Tôi năm nay 45 tuổi. Vợ chồng tôi chỉ có một cô con gái. Cả hai vợ chồng tôi đều là những người đam mê công việc. Việc cân bằng giữa thời gian cho công việc và gia đình luôn là thử thách với vợ chồng tôi. Chúng tôi đều xuất thân từ gia đình khó khăn, từ khi bắt đầu lớn lên, chúng tôi đều rất nỗ lực để xây dựng được sự nghiệp như hiện tại.
Dù bận đến đâu, tôi vẫn luôn cố gắng dành thời gian cho con gái mình. Chồng tôi còn bận rộn hơn tôi, thường xuyên phải đi công tác nên chuyện lớn, nhỏ trong nhà, tôi cũng thường xuyên phải làm. Tôi thậm chí còn không có thời gian riêng để chăm sóc cho bản thân mình.
Có những ngày, tôi cảm thấy rất mệt. Một ngày dài đi làm, gặp nhiều áp lực, bận rộn công việc ở công ty, về đến nhà lại cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, làm việc nhà,...Vào những dịp bận rộn, có những buổi tối, tôi làm xong hết công việc nhà đã 10 giờ tối, cảm thấy mệt nhoài. Tôi nghĩ đến việc ngả lưng một chút, nhưng rồi lại nhớ ra rằng vẫn còn những công việc khác phải hoàn thành. Và tôi lại tiếp tục làm việc đến khuya.
Sáng hôm sau, tôi lại dậy sớm, nấu bữa sáng cho cả nhà, chuẩn bị đồ ăn mang theo cho chồng, cho con gái. Nhiều lúc tôi tự hỏi, sao mình cứ phải vất vả như vậy? Sau đó, tôi nghĩ rằng, để cho con gái điều kiện sống tốt hơn, một cuộc sống tốt hơn, mọi cố gắng, nỗ lực của vợ chồng tôi đều xứng đáng. Tôi luôn mong muốn con có thể trưởng thành trong một môi trường tốt, có đủ điều kiện, vừa được học hành nghiêm túc, vừa có thể vui chơi và phát triển những sở thích cá nhân. Tôi đã từng nghĩ mọi việc mình làm đều vì con, đều đúng, cho đến một ngày, tôi nhận ra mình đã không thật sự thấu hiểu con như mình đã nghĩ.
Một buổi sáng, khi tôi gọi con gái dậy để chuẩn bị đi học, thì con nói: “Mẹ, hôm nay con mệt, con muốn xin nghỉ, con không muốn dậy đâu”.
Thời điểm đó, đúng là thời điểm tôi bận rộn nhất, công việc cũng nhiều áp lực. Nghe con nói như vậy, tôi cảm thấy rất tức giận. Tôi thấy con kiếm cớ lười biếng, khó chịu vì con không trân trọng những gì mình đang có.
Nghe vậy, tôi liền mắng con một cách gay gắt: “Con có mỗi việc học thôi mà cũng không làm được. Mẹ hàng ngày đều phải lo rất nhiều việc, con có biết không? Sao con không thể hiểu được sự vất vả của bố mẹ? Sao con không biết thương bố mẹ chút nào vậy?”.
Con gái nghe tôi nói, liền đứng dậy, chạy vào nhà vệ sinh khóc. Suốt mấy ngày sau đó, con cũng không nói chuyện với tôi. Tôi có nói chuyện với cô giáo mới biết thời gian này, con ở trên trường thi cử nhiều môn cùng với tham gia các hoạt động nên con cũng gặp nhiều áp lực.
Mỗi lần tôi phàn nàn về việc con không thể làm được điều đơn giản như đến trường, tôi lại nghĩ về những áp lực mà tôi phải gánh vác. Tôi không hiểu rằng con cũng đang chịu đựng những áp lực của riêng mình, những lo âu và căng thẳng mà tôi chưa từng thấy rõ hay lắng nghe con.
Tối hôm đó, khi tình cờ xem bộ phim Sex Education, một câu nói trong phim đã khiến tôi bừng tỉnh. Trong phim, bà Jean Milburn, mẹ của Otis, nói với con trai: "Đó là sự cân bằng hoàn hảo, khi con lắng nghe người khác mà không đưa mình vào cuộc sống của họ".
Nghe xong câu nói đó, tôi bật khóc. Tôi quá tập trung vào những gì tôi cho là đúng, vào những khó khăn, áp lực của mình mà không chịu nhìn nhận cảm giác của con. Tôi đã không biết cách lắng nghe và điều này khiến con gái tôi cảm thấy không được lắng nghe.
Tôi hiểu rằng, lắng nghe không chỉ là việc chúng ta chú ý vào những gì con mình nói, mà còn là việc hiểu được cảm xúc của con mà không áp đặt suy nghĩ hay quan điểm cá nhân lên con. Tôi dặn lòng, cần phải thật sự lắng nghe, thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc của con để không nói những lời làm con tổn thương.
Hôm sau, tôi nhắn cho con gái một tin nhắn: “Hôm nay mẹ biết 1 quán cafe mới mở xinh lắm. Mẹ con mình đi thử nhé. Hôm nay mẹ về sớm”. Chiều đến, đúng như đã hẹn, hai mẹ con tôi cùng đi cafe. Tôi hỏi con cảm thấy như thế nào, con chia sẻ về những áp lực học hành, về những khó khăn mà con đang gặp phải.
Khi tôi lắng nghe con, tôi nhận ra rằng con không chỉ mệt vì việc học, mà còn vì những sự áp lực mà tôi tạo ra. Con gái tôi không muốn làm tôi thất vọng.
Tôi cần học cách lắng nghe và hiểu rằng, sự yêu thương không chỉ là cố gắng cho con một cuộc sống đầy đủ, mà còn là sự thấu hiểu và đồng hành cùng con.