"Cầm trên tay visa đến Ba Lan, em có một cảm giác sảng khoái, cảm giác của một mục tiêu đã thành hiện thực. Cho dù hành trình này mới bắt đầu, nhưng hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ một bước chân. Em cho phép bản thân được mơ mộng và hành động nhiều hơn", Trần Bích Ngọc (Vĩnh Phúc) chia sẻ cảm xúc vỡ òa của mình khi trúng tuyển học bổng dạng Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam - Ba Lan và sẽ đi du học trong 4 năm tới.
Cảm giác hạnh phúc này của Ngọc càng nhân lên gấp bội bởi hành trang để cô bước vào con đường săn học bổng vô cùng "khiêm tốn": Ngọc không có IELTS, không có giải quốc tế, quốc gia để đạt học bổng như nhiều bạn khác, tất cả những thành tựu nho nhỏ cô sở hữu chỉ ở phạm vi cấp tỉnh và hết sức căn bản của một học sinh học trường công ở một tỉnh lẻ. Hơn hết, việc trở thành du học sinh cũng đã biến ước mơ từ năm lớp 8 của Ngọc thành hiện thực.
Thành tích của Bích Ngọc
Về học tập:
- Thủ khoa kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021 tỉnh Vĩnh Phúc.
- Sinh viên năm Nhất ngành Truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam (GPA 3,73/4).
- Chưa thi IELTS.
Hoạt động ngoại khóa:
- Người dẫn chuyện, MC tại DAV The Broadcaster - Học viện Ngoại giao.
- Thực tập sinh tại Vụ Thi đua Khen thưởng - Truyền thống Ngoại giao, Bộ Ngoại giao (12/2021-3/2022).
- Chủ nhiệm CLB Tiếng Anh của trường THPT Trần Phú nhiệm kỳ 2019-2021.
- Trưởng ban tổ chức các chương trình ngoại khóa, thiện nguyện như The Mid-Autumn Festival, Hướng nghiệp - Hướng tương lai, The Happy Sunday...
Với học bổng danh giá này, Bích Ngọc được chi trả toàn bộ tiền học phí và các chi phí liên quan đến việc học từ phía Ba Lan, cũng như tiền sinh hoạt phí và các chi phí khác như bảo hiểm, visa, hộ chiếu, vé máy bay, phí đi đường từ phía Việt Nam.
Trần Bích Ngọc (Vĩnh Phúc).
Cô thủ khoa dám nghĩ, dám làm
Ngọc ước mơ được đi du học từ năm lớp 8 khi xem được hành trình và cuộc sống du học của nhiều anh chị. Cô dự định sẽ hoàn thành mục tiêu vào bậc THPT hoặc chậm nhất là tốt nghiệp phổ thông. Cô gái Vĩnh Phúc từng bước thực hiện ước mơ bằng những cách đơn giản như học thêm tiếng Anh, bước ra vùng an toàn của mình thêm một chút để tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.
Nhưng có lẽ thời điểm không phù hợp với Ngọc, khi nguồn lực tài chính không đủ, kiến thức và kỹ năng chưa đủ, cô đã phải tạm gác ước mơ du học và quay sang một hướng khác phù hợp với bản thân hơn.
Nửa kỳ I lớp 12, nhận thấy điểm Toán của mình chưa tốt để có thể cạnh tranh vào các trường đại học top đầu tại Việt Nam, Ngọc đã mạnh dạn chuyển sang khối C để quyết tâm thi vào Học viện Ngoại Giao dù rất nhiều người can ngăn. Kết quả là Ngọc đã đỗ vào Học viện với số điểm là 28,75. Trong thời gian học ở trường, Ngọc vẫn tích lũy dần kinh nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội để hiện thực hóa ước mơ du học.
Trần Bích Ngọc là một trong ba thủ khoa khối C của tỉnh, lại là học sinh khối D1 và là Chủ tịch Câu lạc bộ tiếng Anh của trường, trợ giảng tại một trung tâm Anh ngữ. Tuy nhiên, sau cùng Ngọc đã lựa chọn Ba Lan - một đất nước với ngôn ngữ mới để đi du học.
