Theo Sohu, ông Vương, sống ở vùng nông thôn tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, trồng một vườn cây ăn trái tại nhà. Thu nhập của hai vợ chồng này phụ thuộc hoàn toàn vào vườn cây ăn trái này nên họ chăm sóc rất kỹ.
Mùa hè năm 2023, hạn hán kéo dài khiến cây trồng trên đồng và cây ăn quả trong vườn nhà ông Vương héo úa. Nếu không có nguồn cung cấp nước, năng suất của cây ăn quả sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Trước tình hình này, vợ chồng ông Vương rất lo lắng. Họ ngày nào cũng mong mưa nhưng càng mong đợi thì càng thất vọng.
Để giải quyết vấn đề trước mắt, vợ chồng ông Vương nghĩ đến phương án dẫn nước từ con mương gần nhà. Tuy nhiên vì hạn hán kéo dài nên phương án này cũng không khả thi bởi lượng nước ở con mương này cũng ít hơn nhiều so với trước đó. Đường cùng, ông Vương đổi sang phương án tìm người khoan một cái giếng trong vườn nhà rồi dùng máy bơm bơm nước để tưới tiêu. Bằng cách này, họ còn có thể dùng nguồn nước này để phục vụ sinh hoạt. Chi phí khoan giếng và bơm nước cũng không đáng kể nên vợ chồng này lập tức triển khai.
Tuy nhiên, điều mà vợ chồng ông Vương không ngờ tới là vào một ngày nọ, khi họ đang bơm nước để tưới cho vườn cây thì nhân viên Chi cục Thủy lợi địa phương bất ngờ đến nhà. Khi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, họ đã nhận được thông báo xử phạt 100.000 NDT (hơn 348 triệu đồng). Chưa hiểu rõ tại sao mình lại bị phạt, ông Vương yêu cầu các cán bộ giải thích rõ ràng.
Theo đó, trong quá trình kiểm tra, Chi cục Thủy Lợi địa phương phát hiện gia đình ông Vương đã tiến hành khoan giếng và bơm nước trong vườn nhà. Những hành vi này là vi phạm pháp luật khi chưa có sự đồng ý cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Vì gia đình ông Vương chỉ sử dụng nguồn nước này để tưới cho đất nông nghiệp, không sử dụng vào mục đích thương mại nên họ chưa phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vào ngày 25/4/2023, một nông dân khác ở tỉnh Thiểm Tây cũng đã bị phạt 20.000 NDT (hơn 69 triệu đồng) khi đào một cái giếng trong vườn nhà để lấy nước ngầm phục vụ nhu cầu tưới tiêu. Người này cũng không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật cho đến khi được cơ quan chức năng giải thích. Sau khi phát hiện ra sự việc, cơ quan chức năng đã tiến hành lấp giếng khoan của gia đình này.
Tại sao khoan giếng trên đất nhà mình vẫn phải xin phép?
Theo Luật quản lý tài nguyên nước quốc gia của Trung Quốc, việc khoan giếng có tác động đến nguồn nước ngầm - tài nguyên quốc gia. Bất kỳ đơn vị, cá nhân nào, trừ trường hợp nông nghiệp ứng phó khẩn cấp với hạn hán, bảo tồn giống cây trồng, đều phải xin phép cơ quan quản lý có liên quan, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nước ngầm, nộp phí quản lý tài nguyên nước.
Việc nông dân đào giếng để bơm nước ngầm phục vụ công tác tưới tiêu, sử dụng tài nguyên nước ngầm là hợp pháp, không phải là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên họ phải xin giấy phép sử dụng nước ngầm để thuận tiện cho công tác quản lý nước ngầm. Hơn nữa, việc khoan giếng, sử dụng nguồn nước ngầm mà không nghiên cứu kỹ, tự ý thực hiện không chỉ tác động đến lượng nước ngầm mà còn có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái thực vật xung quanh. Do đó, cần phải có kế hoạch và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho phép thực hiện.
Những người khai thác, sử dụng nước ngầm mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận sẽ bị cơ quan liên quan hoặc cơ quan quản lý khu vực yêu cầu chấm dứt hành vi bất hợp pháp, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn và phạt tiền từ 20.000 - 100.000 NDT (từ 69 triệu - 348 triệu đồng).
Việc khoan giếng tưởng chừng như là việc cá nhân nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề mang tính cộng đồng. Do đó, trước khi thực hiện, mọi người nên tìm hiểu kỹ và nắm bắt thông tin đầy đủ để tránh những sai phạm không đáng có. Tìm hiểu kỹ thông tin và có sự hiểu biết về pháp luật cũng chính là cách để chúng ta tự vệ quyền lợi cho mình.
(Theo 163.com)