Người giàu có thể có điều kiện vật chất tốt hơn, nhưng xét về độ hào phóng thì chưa chắc đã bằng được người nghèo. Đó là những gì các nhà tâm lý học Mỹ kết luận, sau khi thực hiện một thử nghiệm trên một số trẻ em.
Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH California đã làm một thí nghiệm về "chủ nghĩa vị tha" (altruism) trên 74 đứa trẻ 4 tuổi. Trong đó, những đứa trẻ tham gia một số trò chơi để nhận được các đồng xu, sau đó dùng chúng để đổi quà.
Nhưng sau khi chơi, các em sẽ được yêu cầu quyên góp các đồng xu này cho một số bạn khác bị ốm. Các em có thể quyên góp một phần, hoặc tất cả số đồng xu cho bạn. Việc quyên góp của mỗi bé sẽ được giữ bí mật, hay ít nhất là các em nghĩ vậy, để tránh trường hợp ngoại cảnh tác động đến quyết định của bé.
Kết quả thì sao? Những đứa trẻ đến từ gia đình không mấy giàu có hóa ra lại quyên góp nhiều nhất, và dường như giàu lòng nhân ái hơn các bé "nhung lụa".
Bên cạnh đó, chuyên gia còn tiến hành gắn các điện cực để đo nhịp tim và dây thần kinh phế vị (vagus). Qua đó, họ nhận thấy những bé hào phóng nhất có thể kiểm soát được mức độ stress qua dây thần kinh này.
Dây thần kinh phế vị là dây thực vật phó giao cảm lớn nhất của cơ thể, chi phối vận động, cảm giác hầu hết các phủ tạng ở ngực và ổ bụng. Kiểm soát được nó đồng nghĩa với việc sức khỏe thể chất và tinh thần của các bé khi lớn lên cũng tốt hơn bình thường. Ngoài ra, họ cũng là những người bình tĩnh hơn, nắm vững nhiều kỹ năng xã hội hơn.
Theo Jonas Miller - chủ nhiệm nghiên cứu: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc rèn luyện được thiên hướng vị tha đóng vai trò quan trọng giúp trẻ có sức khỏe tốt trong tương lai".
"Cũng có thể những bậc phụ huynh giàu có nhưng tính cách... hà tiện sẽ vô tình truyền xuống thế hệ sau, làm giảm đi khả năng giao tiếp và độ nhạy cảm xã hội của trẻ."
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychological Science.