Có những người sinh ra đã sống trong nhung lụa, sau đó lại được thừa hưởng một khoản thừa kế kếch xù. Những tưởng họ sẽ sống sung sướng suốt cuộc đời còn lại, nhưng sự thật không phải vậy.
Theo thống kê, phần lớn những gia đình "danh gia vọng tộc" trong lịch sử đều phá sản ở đời thứ 2, và việc duy trì được tới đời thứ 3 là điều gần như không thể.
Do đâu mà việc phá sản ở đời con cháu lại trở thành một điều khó tránh khỏi như vậy?
Thực tế đáng buồn trong giới nhà giàu
Stephen Lovell, nhà tư vấn tài chính tại Walnut Creek, California, thường đến nhà ông bà chơi khi còn bé. Theo trí nhớ của anh, mọi thứ cứ sống động như trong thế giới của đại gia Gatsby vậy: mọi người mặc tuxedo và uống cocktail trong những buổi tiệc tùng liên miên.
Họ sở hữu máy bay, du thuyền như những sở thích hết sức bình thường. Đấy là chưa kể đến những biệt thự ở Ontario, Canada và ngôi nhà nghỉ hè ở Southampton (thị trấn tại New York, Mỹ).
Ông của anh, người sáng lập công ty thời trang John Forsyth Shirt Co., sở hữu khối tài sản lên đến 70 triệu USD tính ở thời điểm hiện tại. Nhưng sau khi trải qua một chuỗi những quyết định tồi tệ, thiếu vận may, và nghiện ngập rượu, thế hệ tiếp theo không còn giữ được gia tài đó nữa.
"Tôi cứ nghĩ về nó suốt" – Stephen cho hay.
Đời có lúc lên lúc xuống
Không chỉ riêng Stephen Lovell mà dường như đây đã trở thành một "xu hướng" của giới nhà giàu. Trên thực tế, có tới 70% gia đình giàu có không giữ được gia tài qua đời thứ hai, và 90% không duy trì được đến đời thứ ba, theo tổ chức tư vấn tài sản Williams Group.
Nguyên nhân do đâu?
Tổ chức U.S. Trust gần đây đã khảo sát những cá nhân sở hữu hơn 3 triệu USD về việc họ đã chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo như thế nào để quản lý khối tài sản đó.
"Những con số cho thấy rằng, 78% cảm thấy thế hệ tiếp theo không đủ trách nhiệm tài chính để thừa kế tài sản" – Theo Chris Heilmann, trưởng nhóm nhận ủy thác của U.S. Trust – "Và 64% thừa nhận rằng họ tiết lộ ít hoặc giấu con cái về tài sản của mình."
Con cái của những gia đình giàu có thường ít được cha mẹ tiết lộ về tài sản của mình
Danh sách điều tra liệt kê ra nhiều lý do khác nhau dẫn tới tình trạng này: người giàu được "tôi luyện" rằng không nên nói quá nhiều về tiền bạc, họ lo lắng rằng con cái mình sẽ trở nên lười biếng và quá phụ thuộc vào tài sản thừa kế, hoặc đôi khi do họ sợ thông tin sẽ bị lan truyền ra ngoài.
Khi nói về nguyên nhân nào mà tài sản thường không cánh mà bay, các chuyên gia tài chính giải thích rằng: thế hệ sau đơn giản là không biết số tiền mình nắm giữ có giá trị lớn đến mức nào, và không biết nên phải làm gì với nó.
Một số người thì không đủ thông minh, nếu không muốn nói là... quá kém cỏi. Số khác thì đổ tiền vào mua những thứ xa xỉ ngay khi vừa nhận được thừa kế.
Hoặc do họ tiêu xài quá hoang phí
Giải pháp nào dành cho họ?
Theo các chuyên gia kinh tế, việc đầu tiên và cấp thiết nhất là chuẩn bị... tinh thần cho thế hệ sau của họ. Đồng ý rằng ta nên để trẻ tự phấn đấu và không phụ thuộc vào tiền của cha mẹ, nhưng đó chỉ là một cách để cổ vũ sự ngây ngô. Hãy dạy trẻ về tài chính. Nhiều Học viện tài chính đều có những khóa học giúp người thừa kế duy trì được tài sản của mình.
Về vấn đề di chúc cũng phải thực sự nghiêm túc. "Cha mẹ và ông bà nên giao tiếp với nhau về "cái gì" và "tại sao" trong di chúc cùng với tất cả con cháu" – theo David Mullins, một người lập kế hoạch ở Richlands, Virginia.
Bằng cách này, những thế hệ tiếp theo có thể sẵn sàng đối mặt với bất kì vấn đề nào của gia đình trong thời gian sớm nhất. Điều này tốt hơn là chuyện phát sinh khi người đứng đầu gia đình không có ở đó để giải thích, và con cháu lao vào tranh giành tài sản.
Ngoài ra, một thống kê cho thấy gần ¼ số lượng phụ huynh nghĩ rằng con cái mình không thể giữ nổi số tài sản giàu có đến năm 40 tuổi. Trong khi gần ½ số người giàu có đồng ý điều này.
Do đó U.S. Trust đưa ra lời khuyên rằng, những người giàu có nên đưa ra một hướng dẫn tài chính dưới dạng "nhiệm vụ" gia đình. Trong đó, họ nên nói rõ những gì mình muốn trong việc tiêu xài, tiết kiệm, bên cạnh đó "truyền" kinh nghiệm làm giàu cho con cháu.
Stephen Lovell ước rằng mẹ mình được thừa hưởng một loại "bản đồ" như thế.
"Làm thế nào mà mẹ tôi làm chúng tan biến đi hết được chứ" – anh nói – "Và giờ chúng tôi hàng ngày day dứt sống trong sự tiếc nuối khôn cùng."