Bạn nghe tin gì chưa, siêu trăng hay siêu Mặt trăng - hiện tượng thiên văn kỳ thú nhất trong năm sẽ diễn ra vào tối Chủ nhật (3/12) này đấy!
Theo các chuyên gia thiên văn học, đây là một hiện tượng kỳ thú, xảy ra khi Mặt trăng ở gần Trái đất nhất trong quỹ đạo di chuyển.
Và với việc ở gần Trái đất hơn, hình dạng Mặt trăng khi được quan sát từ Trái đất sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với thông thường.
Mặt trăng sẽ lớn hơn trăng tròn bình thường 14% và sáng hơn 30%.
Cần phải hiểu, hiện tượng siêu trăng xảy ra do quỹ đạo hình quả trứng kỳ lạ của Mặt trăng.
Một phần của quỹ đạo này - được gọi là điểm cực cận - khi đó Mặt trăng sẽ nằm ở gần Trái đất hơn 48.280km so với lúc ở điểm cực viễn.
Thời điểm Mặt trăng thẳng hàng với Mặt trời và Trái đất, nó sẽ gây ra 1 hiệu ứng gọi là hiện tượng syzygy - khi đó, Mặt trăng trông to hơn so với bình thường và còn được gọi là siêu trăng.
Marek Kukula - nhà thiên văn học tại Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich (Anh) chia sẻ: "Khác biệt về kích cỡ và độ sáng chỉ khoảng vài phần trăm thôi nhưng cũng đủ khiến cho cảnh tượng trăng tròn trở nên ấn tượng hơn. Đây thực sự là một sự kiện rất đáng được mong đợi".
Mặt trăng vừa to vừa sáng ẩn hiện cùng "vòng xoay" ở Đà Nẵng vào tháng 11/2016 (Ảnh: Khathinh)
Theo Space, siêu trăng sẽ tròn to và sáng nhất vào lúc 15h47 ngày 3/12 theo giờ GMT, tức là khoảng 22h47 cùng ngày theo giờ Việt Nam.
Những người dân khu vực phía tây Bắc Mỹ và các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam đều có cơ hội quan sát siêu trăng rõ nét.
"Siêu trăng" bắt đầu nhô mình lên tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 11/2016 (ảnh: Minh Kỳ)
Được biết, siêu trăng là hiện tượng thiên văn có thể xem được bằng mắt thường.
Tuy nhiên, để có thể chiêm ngưỡng toàn diện vẻ đẹp "lộng lẫy" của siêu trăng thì bạn nên tìm 1 vật để tham chiếu, xem theo hướng thấp xuống với cây cối và các tòa nhà… Lúc này, kích thước thực sự của siêu trăng mới lộ diện.
Kích thước siêu trăng hiện rõ mồn một sau tán cây cao.
Ngoài ra, bạn cũng cần chọn cho mình 1 địa điểm có khoảng rộng lớn như bãi biển, đỉnh núi; nơi nhiều bóng tối, ít ánh sáng nhân tạo nữa nhé!
Hãy nhớ nhé! Siêu trăng sẽ tròn to và sáng nhất vào lúc 15h47 ngày 3/12 theo giờ GMT, tức là khoảng 22h47 cùng ngày theo giờ Việt Nam.
Nếu bạn ghi lại được hình ảnh Siêu trăng, bạn hãy chia sẻ với chúng tớ và gửi về địa chỉ mail: khampha@kenh14.vn để mọi người cùng được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú này nhé!
Nguồn: Space