Hàn Quốc dễ gục ngã trước áp lực lớn
Sức mạnh của hàng tấn công Hàn Quốc thật ghê gớm. Trên giấy tờ và trong những thống kê, có nhiều lý do để tin Son Heung-min và đồng đội sẽ "ăn tươi nuốt sống" Việt Nam. Nhưng bóng đá luôn ẩn chứa rất nhiều bất ngờ và ở những giải trẻ kiểu này thì bất ngờ còn nhiều gấp bội.
Thực tế chứng minh đội ngũ trẻ trong tay HLV Kim Hak-bum không giỏi đương đầu với nghịch cảnh. Trước Malaysia và Uzbekistan, điểm yếu của Hàn Quốc hiện lên rõ mồn một. Biệt danh của Son Heung-min và các đồng đội là 'Những chiến binh Taeguk" nhưng họ lại dễ dàng vỡ vụn trước áp lực và thường không giữ nổi bình tĩnh nếu bị dẫn bàn.
Nói về bản lĩnh và độ lỳ đòn, Hàn Quốc thậm chí còn không bằng Việt Nam. Từ đầu giải, các học trò của HLV Kim Hak-beom đã thủng lưới 5 bàn. Ba trong số này đến từ những sai lầm. Sai lầm đầu tiên xuất hiện ở trận đấu thứ hai vòng bảng gặp Malaysia. Thủ môn Song Bum-keun nhảy lên bắt dính cú tạt nhưng không hiểu vì lý do nào đó lại để bóng ói ra, biếu cho Malaysia một món quà từ trên trời rơi xuống.
Trong trận thắng hú vía trước Uzbekistan chiều 27/8, Hàn Quốc dẫn trước 2-1 nhưng bị đối thủ vượt lên dẫn lại 3-2. Cú đúp bàn thắng của Uzbekistan hoàn tất chỉ trong 4 phút. Biết Hàn Quốc không chơi bóng dài mà thường phối hợp tuần tự từ tuyến dưới, đại diện Trung Á gây áp lực mạnh ở khu vực giữa sân, ép đối thủ bộc lộ sai lầm. Trong tình huống Uzbekistan gỡ hòa 2-2, tiền vệ số 15 Lee Seung-mo bên phía Hàn Quốc lóng ngóng chuyền vào chân đối thủ, giúp Uzbekistan mở ra pha triển khai tấn công mang về bàn thắng.
Hàn Quốc đã trải qua những phút hiểm nghèo trước Uzbekistan. Họ liên tục mắc sai lầm để đối thủ vượt lên.
Trước đó ở hiệp một, Uzbekistan cũng chẳng mất nhiều thời gian để gỡ hòa sau khi bị dẫn trước 1-0. Lee Seung-mo khởi đầu trận đấu tệ hại của mình bằng một pha phán đoán điểm rơi đầy non nớt, tạo cơ hội cho cầu thủ Uzbekistan cướp bóng di chuyển vào khu cấm địa rồi trả ngược cho đồng đội ghi bàn.
Hàn Quốc cuối cùng đã "bước qua xác" Uzbekistan, nhưng chiến thắng ấy có được nhờ đối thủ bật chế độ tự huỷ. Một pha đá hụt ngớ ngẩn của cầu thủ Uzbekistan bên biên trái giúp Son Heung-min có cơ hội chuyền cho Hwang Ui-jo gỡ hòa 3-3. Sau đó ở những phút bù giờ cuối cùng, hai cầu thủ Uzbekistan kéo ngã Hwang Ui-jo trong khu cấm địa, biếu cho Hàn Quốc quả phạt đền. Trước khi gỡ hòa 3-3, "Những chiến binh Taeguk" thi đấu bằng những đôi chân run rẩy với nỗi lo nơm nớp bị thủng lưới thêm.
Người ta có thể bào chữa rằng chẳng phải ĐTQG Hàn Quốc đã thể hiện bản lĩnh trong chiến thắng "kinh thiên động địa" trước người Đức ở World Cup đấy thôi. Tuy vậy, đó là ĐTQG tập hợp những cầu thủ tốt nhất. Đây là Olympic với rất nhiều cầu thủ trẻ tuổi. Đồng thời, chúng ta cần phải nhìn vào thực tế là khi đó Hàn Quốc được chơi ở thế cửa dưới, "nằm gai nếm mật" chịu trận để rồi bung ra trong những phút cuối khi tuyển Đức phải dồn cả đội lên trên. Đấu với Việt Nam, tất nhiên Hàn Quốc sẽ không được chơi như cửa dưới.
