Blue Carbon là lượng carbon được hấp thụ và lưu giữ bởi các hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn, cỏ biển, đầm lầy ven biển... Với khả năng hấp thụ CO2 gấp nhiều lần so với rừng trên cạn, Blue Carbon không chỉ là "lá phổi xanh" mà còn là cơ hội phát triển kinh tế gắn với bảo tồn.
Blue Carbon - cỗ máy khổng lồ hút khí CO2
Trên bản đồ cổ, kho báu luôn được đánh dấu bằng chữ X. Nhưng với nhà khoa học hiện đại, kho báu được xác định bằng dữ liệu CO2, được đo bằng tấn khí CO2 đã được đại dương giữ lại. Hệ sinh thái ven biển có thể hấp thụ CO2 gấp 3 - 5 lần rừng trên cạn và lưu giữ nó không phải vài năm mà hàng thiên niên kỷ.
Chỉ 20% diện tích ven biển lại giữ được gần một nửa lượng carbon mà cả đại dương hút vào, giống như một chiếc két sắt khổng lồ, giấu kỹ trong lòng đất và rễ cây dưới đáy biển. Đó là Blue Carbon - carbon xanh dương. Nó không trôi nổi giữa dòng mà ẩn mình trong những hệ sinh thái tuyệt vời ven bờ: rừng ngập mặn, cỏ biển và đầm lầy thủy triều… Đây như những cỗ máy hút CO2 từ không khí rồi "khóa chặt" chúng dưới đất - trong rễ, trong bùn và cả những tầng trầm tích sâu đến vài mét. Mỗi mét vuông ấy đang âm thầm bình ổn khí hậu tương lai.
(Ảnh minh họa: ndcpartnership.org)
Khám phá các hệ sinh thái giữ carbon
Rừng ngập mặn hấp thụ khoảng 6 - 8 tấn CO2 mỗi hecta mỗi năm và lưu trữ lên tới 1.100 tấn CO2/ha chủ yếu nhờ hệ thống rễ sâu ngoằn ngoèo như những bàn tay nắm chặt lấy đất. Mỗi năm, những cánh rừng này mang lại ít nhất 1,6 tỷ USD giá trị sinh thái - bảo vệ bờ khỏi bão, giữ đất, giữ cá, giữ cả sinh kế.
Cỏ biển - những cánh đồng xanh mướt dưới làn nước - tuy hấp thụ carbon chậm hơn, chỉ khoảng 1,5 - 4,4 tấn CO2/ha/năm, nhưng chúng lại giữ carbon cực lâu. Một lớp đất dưới cỏ có thể sâu đến 4m, như một "kho chứa lạnh" của đại dương.
Đầm lầy thủy triều - hay còn gọi là "đồng muối sống" - có khả năng lưu trữ 2 - 6 tấn CO2/ha, là nơi carbon được chôn cất yên bình suốt hàng thế kỷ.
Những kho báu này không chỉ giữ carbon mà còn giữ sinh kế, giữ sự sống, giữ vận mệnh của khí hậu hành tinh này.
Tầm quan trọng của "khu rừng" dưới biển tại Chile
Hai cha con ông Roberto gắn bó với nghề thợ lặn hàng chục năm qua. Chính những con ốc, con cá… được tìm thấy ở vùng biển này đã nuôi sống cả gia đình ông nên ông hiểu tầm quan trọng của hệ sinh thái tảo biển nơi này ra sao.
Không chỉ gia đình ông Robert, bất kể người dân nào ở ngôi làng ven biển này cũng hiểu rõ tầm quan trọng của hệ sinh thái biển.
Tại vùng biển lạnh ngoài khơi bờ biển khô cằn phía Bắc Chile, có một khu rừng dưới nước đang tràn đầy sức sống. Không chỉ cung cấp thức ăn cho các loại sinh vật dưới biển, sinh kế cho người dân địa phương, những "tháp" tảo biển màu đỏ và xanh vươn lên từ đáy đại dương còn tạo ra oxy và hấp thụ carbon cho cả hành tinh.
Tảo biển sản xuất oxy và hấp thụ CO2, trở thành những "kho lưu trữ carbon" quan trọng dưới mặt nước.
(Ảnh minh họa: Shutter Stock)
Bà Alejandra Gonzalez (nhà sinh vật biển của Đại học Chile) chia sẻ: "Tương lai của hành tinh này nằm ở tảo biển. Tất cả sinh vật biển sống nhờ các khu rừng này và con người cũng vậy. Chúng giúp điều hòa nhiệt độ, tạo ra hiệu ứng chắn sóng tự nhiên, và giữ cho hệ sinh thái được ổn định".