"Ba Lan đến với em như một cái duyên và em quyết định nắm lấy. Ba Lan có ngôn ngữ riêng của họ tuy nhiên họ cũng có thể nói tiếng Anh đôi chút. Vả lại Ba Lan là thành viên của Liên minh châu Âu nên em cũng có thể cải thiện trình độ tiếng Anh của mình tốt hơn khi giao tiếp ở môi trường quốc tế và cả được học thêm một ngôn ngữ mới là tiếng Ba Lan", Ngọc chia sẻ.
Ngọc đã chuẩn bị hồ sơ săn học bổng ra sao?
Ngọc bắt đầu nộp hồ sơ trong tháng 3/2022. Sau đó đến giữa tháng 5 thì mới có kết quả trúng tuyển sơ tuyển từ phía Việt Nam và Ngọc tiếp tục làm hồ sơ online gửi phía Ba Lan. Đến giữa tháng 7 Ngọc nhận kết quả từ phía Ba Lan rằng sẽ thông báo chi tiết về khóa học trong thời gian tới. Tháng 9, Ngọc nhận được thư đồng ý sang học và chi tiết về khóa học.
Theo Ngọc, khi làm hồ sơ, đầu tiên các bạn sẽ phải làm hồ sơ gửi tới phía Việt Nam, dưới dạng cả trực tuyến trên trang đăng ký ứng tuyển của Cục Hợp tác quốc tế và gửi 1 bộ hồ sơ giấy đến Cục.
Những loại giấy tờ cần nộp qua bưu điện tới Cục:
1. Phiếu đăng ký dự tuyển
2. Bản cam kết thực hiện nghĩa vụ của du học sinh
3. Bản sao hợp lệ giấy CMND, thẻ CCCD hoặc hộ chiếu phổ thông
4. Sơ yếu lý lịch (Mẫu 3)
5. Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT
6. Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp THPT
7. Bản sao hợp lệ học bạ THPT
8. Bản sao hợp lệ giấy báo được tuyển thẳng hoặc giấy báo trúng tuyển có ghi điểm xét tuyển vào đại học
9. Bản sao hợp lệ bảng điểm đại học của học kỳ I năm học 2021 - 2022
10. Bản sao hợp lệ bằng khen, giấy khen, giấy tờ chứng nhận các giải thưởng quốc tế, khu vực, quốc gia,…(nếu có)
11. Bản dịch công chứng sang tiếng Việt văn bản tiếp nhận sơ bộ của cơ sở đào tạo tại Ba Lan (nếu có)
12. Giấy khám sức khỏe
13. Bản sao hợp lệ giấy khai sinh (đối với ứng viên là người dân tộc thiểu số)
14. Bản sao hợp lệ hộ khẩu thường trú (đối với ứng viên thuộc đối tượng ưu tiên vùng, miền theo quy định hiện hành)
15. Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận con liệt sĩ, thẻ thương binh của bố/mẹ đẻ (nếu có)
16. Các giấy tờ khác (nếu có).
Bên cạnh đó, khi đăng ký trực tuyến, thí sinh cần phải nộp một thư bày tỏ nguyện vọng nhận học bổng (một bài luận đúng nghĩa trình bày khả năng và những suy nghĩ của mình) và nên bổ sung đủ văn bản tiếp nhận từ trường Đại học mà bạn định học trong những năm tới.
Lời khuyên của Ngọc là hãy cố gắng viết thật nhất những suy nghĩ và thể hiện khả năng sáng tạo của mình một cách lễ phép, lịch sự, chân thành. Bên cạnh đó, hãy nộp tất cả những giấy chứng nhận những hoạt động ngoại khóa mà mình đã tham gia, điều này cũng góp phần làm cho hồ sơ của bạn trở nên sáng giá. Nếu được, hãy nhờ thầy cô giáo hoặc những người có uy tín viết cho bạn một lá thư giới thiệu. Trong thư nên được viết làm sao để thể hiện đúng con người của bạn, cả những ưu, nhược điểm chứ không nên tập trung khoe mẽ với những lời khen "giả trân".
Theo Ngọc, thư giới thiệu không bắt buộc ở phía Việt Nam nhưng cô đã cố gắng chuẩn bị thừa ra 2 thư để đính kèm trong bộ sơ như một lời nhắn: Ngoài những gì em tự nói về bản thân thì từ sự nhìn nhận của người khác, em cũng xứng đáng nhận được học bổng này.