Khi Son Heung-min đại diện cho điểm yếu lớn nhất của Olympic Hàn Quốc
Son Heung-min, ngôi sao sáng nhất của Hàn Quốc có vẻ không phải một người giàu bản lĩnh. "Ronaldo châu Á" đang thi đấu ở Tottenham, một câu lạc bộ thường tự bắn vào chân mình trong những giờ phút quyết định. Đó là một đội bóng không có ADN chiến thắng, không phải môi trường để Son Heung-min rèn luyện thần kinh.
Trong buổi chiều 27/8, khi Hwang Hee-chan bước lên chấm phạt đền trong những phút cuối cùng trận tứ kết, Sonny thậm chí còn không dám nhìn đồng đội thực hiện quả đá. Anh quay lại khung thành, lưng cúi thấp, mắt nhắm nghiền và ôm mặt đầy sợ hãi. Nếu cho Son Heung-min đá quả đó, không biết chừng Hàn Quốc sẽ không thể thắng trong 120 phút.
Son Heung-min không dám nhìn đồng đội đá phạt đền.
Nhiều người đã kỳ vọng Son Heung-Min sẽ bước lên chấm phạt đền bởi tài năng cũng như đẳng cấp của cầu thủ này. Tuy nhiên, rất bất ngờ là cầu thủ hay nhất châu Á lại không dám nhận nhiệm vụ và giao quả đá cho đàn em Hwang Hee-chan. Áp lực về việc phải giành chức vô địch ASIAD 2018 để được miễn nghĩa vụ quân sự đã khiến một cầu thủ dù có kinh nghiệm dày dặn tại Budesliga, Ngoại hạng Anh, Champions League cũng như World Cup không dám bước ra lãnh trách nhiệm.
Người ta sẽ nói rằng Son Heung-min không đại diện cho tâm lý toàn đội, nhưng nên nhớ ngôi sao này là đặc phái viên quốc gia thực hiện sứ mệnh bảo vệ tấm HCV ASIAD và đóng vai trò như một điểm tựa tinh thần, một tấm gương cho đàn em nhìn vào mà thi đấu, mà trông cậy trong những thời khắc khó khăn.
Người đội trưởng luôn phản chiếu bản lĩnh của một đội bóng. Còn nhớ cách đây 6 năm, tiền vệ Bastian Schweinsteiger, đầu tàu của CLB Bayern Munich cũng không dám nhìn đồng đội Arjen Robben đá phạt đền trong trận chung kết Champions League với Chelsea. Sau đấy chính bản thân Schweinsteiger sút hỏng một quả luân lưu, đá bay chức vô địch của Bayern Munich. Ngày hôm ấy "Hùm xám" tạo ra vô vàn cơ hội nhưng chỉ một lần dứt điểm thành công, cũng chỉ vì tâm lý kém.
Son Heung-min là một thủ lĩnh mau nước mắt. Không ít lần khán giả được thấy hình ảnh Son Heung-min mít ướt khi thi đấu cho ĐT Hàn Quốc. Gần nhất là hồi tháng 6 sau khi để thua Mexico ở vòng bảng World Cup, Son Heung-min khóc như mưa lúc gặp Tổng thống Hàn Quốc trong phòng thay đồ. Cách đây hai năm, khi Olympic Hàn Quốc bị Honduras loại ở tứ kết, Son Heung-min ngồi bệt xuống sân, khóc nức nở khiến ban huấn luyện phải xốc nách dìu đi.
Son Heung-min, một ngôi sao mít ướt.
Những dẫn chứng phía trên không phải để dìm hàng đối thủ, mà để giúp cho phát biểu "không sợ Hàn Quốc" của tiền đạo Nguyễn Văn Toàn trở nên có cơ sở. Khi bản lĩnh và tinh thần trở thành điểm mạnh, lại được chơi bóng ở thế cửa dưới và không bị áp lực phải giành HCV như đối thủ, Olympic Việt Nam có thể làm nên bất ngờ chấn động châu Á.