Không cần nam giới, giờ đây phụ nữ Ả Rập có thể thoải mái lái ô tô đến bất cứ nơi nào họ muốn

Quế Hằng Spiderum, Theo Thời Đại 18:00 27/09/2017
Chia sẻ

Ả Rập Saudi chính thức ban hành quyết định cho phép phụ nữ tự lái xe khi tham gia giao thông, chấm dứt một lệnh cấm lâu dài vốn đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về sự đàn áp quyền lợi của phụ nữ ngay trong thế kỉ 21.

Quyết định quan trọng này được công bố trong một nghị định hoàng gia được phát trực tiếp trên truyền hình nhà nước và sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 6 năm 2018. Trong bài phát biểu tuyên bố quyết định, những thiệt hại mà lệnh cấm phụ nữ lái xe gây ra trong lịch sử đã được nhấn mạnh cụ thể. Không chỉ tác động đến kinh tế, nguyên liệu… lệnh cấm phụ nữ lái xe cũng có những tầm ảnh hưởng nhất định đến danh tiếng quốc tế của vương quốc cũng như những hoạt động ngoại giao quan hệ công chúng.

Chị Fawziah al-Bakr, giáo sư Đại học Quốc gia Ả Rập Saudi, người nằm trong số 47 phụ nữ tham gia cuộc biểu tình chống lại lệnh cấm đầu tiên của vương quốc từ năm 1990 đã bày tỏ cảm xúc ngạc nhiên xen lẫn vui mừng khi quyết định chính thức được ban hành. Vào năm 1990, rất nhiều phụ nữ đã bị bắt khi đang lái xe trên đường phố của thủ đô Riyadh và phải chịu những phí phạt cũng như mất đi việc làm. Kể từ ngày đó, "phụ nữ Ả Rập Saudi chúng tôi đã yêu cầu và khao khát quyền được tự lái xe, cuối cùng thì ngày này cũng đến, chúng tôi đã chờ đợi quá lâu".

Không cần nam giới, giờ đây phụ nữ Ả Rập có thể thoải mái lái ô tô đến bất cứ nơi nào họ muốn - Ảnh 1.

Những người phụ nữ Ả Rập Saudi chia sẻ niềm vui khi quyết định chính thức được ban hành: "Ngày hôm nay, lệnh cấm phụ nữ lái xe duy nhất trên thế giới đã được gỡ bỏ!!".

Ả Rập Saudi được coi là trái tim của Hồi giáo. Nước này theo chế độ quân chủ tuyệt đối và được cai trị theo luật Shariah. Trong nhiều năm ban hành lệnh cấm phụ nữ lái xe, các quan chức và giáo sĩ Saudi đã đưa ra nhiều lý giải cho đạo luật hà khắc này. Nhà nước tuyên bố rằng, việc để phụ nữ lái xe là không phù hợp với nền văn hoá Ả Rập. Rằng các cánh đàn ông sẽ dễ "sa ngã" khi họ ngồi trên xe được điều khiển bởi phụ nữ. Những người khác lập luận rằng việc cho phép phụ nữ lái xe sẽ dẫn đến sự lộn xộn và sụp đổ trong chính gia đình của mỗi người. Thậm chí, một lý do rất "trời ơi đất hỡi", hoàn toàn vô căn cứ rằng, phụ nữ lái xe sẽ có nguy cơ bị… hư hại buồng trứng cũng được lôi ra để biện minh cho lệnh cấm này.

Các nhóm quyền và nhiều nhà hoạt động Ả Rập Saudi từ lâu đã vận động nhiều hoạt động nhằm chống đối và xin bác bỏ lệnh cấm. Kết quả là một số không nhỏ phụ nữ đã bị bắt và bị kết án với tội danh lái xe và thách thức lệnh cấm.

Không cần nam giới, giờ đây phụ nữ Ả Rập có thể thoải mái lái ô tô đến bất cứ nơi nào họ muốn - Ảnh 2.

Kể từ tháng 6 năm 2018, hình ảnh người phụ nữ Ả Rập Saudi ngồi sau vô lăng sẽ không còn xa lạ với người dân quốc gia Hồi giáo này nữa.

Lệnh cấm này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Ả Rập Saudi, ngay cả với một trong số các quốc gia đồng minh thân cận nhất như Hoa Kỳ. Mặc dù chưa chính thức đi vào hoạt động, quyết định đã nhận được những lời khen ngợi, ủng hộ từ quan chức Mỹ tại Washington. Heather Nauert, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, gọi đây là "bước đi đúng hướng của đất nước".

Phía sau quyết định này là sự thúc ép tạo động lực đến từ thái tử Mohammed bin Salman, con trai 32 tuổi của nhà vua, người đã đưa ra một kế hoạch sâu rộng để cải tổ nền kinh tế và xã hội của vương quốc.

Việc chấm dứt lệnh cấm lái xe cho phụ nữ dự kiến ​​sẽ đối mặt với một số cuộc phản kháng đến từ nội bộ vương quốc, hầu hết các lý do phản kháng đều xoay quanh việc "đảm bảo an toàn cho phụ nữ thông qua luật giám hộ".

Không cần nam giới, giờ đây phụ nữ Ả Rập có thể thoải mái lái ô tô đến bất cứ nơi nào họ muốn - Ảnh 3.

Những hashtag chia sẻ niềm vui được tự do làm chủ tay lái mà không cần dựa dẫm vào "luật giám hộ" được nhiều phụ nữ Ả Rập Saudi sử dụng để ăn mừng quyết định mang tính lịch sử này.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo tại đại sứ quán Ả Rập Saudi ở Washington, Hoàng tử Khalid bin Salman, đại sứ Ả Rập Saudi đã khẳng định rằng, phụ nữ có quyền được cấp bằng lái xe mà không cần xin phép của chồng, cha hoặc bất cứ người giám hộ nào - bất chấp thứ được gọi là "luật lệ giám hộ" do người đàn ông lớn trong nhà nắm giữ.

Trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ đã dựa vào các ứng dụng chia sẻ xe như Uber và Careem để có được "quyền tự do đi lại", mặc dù chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, an ủi. 

Bên cạnh việc cải thiện hình ảnh đất nước, quyết định cho phép phụ nữ lái xe thật sự có thể giúp cải thiện nền kinh tế Ả Rập Saudi. Hiện nay việc giá dầu giảm đã dẫn đến những hạn chế trong số lượng việc làm nhà nước vốn được nhiều người Ả Rập Saudi nhắm đến. Nền kinh tế đang cần thêm nhiều hơn nữa những việc làm tư nhân để có thể giải quyết nhu cầu việc làm và cân bằng nền kinh tế. Song, một số phụ nữ Ả Rập Saudi họ phải dành một khoản tiền không nhỏ cho việc thuê các lái xe nam giới để đi làm, chính điều này đã ảnh hưởng đến thu nhập và làm giảm động lực làm việc của họ. Các nhà lãnh đạo Ả Rập Saudi hi vọng rằng, chính sách mới này sẽ giúp cắt giảm những khoản tiền vô ích này, nhấn mạnh hơn vào vai trò của người phụ nữ trong nền kinh tế đất nước.

Nhiều chuyên gia về giới và những người trẻ tuổi sẽ hoan nghênh sự thay đổi này, xem nó như là một bước để làm cho cuộc sống ở đất nước này công bằng và bình đẳng giống như bao quốc gia khác. Các chuyên gia dự đoán rằng, một khi quyết định chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2018, Ả Rập Saudi sẽ mau chóng chuyển mình theo hướng công bằng hơn về giới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày