Cúng gà đêm giao thừa là một trong những phong tục lâu đời của các gia đình Việt, mang đậm ý nghĩa tâm linh và văn hóa. Tùy vùng miền lại có cách sắp lễ cúng khác nhau, nhưng thông thường mâm cúng đêm giao thừa sẽ có đĩa xôi và một con gà luộc để dâng lên tổ tiên.
Sở dĩ gà được chọn làm vật phẩm hiến dâng vì loài vật này được coi là biểu tượng của sự đầy đủ, no ấm, có ý nghĩa xua đuổi điều xấu và đón chào những điều tốt lành. Cùng với mâm cúng tươm tất, việc cúng gà còn thể hiện sự thành kính và lòng biết ơn đối với bề trên, đồng thời cầu chúc cho gia đình một năm mới bình an, phát tài.
Tuy nhiên, Tết năm nay, tức năm Ất Tỵ 2025, nhiều nhà cho rằng cần kiêng cúng gà vì sợ phạm phải điềm xấu theo quan niệm dân gian: cõng rắn cắn gà nhà.
Thành ngữ "cõng rắn cắn gà nhà" được hiểu là đang đưa đón, lôi kéo những kẻ xấu, những người ác ý vào hãm hại gia đình, mang đến điềm báo không may mắn cho nhà cửa, công việc.
Mặc dù rắn và gà trong câu thành ngữ chỉ là hình ảnh so sánh, nhưng trong năm Ất Tỵ, rắn là linh vật của năm, còn gà lại là vật phẩm truyền thống trong mâm cúng giao thừa. Chính vì vậy, nhiều người lo ngại sự kết hợp này sẽ tạo ra sự đối lập, vô tình dẫn đến điềm xui xẻo, ảnh hưởng không tốt đến tài vận của gia đình trong năm mới.
Một số khác cho rằng cúng gà trong đêm giao thừa năm Ất Tỵ thì những lời mong cầu khi khấn nguyện sẽ khó linh nghiệm, vì "rắn sẽ cắn gà".
Trên thực tế, việc có cúng gà trong năm Ất Tỵ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quan niệm và tín ngưỡng của từng gia đình. Bởi không bắt buộc mâm cúng đêm giao thừa phải có sự xuất hiện của gà.
Trong dịp Tết Nguyên Đán, vẫn có rất nhiều gia đình lựa chọn mâm cúng chay hoặc chỉ bày biện hoa quả, thay vì những món mặn như gà, heo quay hay xôi gấc.
Tựu chung lại, mỗi gia đình sẽ có những cách thức và quan niệm riêng trong việc bày biện mâm cúng. Điều quan trọng nhất vẫn là lòng thành kính và sự thành tâm trong các nghi thức cúng bái, giúp gia đình đón Tết an lành và gặp nhiều may mắn.
* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm
Tổng hợp