Không để bạo lực học đường trở thành vòng luẩn quẩn

Minh Phong, Theo Giáo dục và Thời đại 17:42 04/09/2022

Bạo hành, bạo lực có thể tạo ra vòng luẩn quẩn: bạo lực nối tiếp bạo lực ở các thế hệ sau.

Không để bạo lực học đường trở thành vòng luẩn quẩn - Ảnh 1.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh

Phòng chống bạo lực thông qua "ba chữ lý"

Theo TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), trừng phạt, bạo hành có thể gây hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần, tạo sự thay đổi không bền vững (sự thay đổi giả tạo) về nhận thức, thái độ và hành vi. Bạo hành, bạo lực có thể tạo ra vòng luẩn quẩn: bạo lực nối tiếp bạo lực ở các thế hệ sau.

Về nguyên lý giáo dục, trừng phạt, bạo hành sẽ không mang lại giá trị tích cực, thậm chí để lại hậu quả tiêu cực. Một đứa trẻ sẽ chỉ phát triển bình thường nếu cảm nhận được sự tôn trọng, tình yêu thương và được tự do trong môi trường giáo dục của mình.

Vì thế, an toàn với học sinh luôn cần có sự song hành cả 2 mặt: thể lý và tâm lý. Với an toàn thể lý thì cơ sở vật chất trường học giữ vai trò rất quan trọng, cần tránh tối đa tai nạn thương tích cho học sinh. Còn an toàn tâm lý, quan trọng nhất là mối quan hệ giữa thầy - trò.

Mối quan hệ này cần được xây dựng và vận hành trên cơ sở tình yêu thương, tôn trọng và trách nhiệm cao của cả thầy và trò. “Ở đây, vai trò người thầy rất quan trọng. Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác, song mối quan hệ thầy trò mang tính quyết định cho việc an toàn tâm lý và hạnh phúc của học sinh khi đến trường”, TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.

Không để bạo lực học đường trở thành vòng luẩn quẩn - Ảnh 2.

Các trường phải ngăn xô xát trở thành bạo lực học đường thông qua ba chữ lý. (Ảnh minh họa)

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nhìn nhận: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, vì thế để chấm dứt hoàn toàn xô xát trong trường học là không thể. Tuy nhiên, các trường phải ngăn xô xát đó trở thành bạo lực học đường thông qua ba chữ lý.

Thứ nhất là tâm lý. Theo Ban giám hiệu và giáo viên phải quan tâm và nắm được tâm lý lứa tuổi học sinh. Ngoài làm chuyên môn, thầy cô cần trở thành nhà tâm lý để tổ chức những hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng mềm, giúp học sinh thích ứng với sự biến động của xã hội và thay đổi của chính các em.

TS Nguyễn Tùng Lâm viện dẫn, tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, khi học sinh đánh nhau, các em được yêu cầu viết một bài suy ngẫm gồm một số câu hỏi: Tại sao lại để việc này xảy ra? Đánh nhau có hậu quả gì cho bản thân em, bạn bè, thầy cô, nhà trường và gia đình?

Trước khi xử phạt, giáo viên cần cho học sinh nhận thức vừa làm gì và việc đó có tác động thế nào đến mọi người và chính em. Khi quan tâm và nắm được tâm lý học sinh, giáo viên và nhà trường cũng sẽ biết được hoàn cảnh của các em để kịp thời giúp đỡ”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Thứ hai là quản lý. Để giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục tâm lý của mình, ban giám hiệu cần làm tốt công tác quản lý, tạo điều kiện và phân công các bộ phận để cùng hỗ trợ thầy cô. Khuyến khích các lớp sử dụng tiết sinh hoạt để tổ chức hoạt động tương tác, trò chuyện thay vì trách mắng học sinh vi phạm nội quy, làm lớp bị trừ điểm thi đua. Việc tổ chức cho các em nhiều hoạt động vui chơi, giải tỏa năng lượng cũng là cách tích cực để ngăn bạo lực học đường.

