Khoa học sắp công bố một đột phá thế kỷ về hố đen vũ trụ trong tuần tới

J.D, Theo Helino 15:01 07/04/2019

Hãy chuẩn bị đi, vì công bố này có thể là một trong những phát hiện khoa học lớn nhất thế kỷ.

Event Horizon Telescope (EHT - tạm dịch: Kính thiên văn chân trời sự kiện) là một chương trình quan sát thiên văn tập trung vào các lỗ đen siêu khối lượng nằm ở trung tâm các thiên hà. Mới đây, dự án này cho biết họ sẽ mở một cuộc họp báo vào ngày 10/4 tới đây, nhằm công bố một phát hiện mang tính chất đột phá.

Chi tiết của công bố chưa được tiết lộ, nhưng dựa trên những gì mà EHT đã làm, một số người phỏng đoán rằng rất có thể họ đã có được tấm ảnh đầu tiên trong lịch sử về cái gọi là "hố đen vũ trụ", qua đó đưa được góc nhìn khác sâu hơn về hiện tượng bí ẩn nhất của vũ trụ.

Khoa học sắp công bố một đột phá thế kỷ về hố đen vũ trụ trong tuần tới - Ảnh 1.

Hố đen là một vùng không-thời gian có lực hấp dẫn cực kỳ lớn, đến mức không có thứ gì - kể cả ánh sáng - có thể thoát khỏi nó. Điều này có nghĩa là về lý thuyết, bạn sẽ không thể chụp ảnh hố đen (vì ánh sáng đi đến đó có phản lại đâu mà thấy). Và vì hố đen nuốt trọn cả sóng điện từ, nên bạn cũng không thể quan sát nó bằng sóng radio, sóng X-quang, sóng gamma... nói chung là những công cụ mà các loại kính thiên văn phổ biến ngày nay đang sử dụng. 

Tuy nhiên, vẫn còn một thứ mà khoa học có thể quan sát được gọi là "chân trời sự kiện" (event horizon). Đây là ranh giới trước khi một vật chất bị hố đen hút gọn và không thể quay trở lại được nữa. Và hình ảnh ghi nhận được ở thời khác này thực chất sẽ là "cái bóng" của hố đen. 

EHT là một dự án để quan sát ranh giới này. Dự án bao gồm các kính thiên văn radio rải rác trên khắp thế giới, hướng về Sagittarius A - một siêu hố đen nằm ở giữa Dải Ngân Hà. Kết hợp tất cả các dữ liệu, chúng ta sẽ như có được một thấu kính thiên văn có đường kính bằng cả hành tinh. 

Khoa học sắp công bố một đột phá thế kỷ về hố đen vũ trụ trong tuần tới - Ảnh 2.

Trong nhiều năm, dự án đã tập trung vào quan sát môi trường xung quanh hố đen, sau đó thực sự thu thập dữ liệu vào tháng 4/2017. Tuy nhiên đây là một khối dữ liệu khổng lồ, nên cần thời gian lên tới hàng năm trời mới có thể cho ra hình ảnh cuối cùng. 

"EHT thu thập ánh sáng xung quanh hố đen bằng cách sử dụng nhiều kính thiên văn xung quanh Trái đất. Khi tính toán các dữ liệu, chúng ta có thể tạo ra hình ảnh của nó," - người phát ngôn của dự án cho biết. 

"Ánh sáng thu thập được cho phép chúng ta dựng lên cấu trúc của một hố đen. Tuy nhiên do số lượng kính là có hạn, chúng tôi vẫn thiếu mất vài mảnh ghép để có được hình ảnh thực sự. Bởi vậy, chúng tôi tạo ra một thuật toán cho phép lấp đầy những dữ liệu còn thiếu, và từ đó xây dựng hình ảnh thành công."

Theo nhiều ý kiến đánh giá, cuộc họp báo lần này có thể là công bố "hoàn thành nhiệm vụ" của dự án. Được biết, cuộc họp báo sẽ diễn ra vào 20h ngày 10/4 theo giờ Việt Nam. Chi tiết của cuộc họp báo sẽ được chúng tôi cập nhật ngay khi có tin mới.

Tham khảo: IFL Science