Tiềm năng của kho báu xanh dương không chỉ giúp ổn định khí hậu mà còn là một cơ hội kinh tế lớn. Trên thị trường quốc tế, mỗi tấn CO2 được hấp thụ từ các hệ sinh thái ven biển có thể bán với giá gấp 2 - 3 lần so với rừng trên cạn.
Rủi ro hệ sinh thái ven biển đang dần biến mất
Những "kho báu xanh" đang bị mai một từng ngày không phải vì những tên cướp biển mà chính bởi con người chưa hiểu hết giá trị của chúng.
Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, hơn một nửa đầm lầy, 1/3 rừng ngập mặn và gần 30% đồng cỏ biển đã biến mất. Không phải do tự nhiên mà vì con người khai thác bừa bãi, do ô nhiễm hay bê tông hóa bờ biển. Nếu không hành động, đến năm 2050, chúng ta có thể mất đi 1,8 tỷ tấn carbon chỉ riêng từ rừng ngập mặn. Khi đó, carbon sẽ quay trở lại bầu không khí. Lúc này, hiểm họa từ biến đổi khí hậu sẽ là thứ con người sẽ phải đối mặt.
Công nghệ hỗ trợ nước biển hấp thụ thêm CO2 tại Anh
Trên bờ biển phía Nam nước Anh, tại thành phố Weymouth, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Exeter đang vận hành một hệ thống thử nghiệm nhằm rút CO2 ra khỏi nước biển. Theo các nhà khoa học, khoảng 25% lượng CO2 do con người thải ra hiện nay được hấp thụ bởi đại dương. Nếu có thể loại bỏ bớt khí CO2 đã hòa tan trong nước, nước biển sẽ tiếp tục hút thêm CO2 từ khí quyển - giống như "làm rỗng bình chứa" để hút thêm khí độc trong không khí.
GS. Paul Halloran (Trưởng dự án SeaCURE, Đại học Exeter) cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là loại bỏ CO2 khỏi nước biển, để nước biển có thể tiếp tục hấp thụ thêm CO2 từ khí quyển. So với không khí, nước biển chứa nhiều CO2 hơn gấp 150 lần. Vì vậy, đây là một điểm khởi đầu hợp lý".
Quy trình của SeaCURE khá đặc biệt - nước biển được bơm vào hệ thống, sau đó axit hóa để chuyển CO2 hòa tan thành dạng khí. Khí này sẽ được hút vào các cột thép chứa vỏ dừa cháy than - nơi CO2 bám dính và được thu giữ. Nước sau xử lý sẽ được trung hòa bằng chất kiềm trước khi trả lại biển, nhằm đảm bảo cân bằng sinh thái.
"Ở bước cuối, chúng tôi thu được CO2 tinh khiết. Lúc đó, khí này có thể được nén, vận chuyển và chôn lưu dưới lòng đất - giống như CO2 từ các nhà máy. Đây là cách để loại bỏ vĩnh viễn khí nhà kính khỏi bầu khí quyển" - GS. Paul Halloran chia sẻ thêm.
Công nghệ trong dự án SeaCURE tận dụng nước biển để giảm lượng khí thải CO2 (Ảnh: Falco)
Hiện tại, dự án SeaCURE mới chỉ xử lý khoảng 100 tấn CO2 mỗi năm, tương đương lượng khí thải từ một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, mục tiêu là thử nghiệm tính khả thi để có thể mở rộng quy mô trong tương lai. Dù vậy, phương pháp này vẫn đối mặt với thách thức - từ chi phí cao, tiêu tốn năng lượng đến những ảnh hưởng có thể xảy ra với sinh vật biển phụ thuộc vào CO2 hòa tan như tảo hay động vật có vỏ.
Theo ông Guy Hooper (nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Đại học Exeter): "Đây là công nghệ mới nên chúng tôi đang thực hiện các thí nghiệm đánh giá tác động môi trường để đảm bảo quy trình vừa hiệu quả vừa an toàn sinh thái. Không chỉ là công nghệ mà còn là trách nhiệm với môi trường".
Dù còn nhiều bước phải đi, dự án SeaCURE cho thấy một hướng tiếp cận sáng tạo trong nỗ lực giảm khí nhà kính - tận dụng chính đại dương như một đồng minh tự nhiên. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, những ý tưởng như thế này có thể là mảnh ghép quan trọng cho một tương lai bền vững.