Mảng tối tại đất nước giàu có Ả Rập: Số phận nghiệt ngã của những đứa trẻ nô lệ, bị bắt làm người đua lạc đà

Skye, Theo Thời Đại 11:33 14/09/2017

Không chỉ những lao động nước ngoài phải làm việc vất vả, hàng trăm trẻ em cũng bị buôn bán tới Ả Rập để làm người đua lạc đà cho giới thượng lưu xem.

Mỗi năm, có hàng nghìn trẻ em được buôn bán tới Trung Đông và bị ép làm công việc người đua lạc đà. Phần lớn các em đều đến từ các nước Hồi giáo nghèo như Pakistan, Bangladesh hay các quốc gia trong khu vực Nam Á. Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, những bé trai này bị đối xử như những nô lệ: bị đánh đập đến tàn tật, bỏ đói trước khi bị đào thải.

Thông thường, người ta chỉ chọn trẻ con làm người đua lạc đà vì thân hình nhỏ và nhẹ. Đây cũng chính là các "vận động viên" xuất sắc nhất cho mỗi giải đấu. Chính vì vậy, khi những thành viên ban tổ chức tới Pakistan để tìm các tay đua chuyên nghiệp, họ sẽ nhắm vào những em nhỏ tuổi nhất.

Mảng tối tại đất nước giàu có Ả Rập: Số phận nghiệt ngã của những đứa trẻ nô lệ, bị bắt làm người đua lạc đà - Ảnh 1.

Đua lạc đà là một trong những trò chơi phổ biến tại Trung Quốc với người cưỡi lạc đà chủ yếu là trẻ em.

Những nhà hoạt động vì trẻ em tiết lộ rằng, đám buôn người còn bắt cả các em nhỏ mới chỉ khoảng 2 tuổi rưỡi đến Ả Rập. Theo báo cáo của UNICEF, năm 2005 có tới 3,000 trẻ em được phát hiện tại các trang trại nuôi lạc đà với khoảng 2,800 em là dưới 10 tuổi. Hiện tại, ước tính có khoảng gần 40,000 trẻ em trong các giải đua lạc đà tại Oman, Kuwait, Qatar và Ả Rập. 

Trại đua lạc đà - nhà tù của các nô lệ thời hiện đại

Ansar Burney điều hành một tổ chức về nhân quyền tại Pakistan. Anh có làm việc với những đứa trẻ từng làm công việc đua lạc đà tại vùng vịnh. Ansar chia sẻ rằng trong một vài trường hợp, những kẻ bắt cóc ngang nhiên bắt lũ trẻ ngay trên đường rồi đưa tới khu vực Trung Đông. Hoặc không, một vài gã ăn mặc bảnh bao sẽ tìm đến các gia đình nghèo, cho họ tiền và dẫn lũ trẻ đi.

"Họ sẽ giới thiệu rằng mình là người giàu và muốn tài trợ cho lũ trẻ", Ansar cho biết. "Họ sẽ cho lũ trẻ được đi học và tương lai tốt đẹp". Nhưng "giáo dục tốt" đồng nghĩa với công việc đua lạc đà. 

Mảng tối tại đất nước giàu có Ả Rập: Số phận nghiệt ngã của những đứa trẻ nô lệ, bị bắt làm người đua lạc đà - Ảnh 2.

Đa phần lũ trẻ đều xuất thân từ các gia đình nghèo tại Nam Á.

Lũ trẻ phải ngủ trong những lều lán chật hẹp và dậy lúc bình minh để bắt đầu tập luyện. Để giữ không bị trượt ngã xuống khỏi lạc đà, chân của các em sẽ bị buộc chặt vào yên. Mỗi con lạc đà sẽ có cân nặng khoảng 400kg, hơn gấp 10 lần đám trẻ trên lưng chúng. Khi lạc đà chạy nhanh với vận tốc 40km/h, việc chấn thương và tai nạn là điều thường xảy ra.

"Đôi khi, các em bị ngã xuống đất và những con lạc đà sẽ chạy qua người lũ trẻ", Ansar nói. "Bạn sẽ thấy cứ khoảng vài giây là lại có một cậu bé bị gãy tay hay gãy chân".

