồi ngã xuống tử vong ngay trước mắt những người thân trong gia đình.
Khi phóng viên The Guardian đến nhà vào trưa ngày 2/4, anh Eduardo buồn bã chỉ về phía quan tài của bố mình, đã 3 ngày vẫn chưa được an táng. Gia đình thậm chí phải lấy túi nilon màu đen trùm lên để ngăn mùi thi thể phân hủy nhưng cũng vô ích. Anh Eduardo chỉ còn biết tuyệt vọng cầu cứu trên mạng xã hội: "Làm ơn, tôi quỳ xuống xin ai đó hãy đến đây và giúp đỡ chúng tôi".
Đáng buồn thay, hoàn cảnh của Eduardo cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình ở thành phố ven biển Guayaquil. Quang cảnh xung quanh giống như một trận thiên tai kinh hoàng bất ngờ ập tới: hàng loạt thi thể đặt giữa đường phố, ngay bên ngoài nhà dân. Mặt khác, các gia đình phải ở chung không gian với người đã khuất suốt nhiều ngày giữa cái nóng trên 30 độ C.
Quan tài đặt khắp nơi ở thành phố Guayaquil
"Xác người bị bỏ mặc trên đường phố, vỉa hè hoặc lưu lại mãi trong nhà. Chuyện gì đang xảy ra với Guayaquil?" - thị trường thành phố, bà Cynthia Viteri, viết trên Twitter trong thời gian tự cách ly.
Hiện tại, tất cả nhà xác của thành phố đều đã hết công suất. Ông Fernando Jiménez - chủ một dịch vụ tang lễ - cho biết mình phải ngừng mọi hoạt động vì nghĩa trang không còn chỗ trống để chôn cất. "Nhu cầu khẩn cấp tăng lên quá dữ dội, chúng tôi hết cách rồi. Mọi việc không thể kiểm soát được nữa" - ông nói.
Mãi đến đầu tuần này, lực lượng quân đội mới tiến hành thu gom hơn 150 thi thể trên đường phố và trong các ngôi nhà. Dù vậy, tờ báo địa phương Expreso cho rằng thảm kịch chỉ vừa mới bắt đầu. "Tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn" - tờ báo đã viết, dẫn nguồn chính phủ dự báo rằng số ca tử vong ở Guayaquil có thể lên tới hơn 3.500 người.
Khi số người tử vong tiếp tục tăng nhanh ở thành phố Guayaquil, giới chức đã vận động một nhà sản xuất địa phương làm gấp 1.000 thùng các-tông chứa thi thể và chuyển đến cho 2 nghĩa trang địa phương.
"Chỉ có cách này mới đáp ứng được nhu cầu tăng cao trong dịch bệnh. Hiện giờ, thành phố đã bán hết quan tài hoặc giá cả vô cùng đắt đỏ" - một quan chức ở Guayaquil cho biết với hãng tin AFP.
Nữ thị trưởng Cynthia Viteri cũng chia sẻ trên Twitter: "Những chiếc quan tài bằng các-tông sẽ giúp người quá cố được an táng tử tế hơn trong cuộc khủng hoảng y tế này".
(Ảnh: AFP)
Ông Santiago Olivares - người điều hành nhiều nhà tang lễ trong thành phố - cho biết các nhân viên của mình đang làm việc hết sức lực. "Chúng tôi đã bán đi 80 cỗ quan tài cuối cùng. Kế đó tôi đặt thêm 10 chiếc nữa nhưng cũng vừa hết sạch". Được biết, giá một chiếc quan tài rẻ nhất ở Guayaquil đã lên tới 400 USD (gần 9,5 triệu đồng).
Ông Olivares nói thêm, lệnh giới nghiêm của thành phố đã khiến cho nguồn cung cấp nguyên liệu bị thiếu hụt nghiêm trọng - bao gồm gỗ và kim loại để đóng quan tài.
Một cặp đôi buộc chặt quan tài của người thân lên ô tô để chở đến nghĩa trang (Ảnh: Reuters)
Theo các chuyên gia, một trong những lí do khiến thành phố Nam Mỹ "vỡ trận" là do có nhiều chuyến bay dày đặc kết nối với Tây Ban Nha - điểm đến của hơn 400.000 người Ecuador di dân và cũng là ổ dịch lớn thứ 2 châu Âu. Trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên của toàn khu vực Nam Mỹ cũng là một phụ nữ 71 tuổi, bay từ Madrid (Tây Ban Nha) đến Guayaquil vào giữa tháng 2. Sau đó, bà qua đời vào ngày 13/3.
Cảnh tượng thảm khốc ở Guayaquil không chỉ gây sốc cho người dân Ecuador mà còn là lời cảnh báo đến một vài quốc gia lân cận - nơi có hệ thống y tế mong manh và sẽ không thể chống đỡ nếu làn sóng người nhiễm virus đổ dồn về một lúc.
(Theo Guardian, AFP)