Thứ ba là pháp lý. Để ngăn chặn bạo lực học đường, các trường cần xây dựng nội quy chặt chẽ, phù hợp. Khi học sinh vi phạm, nhà trường chiếu theo nội quy để xử lý, tránh để các em cảm thấy không phục hoặc vô lý. Các hình phạt giúp học sinh nhận thức hậu quả và học cách chịu trách nhiệm cho việc làm của mình.

Tuy nhiên, việc này phải làm khéo, mỗi học sinh cần có cách giáo dục khác nhau."Để cân bằng giữa lý và tình là cả nghệ thuật sư phạm. Việc này khó nhưng cần có một hành lang pháp lý để xử phạt", TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện

Ông Lê Tuấn Tứ, đại biểu Quốc hội khoá XIV, ghi nhận, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức và phòng chống bạo lực học đường.

Theo đánh giá, việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường là chủ trương được các cơ sở giáo dục và xã hội đồng tình, ủng hộ.

Do đó, việc triển khai thực hiện được nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền và đoàn thể hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo nên sự chuyển biến tốt trong thời gian vừa qua. Bằng nhiều biện pháp kết hợp đồng bộ, số vụ bạo lực học đường được ghi nhận qua từng năm học có chiều hướng giảm.

Ở mỗi cơ sở giáo dục, công tác phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em được lồng ghép với việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, nhất là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giải quyết mâu thuẫn. Từ đó, tạo ra sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng trong và ngoài nhà trường tạo nên hiệu quả thực sự của các hoạt động phòng chống bạo lực học đường.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị về phòng, chống bạo lực học đường và lao động trẻ em thông qua trường học cho thấy, trong thời gian qua, công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em, học sinh luôn được Đảng, Nhà nước chỉ đạo sát sao. Bộ luôn coi công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính trị, cốt lõi của Ngành.

Không để bạo lực học đường trở thành vòng luẩn quẩn - Ảnh 3.

Gia đình, nhà trường và xã hội cần quyết liệt, chung tay phòng chống bạo lực học đường. Ảnh minh họa

Hàng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để loại bỏ những văn bản hết hiệu lực, bổ sung, thay thế các văn bản cần sửa đổi và xây dựng mới những văn bản đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhằm tạo hệ thống văn bản đầy đủ, phù hợp với thực tế.

Sửa đổi bổ sung hệ thống chính sách đối với người học là trẻ em. Từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập.

Để phòng, chống bạo lực học đường, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các chỉ thị, kế hoạch hành động về phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020 - 2025.

Chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và gia đình học sinh về phòng, chống bạo lực học đường.

Cùng với đó, cần tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội thông qua các hình thức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, nêu gương tốt, đề cao sự gương mẫu của người thầy.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần xây dựng và củng cố, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của các phòng tư vấn tâm lý. Đối với vấn đề phòng ngừa lao động trẻ em, cần phải xây dựng cơ chế phối hợp các lực lượng trong trường để kịp thời phát hiện trẻ em, học sinh phổ thông có nguy cơ cao trở thành lao động trẻ em và có quy trình phối hợp phòng ngừa. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc đưa trẻ đến trường, hạn chế tối đa việc trẻ phải bỏ học do khó khăn về học tập, kinh tế.

Đại diện của Tổ chức UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh, ngành giáo dục có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các quyền về chăm sóc và bảo vệ trẻ em thông qua việc giáo dục trẻ em biết tôn trọng người khác; xây dựng kỹ năng cho trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân. Cùng với đó, nhà trường cũng là nơi có thể phát hiện và đảm bảo ứng phó kịp thời và phù hợp khi trẻ có nguy cơ hoặc bị xâm hại, bạo lực, bị bỏ rơi, bỏ mặc, bóc lột sức lao động, kỳ thị và bị bắt nạt.