Lâu nay, người ta vẫn hay nhắc đến GenZ như những người không quá chú trọng vào tài sản vật chất, đặc biệt là vàng. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi khi ngày càng nhiều bạn trẻ bắt đầu nhận thức được sức mạnh của việc đầu tư vào kim loại quý. Trái ngược với suy nghĩ "khum thích vàng" ngày trước, giờ đây, Gen Z đang nhìn nhận vàng như một lựa chọn không thể thiếu trong danh mục đầu tư của mình, không chỉ là cách để bảo vệ tài sản mà còn là công cụ giúp chống lại tình trạng lạm phát ngày càng gia tăng.
Ngọc Minh (28 tuổi, TP.Hà Nội) chia sẻ rằng cô luôn trích ít nhất 20-30% thu nhập mỗi tháng để mua vàng. “Dù tiền lương kiếm được không quá nhiều nhưng mình luôn duy trì một khoản cố định cho vàng. Để làm được điều này, mình đã cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, như việc đi chơi, ăn uống ngoài hàng hay mua sắm” Minh chia sẻ.
Vào năm 2022, khi giá vàng chỉ ở mức 63 triệu đồng/lượng, Minh có trong tay 200 triệu đồng nhàn rỗi và nhận lời khuyên từ mẹ: “Tiền mặt dễ mất giá, vàng mới giữ được lâu dài.” Tuy nhiên, cô lại e ngại về việc cất giữ tài sản quý giá như vàng và quyết định gửi tiết kiệm. Sau một thời gian, giá vàng bắt đầu tăng mạnh. Đến năm 2023, khi Minh cần mua vàng để làm hồi môn cho đám cưới, giá vàng đã vọt lên 88 triệu đồng mỗi lượng. “Nếu mình quyết đoán hơn từ lúc đó, giờ mình đã có một số vốn đáng kể. Rút kinh nghiệm, mình quyết định dành phần lớn tiền nhàn rỗi để đầu tư vào vàng. Mình tin giá vàng sẽ còn tăng, đặc biệt khi kinh tế còn khó khăn”, Minh nói.
Ảnh minh hoạ
Tương tự, Thanh Sơn (25 tuổi, TP.Hà Nội) cũng duy trì nguyên tắc “mua vàng trước, chi tiêu sau” sau khi nhận được tiền lương hàng tháng. Nói cách khác, anh chàng luôn giữ cho mình một khoản riêng biệt để mua vàng sau khi nhận lương.
“Mình đảm bảo rằng mỗi tháng sẽ mua vàng, vì đó là khoản đầu tư an toàn và hiệu quả với mình. Mình nghĩ không chỉ trong thời buổi kinh tế khó khăn, mà lúc kinh tế bình thường, vàng vẫn luôn là khoản đầu tư hợp lý. Mình mua vàng, sau đó bán vàng khi có lời. Tiền lời lại được dùng để mua vàng và đầu tư khác. Cũng vì cố định sẵn một khoản mua vàng và chi tiêu trong tháng nên việc cân đối tài chính với mình không quá khó khăn”, anh chàng nói.
Anh chàng nhớ lại vào cuối năm 2023, khi đã tích lũy được một cây vàng, Sơn nghĩ rằng giá vàng sẽ giảm xuống sau một thời gian và quyết định “chờ đáy”. Tuy nhiên, khi anh định mua thêm vàng vào cuối năm 2024, giá đã tăng cao, khiến anh chàng cảm thấy tiếc nuối vì đã không kiên trì thói quen mua vàng hàng tháng từ sớm.
Thanh Sơn chia sẻ, anh chàng áp dụng nguyên tắc đơn giản: Mỗi khi nhận lương, chàng trai tự động trích 25% thu nhập để dành mua vàng. Số tiền còn lại anh chàng mới dùng cho các khoản sinh hoạt. “Nếu tháng nào không mua được vàng, mình cũng không cho phép bản thân tiêu xài khoản đó vào việc khác.
Để duy trì đều đặn thói quen mua vàng, mình phải cắt giảm nhiều khoản chi phí. Mình hạn chế tối đa chuyện tụ tập ăn uống, cắt bớt mua sắm quần áo, tự nấu ăn ở nhà thay vì ăn ngoài. Không có chuyện mình tăng lương rồi mới nghĩ đến tiết kiệm”, anh chàng chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Tương tự, Ngọc Minh cho hay: "Mỗi tháng mình để riêng ra một khoản tiền mua vàng, coi như chi phí bắt buộc giống như tiền nhà, tiền điện. Đã trích ra rồi thì tuyệt đối không đụng vào. Chỉ tiêu trong phạm vi còn lại." Minh cho rằng, muốn mua vàng đều đặn, quan trọng nhất là tách khoản tiết kiệm ra ngay từ đầu, không để tiền rơi vào những chi tiêu không cần thiết. Cô bạn cũng cắt bớt các khoản chi nhỏ như mua trà sữa, ăn ngoài, shopping theo sở thích. “Việc mua vàng hàng tháng tạo cho mình cẩm giác an tâm hơn là tiêu hết tiền vào những thứ không để lại giá trị lâu dài”, cô bạn nói.