Theo thông tin mới nhất về bão Yagi, được chia sẻ từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h ngày 7/9, bão Yagi đi vào đất liền nước ta; đến 15h cùng ngày, bão đi sâu vào các tỉnh phía Bắc gây mưa to, gió lớn.
Các chuyên gia cảnh báo thời điểm cơn bão số 3 có diễn biến mạnh nhất, cụ thể như sau:
13h - 19h (7/9) tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
16h -22h (7/9) tại Thái Bình và Nam Định.
18h (7/9) - 1h (8/9) tại Hà Nội.
Với diễn biến của bão Yagi, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân ở trong nhà, nơi trú ẩn an toàn, tuyệt đối không đi ra ngoài nếu không có việc cấp thiết
Trong khi cả nước đang oằn mình chống bão, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra, một bộ phận thiểu số người dân vẫn "coi trời bằng vung". Cây đổ rạp cũng chẳng sợ, nhà tốc mái cũng chẳng lo. Họ bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo được nhắc đi nhắc lại.
Trường hợp người đàn ông đam mê thể dục thể nào này đang khiến CĐM vô cùng bức xúc. Vào hồi 13h38 ngày 7/9 - thời điểm bão Yagi đổ bộ vào Hà Nội gây mưa lớn, gió mạnh, một người đàn ông thường trú tại quận Tây Hồ vẫn thản nhiên ra đường chạy bộ. Theo thông tin được người dân chia sẻ, anh này chạy rất khỏe, chạy tới đầu đường Thanh Niên thì được lực lượng chức năng hỗ trợ, đưa về nhà an toàn.
Bão Yagi đổ bộ, người đàn ông ở Hà Nội vẫn lao ra đường chạy bộ (Nguồn video: L.H.N)
Cũng trong chiều ngày 7/9, chị H.N thường trú tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết ở một công viên gần nơi chị đang sống, có xuất hiện một người đàn ông trung niên thong dong tản bộ, bất chấp thời điểm đó gió giật mạnh đến mức rung cửa kính chung cư cao tầng.
Ở một diễn biến khác trên nền tảng MXH Threads, câu chuyện hội bạn 3 người đi từ Hà Nội tới Cát Bà vào đúng 1 ngày trước khi bão Yagi đổ bộ, khiến nhiều người cảm thấy bức xúc, không muốn nặng lời cũng không được.
Ngày 6/7 - Một ngày trước khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, cô bạn này đăng bài hỏi liệu rằng đi du lịch tới Cát Bà trong 2 ngày 7-8/9 thì có ổn hay không. Cuối cùng, cô và 2 người bạn của mình vẫn quyết định sẽ đi du lịch thẳng vào tâm bão, bất chấp nhiều người can ngăn (Ảnh chụp màn hình)
Đương nhiên, mục tiêu lớn nhất vẫn là để giữ an toàn cho chính bản thân mỗi người. Nhưng có người lại suy nghĩ thế này: "Cơ thể là của tôi, bão tôi chẳng sợ nên tôi thích đi đâu thì đi, mọi người có quyền gì mà lên tiếng phán xét"?!
Công tâm mà nói, đây là suy nghĩ nông cạn. Một người trưởng thành, không bị suy giảm nhận thức mà vẫn suy nghĩ theo hướng như vậy thì quả thật, rất đáng trách.
Bão lũ thiên tai, bạn long nhong ra ngoài chỉ để đi chơi, đi dạo và không may gặp nạn, lực lượng chức năng đương nhiên không thể làm ngơ, bỏ mặc không cứu. Trong khi đó, những người cần sự hỗ trợ, cứu giúp nhất là người nghèo, người vô gia cư, người sống ở nơi không an toàn. Lực lượng chức năng cần sơ tán họ tới nơi an toàn, đồng thời, cứu hộ những người không may gặp nạn vì tình huống bất khả kháng.
Những người làm công việc cứu hộ trong bão lũ, thiên tai cũng đang hy sinh một phần sự an toàn của chính họ để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng.
Hủy một chuyến du lịch, nghỉ tập thể dục một hôm cũng không khiến ai suy giảm tuổi thọ. Thế nên, nếu đang có một nơi trú ngụ an toàn, nếu đang khỏe mạnh không ốm đau cần phải đi cấp cứu, hãy ở yên trong nhà!
Không tạo thêm gánh nặng cho những người đang phải đương đầu với bão lũ ngoài kia, suy cho cùng, cũng là một cách đóng góp cho xã hội trong những ngày bão Yagi đang đổ bộ.