Người ta vẫn kể cho nhau nghe về sự tích lãng mạn về ngày Valentine Đỏ (14-2): Nó được đặt theo tên thánh Valentine, người đã bảo vệ các cặp tình nhân dưới thời La Mã khi hoàng đế ra lệnh cấm yêu đương, buộc toàn dân phải tập trung chiến đấu. Và thế là vào ngày Valentine Trắng (14/3), người ta cũng truyền tai nhau một câu chuyện dễ thương không kém: Năm 1965, một anh chàng bán kẹo dẻo tại Nhật Bản vì muốn đáp lại cô gái đã bày tỏ với mình vào ngày 14/2, anh tạo nên một cây kẹo tuyết khổng lồ để tặng cô. Màu trắng của kẹo bông để trở thành tên gọi cho Valentine trắng.
Tuy nhiên, câu chuyện này chỉ đúng một điều duy nhất, đó là Valentine trắng xuất phát từ Nhật Bản. Nhưng nó không được lập ra bởi anh chàng si tình nào hết, mà do... chiến lược kinh doanh của một tập đoàn bánh kẹo. Năm 1977, công ty bánh kẹo Ishimura Manseido ở Fukuoka đã tiếp thị sản phẩm ''đinh'' của mình - kẹo dẻo (marshmallow) - cho nam giới vào ngày 14 tháng 3. Đến năm 1978, Valentine trắng chính thức ra đời do Hiệp hội công nghiệp bánh kẹo quốc gia thông qua, như một hình thức kích cầu mua bán.
Bắt nguồn từ màu trắng của marshmallow mà ngày đáp lễ 14/3 được gọi là Valentine trắng. Ngoài ra người Nhật còn tin rằng, màu trắng đại diện cho tình yêu đầu của chàng trai, trong sáng và thuần khiết. Vào ngày này, ngoài chocolate trắng thì người ta còn tặng nhau các món đồ trắng khác như marshmallow, hoa hồng trắng, trang phục màu trắng... Và khác với Valentine đỏ, Valentine trắng không chỉ là sự kiện cho các cặp tình nhân, mà là dịp chung để bày tỏ tình cảm với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...
Những món không thể thiếu vào Valentine trắng
Chocolate trắng
Đây là món quà cơ bản trong ngày 14/3, nhưng chocolate trắng cũng có rất nhiều loại. Cũng tương tự ngày 14/2, chocolate vào Valentine trắng chia ra làm 3 loại: Honmei choco (dành cho người yêu, vợ/chồng), tomo choco (dành cho bạn thân, thường là con gái với nhau) và giri choco (chocolate ''lịch sự'', thường dành cho bạn xã giao, đồng nghiệp hoặc... hàng xóm).
Tùy theo mỗi đối tượng tặng mà các loại chocolate này có mức độ đầu tư khác nhau.
Hoành tráng nhất thường là honmei choco, ngoài việc sử dụng chocolate chất lượng, đắt tiền thì còn được trang trí rất cầu kì...
... tiếp đó là tomochoco, trang trí đơn giản hơn nhưng thể hiện được sự tinh tế và kì công.
Cuối cùng là giri choco, giản tiện và thường là một gói quà nhỏ thế này.
Kẹo marshmallow
Món kẹo trắng tinh đáng yêu này cũng phổ biến vào ngày 14/3 không kém chocolate. Người Nhật quan niệm rằng, nếu chàng trai cũng có cảm tình với bạn, thì họ sẽ đáp trả bằng marshmallow thay vì một gói giri chocolate ''xã giao''. Trước đây marshmallow thường để trong hộp hoặc gói nhỏ, nhưng giờ nó đã được nâng cấp hơn nhiều. Marshmallow hình thú ngộ nghĩnh, vẽ mặt dễ thương... cũng rất được học sinh trung học ưa chuộng.
Bánh quy
Hình thức thăng cấp của marshmallow. Nếu bạn tặng 1 anh chàng chocolate vào ngày 14/2, sau đó chàng đáp trả bằng bánh quy thì xin chúc mừng, người ta đã yêu bạn rồi đấy! Tặng bánh quy vào ngày Valentine trắng ở Nhật có ý nghĩa rất nghiêm túc và trang trọng, thể hiện tình cảm sâu đậm hơn cả kẹo nhiều. Các loại bánh quy bán vào ngày này thường được phủ bằng chocolate trắng, hoặc trắng một lớp đường trên mặt cho đúng tinh thần ''White day".