Những đứa trẻ đôi khi phải chịu thương tật suốt đời. Việc ngồi liên tục và xóc trên lưng lạc đà khiến lũ trẻ bị tổn thương thận và đôi khi dẫn đến bệnh liệt dương. Các vấn nạn như xâm hại tình dục, tra tấn bằng dây điện cũng được nhiều báo cáo ghi nhận tại các trại đua lạc đà và nạn nhân không ai khác chính là các em nhỏ.

Mảng tối tại đất nước giàu có Ả Rập: Số phận nghiệt ngã của những đứa trẻ nô lệ, bị bắt làm người đua lạc đà - Ảnh 3.

Lũ trẻ phải sống như những nô lệ thời hiện đại tại các trại nuôi lạc đà.

Để giữ cân nặng của các vận động viên cưỡi lạc đà không quá cao, lũ trẻ thường bị bỏ đói trước các giải đấu lớn. Theo Liên Hiệp Quốc, những em bị coi là quá cân cho các cuộc đua lạc đà sẽ bị vứt ra ngoài xã hội hoặc bắt đi làm công nhân cực khổ. 

Sự chung tay của chính phủ và các tổ chức thế giới

Katherine Turner, một người làm việc tại London với tổ chức chống lại nạn nô lệ quốc tế cho biết các bé trai thoát khỏi những trại đua lạc đà miêu tả nơi đấy như một nhà tù.

"Các em nói về việc thường xuyên bị đánh nếu không thắng giải. Lũ trẻ kể nhiều về việc không có cái ăn, không có thời gian nghỉ ngơi", Katherine kể lại. Nhiều em còn chưa bao giờ biết đến tiền lương là gì, hoặc chỉ được trả ít hơn số tiền các tay buôn hứa với cha mẹ các em.

Hàng năm, nhiều tổ chức quốc tế cũng ra sức ép nên chính phủ các nước Trung Đông nhằm chấm dứt việc sử dụng trẻ em trong các cuộc đua lạc đà. Thực tế, nhiều quốc gia vùng vịnh có luật liên quan đến việc này. Thông thường, trẻ em dưới 15 tuổi sẽ không được tham gia đua lạc đà. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực, người ta vẫn ngó lơ điều luật được chính phủ đưa ra.

Mảng tối tại đất nước giàu có Ả Rập: Số phận nghiệt ngã của những đứa trẻ nô lệ, bị bắt làm người đua lạc đà - Ảnh 4.

Có em mới chỉ 3,4 tuổi đã bị bắt tới các nước Trung Đông.

"Đây là môn thể thao được nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu yêu thích. Chính vì vậy, việc thi hành luật cũng rất khó khăn", chị Katherine cho biết.

Tuy nhiên, trong vài năm nay, tình hình đã được cải thiện rõ rệt khi các tiểu vương quốc Ả Rập từng ký hiệp ước với Liên Hiệp Quốc về việc tăng cường phòng chống nạn buôn bán trẻ em. Các chương trình rà soát trang trại lạc đà cũng được tiến hành thường xuyên, bên cạnh việc thành lập trung tâm đào tạo cho các trẻ em từng làm công việc đua lạc đà. Các bác sĩ và nhân viên xã hội cũng sẽ giúp đỡ để lũ trẻ nhanh chóng ổn định sức khỏe và trở về với gia đình. 

Dù sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm để có thể chấm dứt tình trạng sử dụng trẻ em trong các cuộc đua lạc đà, nhưng những nỗ lực của chính phủ các nước trong khu vực Trung Đông cũng phần nào đẩy lùi vấn nạn buôn người và nô lệ thời hiện đại này.

Mảng tối tại đất nước giàu có Ả Rập: Số phận nghiệt ngã của những đứa trẻ nô lệ, bị bắt làm người đua lạc đà - Ảnh 5.

Nhiều em còn chưa bao giờ biết đến tiền lương là gì, hoặc chỉ được trả ít hơn số tiền các tay buôn hứa với cha mẹ các em.