"Cuộc sống mà, đâu nói trước được điều gì."
Từng ngành nghề một – từ công nghệ, sản xuất đến bán lẻ – đồng loạt thông báo "tái cấu trúc", "tinh gọn bộ máy". Và rồi, hàng loạt con người – những người vừa hôm qua vẫn bận rộn với email, họp hành và KPI, bỗng một ngày rơi vào trạng thái trắng tay. Không ai cảnh báo trước. Và cũng chẳng ai từng nghĩ, người bị gọi tên lại là mình.
Chúng ta vẫn thường tự nhủ: "Cuộc sống mà, đâu nói trước được điều gì." Nhưng đến lúc biến cố ập xuống, mới hiểu: câu nói ấy không còn là triết lý suông mà là một thực tại đập thẳng vào cơm áo gạo tiền.
Khi mất việc, thứ bạn đối mặt không chỉ là cú sốc tinh thần. Mà là hàng loạt câu hỏi dồn dập như: Tiền đâu để mua thức ăn? Tuần tới đóng tiền nhà bằng cách nào? Tiền học của con ra sao? Hóa đơn điện nước thì ai thanh toán?
Nếu bạn độc thân, gánh nặng là chi tiêu cá nhân. Nếu bạn có gia đình, nó trở thành áp lực tài chính cho cả một hệ sinh thái nhỏ mà bạn là trụ cột. Tồi tệ hơn, giữa cơn bão sa thải diện rộng, việc xoay xở tìm một công việc mới ngay lập tức gần như là bất khả khi quay sang trái, sang phải, ai cũng đang trong tình cảnh giống bạn.
Và chính trong những giây phút tưởng chừng kiệt quệ ấy, bạn mới nhận ra: Giá như mình có một khoản quỹ dự phòng. Chỉ cần vài chục triệu đồng đủ để sống sót qua 2–3 tháng, để suy nghĩ rõ ràng, để đứng dậy mà không phải hoảng loạn.
Thế nên, quỹ dự phòng không phải để phòng xa. Nó là thứ bạn ước mình đã có, vào đúng khoảnh khắc mà xung quanh dường như bắt đầu trở nên bất định.
Quỹ dự phòng là bạn ước mình đã có, vào đúng khoảnh khắc mà xung quanh dường như bắt đầu trở nên bất định.
Quỹ dự phòng là gì, và vì sao bạn cần nó hơn cả một lời an ủi lúc thất nghiệp?
Quỹ dự phòng, nói đơn giản là khoản tiền bạn dành riêng cho những ngày "trở trời" trong cuộc đời. Nó không phải để tiêu xài, không để đầu tư, cũng không để "tranh thủ rút tạm rồi bù lại sau". Nó tồn tại như một chiếc phao cứu sinh để bạn không bị nhấn chìm khi dòng đời bất ngờ quật ngã.
Về mặt tài chính, quỹ dự phòng được tính theo công thức đơn giản: Chi phí thiết yếu mỗi tháng x 3 đến 6 tháng.
Ví dụ, nếu bạn cần 12 triệu đồng/tháng để trang trải các khoản cơ bản như ăn uống, thuê nhà, điện nước, di chuyển…, thì: Quỹ dự phòng 3 tháng tương đương 36 triệu đồng. Quỹ 6 tháng tương đương 72 triệu đồng
Trong trường hợp là một gia đình 4 người sinh sống tại thành phố lớn như Hà Nội, với mức chi tiêu sinh hoạt tối thiểu khoảng 20 triệu đồng/tháng, bạn sẽ cần: Ít nhất 60 triệu đồng cho 3 tháng. Hoặc khoảng 120 triệu đồng cho 6 tháng.
Tất nhiên, nếu có thể xây dựng được quỹ dự phòng đủ cho 1 đến 2 năm, bạn hoàn toàn có thể an tâm hơn rất nhiều khi đối mặt với biến cố bất ngờ trong cuộc sống hoặc thị trường lao động.
Nghe có vẻ đơn giản. Nhưng sự thật là rất ít người có sẵn khoản đó cho đến khi họ cần. Và lúc ấy, cái giá phải trả không chỉ là tiền, mà còn là sức khỏe tinh thần, là những đêm mất ngủ vì lo âu, là cảm giác bất lực khi không thể chăm lo cho gia đình dù chỉ là bữa ăn tối.
Có quỹ dự phòng không khiến bạn giàu lên nhưng giúp bạn không rơi xuống đáy
Hãy tưởng tượng, một ngày bạn bị thôi việc. Nhưng thay vì tuyệt vọng, bạn mở sổ tiết kiệm, thấy mình có khoản đủ sống vài tháng. Bạn thở một hơi thật dài. Bạn có thể tạm dừng để hồi phục, để lên chiến lược tái thiết cuộc sống. Bạn có thời gian gửi CV một cách chủ động, học một kỹ năng mới, thậm chí chuyển hướng nghề nghiệp nếu cần.
Khoản tiền đó không cho bạn sự giàu có nhưng cho bạn quyền được bình tĩnh. Nó giúp bạn bước qua giai đoạn chững lại, an tâm đi qua khó khăn và có nhiều thời gian cân nhắc lựa chọn kỹ lưỡng.
Vậy, nếu chưa có, bắt đầu từ đâu?
Bạn không cần đợi có thu nhập cao, cũng không cần đợi cuộc sống "dễ thở" hơn mới bắt đầu tiết kiệm. Thực tế, bạn càng khó khăn, khoản quỹ này càng nên có.
Dưới đây là 3 bước đầu tiên để bạn thiết lập quỹ dự phòng từ con số 0:
Bước 1: Xác định mức sống tối thiểu của bạn mỗi tháng.
Đừng tính những khoản "muốn có" như cà phê sang, ăn hàng cuối tuần hay mua đồ công nghệ. Chỉ tính "cần có" – tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, xăng xe, học phí. Ví dụ: 12 triệu/tháng.
Bước 2: Đặt mục tiêu: ít nhất 3 tháng dự phòng.
Tức là cần 36 triệu đồng nếu mỗi tháng mức sống tối thiểu của bạn là 12 triệu đồng/tháng. Con số này là vòng đệm tâm lý – vừa đủ để bạn không bị dồn ép khi thu nhập đột ngột biến mất.
Bước 3: Tự động trích 10–20% thu nhập hằng tháng.
Dù bạn chỉ kiếm được 10 triệu/tháng, hãy bắt đầu với 1 triệu. Mở một tài khoản tiết kiệm riêng, tốt nhất không liên kết với thẻ ATM để tránh "tiện tay rút". Đừng chờ có nhiều tiền mới tiết kiệm – hãy tiết kiệm trước, rồi mới có nhiều tiền.
Không ai mong mất việc, nhưng ai cũng nên chuẩn bị để nếu mất vẫn còn lại chính mình
Trong cơn bão sa thải, sự khác biệt lớn nhất không nằm ở CV đẹp hay kỹ năng xuất sắc. Mà ở chỗ: ai là người đã có một vùng đất an toàn tài chính để đứng vững, khi mọi thứ xung quanh bắt đầu lung lay. Nếu bạn chưa bắt đầu thì hôm nay là thời điểm tốt nhất để làm điều đó. Chậm còn hơn không bao giờ. Ít còn hơn trắng tay. Và bình tĩnh – luôn tốt hơn là hoảng loạn.