Khi nhận được mail qua vòng sơ tuyển từ phía Việt Nam, bạn sẽ phải làm hồ sơ ứng tuyển trực tuyến với phía Ba Lan bằng tiếng Anh/tiếng Ba Lan trên web của NAWA. Đầy đủ hồ sơ NAWA sẽ xét duyệt cấp học bổng. Khi được phía Ba Lan tiếp nhận, bạn sẽ được phân về các trường đại học để học tiếng trong năm dự bị tùy vào ngành học đã làm hồ sơ. Tiếp sau đó nữa phía Cục sẽ có những thông báo chi tiết, cụ thể gửi đến bạn để làm thủ tục đi học...
Sau khi kết thúc một năm học tiếng, lấy bằng tiếng Ba Lan, bạn sẽ được các thầy cô giáo trường tiếng hướng dẫn thủ tục để nhập học chuyên ngành vào các trường Đại học theo nguyện vọng. Tuy nhiên, sinh viên được học bổng dạng Hiệp định chỉ được lựa chọn theo học ở các trường công thì mới được chi trả học bổng.
Quá trình kể ra thì nhanh gọn nhưng Ngọc cũng ròng rã rất nhiều tháng trời. Lời khuyên của Ngọc là các bạn hãy đặc biệt chỉn chu làm hồ sơ ngay từ đầu bởi tuy hợp tác song phương nhưng phía Việt Nam có sự quyết định rất lớn. Hầu như nếu được phía Việt Nam chọn lựa qua sơ tuyển thì khả năng cao bạn cũng sẽ được phía Ba Lan đồng thuận cấp học bổng.
Nói về điều tâm đắc nhất trong hành trình đã qua, Ngọc cho rằng, ưu điểm của mình là sự mạnh dạn, dám thử, dám cố gắng.
"Em nghĩ là sự quyết tâm đạt được mục tiêu, sự bạo dạn trong suy nghĩ và sự tự tin của cá nhân đã giúp em đạt được học bổng. Bên cạnh đó, sự linh hoạt của bản thân đã giúp em bù đắp những thiếu sót. Có thể không có giải quốc tế nhưng em rất thân thiện và hòa đồng, tận tình với những người bạn quốc tế của mình, giúp họ thuận lợi trong công việc và cuộc sống khi ở Việt Nam.
Có thể không có giải quốc gia nhưng em năng động hơn ở các hoạt động ngoại khóa và em khao khát muốn cố gắng để cống hiến nhiều hơn cho quốc gia. Có thể không có IELTS nhưng em vẫn có thể giao tiếp, dùng tiếng Anh phục vụ cho những tình huống thực tế trong cuộc sống học tập và giải trí của mình. Tất cả những điều đó đều được em thể hiện trực tiếp trong bài luận của mình, một cách chân thành, lịch sự", cô chia sẻ.
Hiện tại trình độ tiếng Ba Lan của Ngọc ở mức Beginer (Người mới bắt đầu). Cô nhận xét Ba Lan là một ngôn ngữ hay, ngữ pháp khá khó nhưng phát âm rất mềm mại và bay bổng. Sắp tới Ngọc sẽ học năm dự bị của mình ở University of Silesia in Katowice.
Học bổng Hiệp định là học bổng theo Thỏa thuận hợp tác và Hiệp định ký kết giữa Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ hoặc tổ chức quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang ký Hiệp định hợp tác giáo dục với nhiều nước như Hungary, Liên bang Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Lào...
Học bổng đi Ba Lan được quản lý bởi chính phủ Ba Lan qua Cơ quan trao đổi học thuật quốc tế NAWA và chính phủ Việt Nam qua Cục Hợp tác quốc tế trực thuộc Bộ GD&ĐT. Học bổng thường mở vào đầu năm, mỗi năm gồm 20 suất, có đủ cho các bậc học từ Đại học đến Tiến sĩ. Sinh viên đi theo dạng này sẽ được tài trợ khá nhiều khoản phí, chịu sự quản lý của Nhà nước qua hệ thống lưu học sinh OMS và sự quan tâm tạo điều kiện từ ĐSQ.