Không muốn lưng thủng lỗ chỗ như thế này, bạn buộc phải nhớ những điều sau!

Vyka, Theo Trí Thức Trẻ 10:38 24/06/2016

Chỉ vì giác hơi sai cách mà người đàn ông này đã mang trên mình nhiều vết nhiễm trùng.

(Bài viết có hình ảnh ghê rợn, cần cân nhắc kĩ trước khi xem)

Nhìn vào hình ảnh này, hẳn không ít bạn sẽ cảm thấy hoang mang và lo lắng cho người đàn ông đang mang trên mình 7 "chiếc lỗ" khá sâu, và đó là kết quả của việc đi giác hơi sai cách.

Ông Li Lin (63 tuổi) đến từ Thành Đô, Trung Quốc mắc chứng bệnh khớp vai đông lạnh (frozen shoulder). Do bị viêm nên khiến cho các bao khớp vai trở nên xơ, làm giảm khối lượng của khớp vai, giảm khả năng chuyển động của vai và làm vai trở nên tê cứng.

Sau khi đi khám, ông được khuyên là nên đi giác hơi để chữa trị căn bệnh này, và thời gian chữa trị kéo dài khoảng 1 tháng.

Được biết, giác hơi là phương pháp phòng và chữa một số chứng bệnh thông qua dụng cụ là ống giác thường được làm bằng các chất liệu như trúc, sành sứ, thủy tinh.

Nguyên lý chữa bệnh bằng giác hơi là dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các bộ phận, huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt, sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh.

Không muốn lưng thủng lỗ chỗ như thế này, bạn buộc phải nhớ những điều sau! - Ảnh 1.

Tuy nhiên, vào 10 ngày cuối, mụn bắt đầu nổi trên lưng của ông Li Lin, ở vị trí những vết giác hơi. Thay vì ngưng điều trị, ông vẫn kiên trì với liệu pháp của mình.

Đến ngày 20/6 (gần 1 tháng chữa trị, buổi đầu tiên là 22/5), ông có triệu chứng sốt cao, khó chịu nên đến bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị nhiễm trùng do vi khuẩn, nguyên nhân là do giác hơi sai cách nên gây bỏng da và nhiễm trùng.

Các bác sĩ cho rằng may là ông Li đã đến bệnh viện sớm, trước khi tình trạng trở nên xấu đi dẫn đến nhiễm trùng huyết, có thể đe dọa đến tính mạng.

Cần khẳng định rằng, mặc dù cơ chế hoạt động của giác hơi khá đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là bỏng nhiệt. Do giác hơi sử dụng cồn, lửa và những vật dụng dễ bắt lửa nên khả năng bị bỏng rất cao.

Do vậy, các nhân viên y tế khuyến cáo, liệu pháp giác hơi không nên lặp đi lặp lại ở cùng một ví trí, bởi nó có thể gây bỏng da và nhiễm trùng như trường hợp của ông Li.

Để việc giác hơi phát huy hết tác dụng và tránh những nguy cơ gây bỏng, cần chú ý một số điểm sau:

- Chỉ nên thực hiện ở những vùng cơ thể có cơ bắp và da thịt đầy đặn. Không thực hiện ở vùng da mỏng, những vùng da mới bị tổn thương hoặc những vùng nhạy cảm như môi, mắt, nhũ hoa. Lưu ý, đặc biệt không giác hơi ở những vùng có mạch máu nông, dễ vỡ.

- Không nên giác hơi ngoài trời, những nơi quá nóng hoặc quá lạnh phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn, phong nhiệt.

- Chỗ giác lần trước nếu vẫn còn dấu vết thì lần sau không được giác lại vị trí đó.

- Trong khi thực hiện liệu pháp giác hơi, cả người bệnh và nhân viên y tế thực hiện cần theo dõi thường xuyên. Nếu thấy những biến chứng như nóng, căng da tại điểm sung huyết hoặc chóng mặt, đau đầu thì nên dừng lại ngay lập tức.

Trường hợp sau tuyệt đối không sử dụng liệu pháp giác hơi để chữa bệnh. Nếu không tuân thủ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong:

- Những người có tiền sử bệnh thận, phổi và những người có triệu chứng thiếu máu, xuất huyết da, thiếu tiểu cầu.

- Những người yếu thần kinh, có tiền sử bệnh tâm thần, thường xuyên căng cơ, chuột rút. Người có da đàn hồi kém, quá gầy.

- Những trường hợp đang đói hoặc say rượu, phụ nữ có thai và cho con bú.

- Những người đang bị sốt phát ban, có biểu hiện mê sảng và co giật.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày