Khi ngoại truyện trở thành "bữa buffet" của các nhà làm phim

Bảo Anh/Ảnh: VTV, Theo Trí Thức Trẻ 14:40 27/11/2018
Chia sẻ

Thời gian gần đây, ngoại truyện dường như đã trở thành một trào lưu được các nhà làm phim truyền hình ưa chuộng. Nhưng phải chăng đã đến lúc dừng "nấu" món ăn này?

Kể từ sau khi Người Phán Xử Sống Chung Với Mẹ Chồng ra đời, các nhà làm phim dường như đã nắm được một chút xu hướng của khán giả, đó là việc kết hợp những bộ phim đang lên sóng chung với nhau sẽ khiến họ thích thú. Vì vậy, họ tích cực làm các phần ngoại truyện. Thế nhưng liệu có phải cứ kết hợp như vậy thì sẽ thành công hay không? Ngoại truyện liệu có còn là hướng đi đúng đắn để giữ khán giả không?

Khi ngoại truyện trở thành bữa buffet của các nhà làm phim - Ảnh 1.

Hình ảnh trong tập phim Người Phán Xử Sống Chung Với Mẹ Chồng

Ngoại truyện không còn là khái niệm xa lạ với nhiều người, đặc biệt là fan của dòng truyện ngôn tình. Thông thường, ngoại truyện được hiểu là việc tường thuật lấy nguồn gốc từ các tác phẩm đã có, giúp làm rõ, làm sáng tỏ hơn những khía cạnh của tác phẩm gốc mà người thưởng thức còn thắc mắc. Thế nhưng soi về lại hiện tại của phim truyền hình Việt Nam, có lẽ điều này không còn hoàn toàn chính xác. Có lẽ cross over sẽ là từ hợp lý hơn để dành cho những tập phim ngắn được chiếu thêm của các bộ phim.

Ngoại truyện của phim truyền hình Việt Nam có hay không? 

Chắc chắn là có. Câu hỏi này dường như hơi thừa, bởi nếu không hay, chắc chắn khán giả đã không hóng đến tận tập ngoại truyện gần nhất là của phim Quỳnh Búp Bê. Các nhà làm phim giờ đây rất thức thời, rất nhanh nhạy khi thu thập được ý kiến trong quá trình phim đang lên sóng để có thể làm ra những tập ngoại truyện ngắn, phục vụ nhu cầu khán giả.

Khi ngoại truyện trở thành bữa buffet của các nhà làm phim - Ảnh 2.

Điển hình nhất, Người Phán Xử Sống Chung Với Mẹ Chồng ra đời cũng chính là từ những bình luận, những trò đùa của cư dân mạng hay tư duy của các bên marketing, quảng cáo mà thành. Khi lên sóng, dường như tập ngoại truyện đã trở thành một đòn giáng cực mạnh vào tâm lý khán giả, thay đổi hẳn suy nghĩ về nền phim ảnh nước nhà. Cũng nhờ bản gốc và sự kết hợp tài tình giữa hai bộ phim mà hàng loạt những phim truyền hình sau đó đã có được sự ủng hộ lớn từ khán giả. Tập ngoại truyện của Cả Một Đời Ân Oán sau đó cũng nhận được cơn mưa lời khen bởi nội dung chặt chẽ, kết thúc có hậu và hình ảnh rất đẹp mặc dù bộ phim này đã từng làm khán giả mất kiên nhẫn vì quá dài và lằng nhằng.

Khi ngoại truyện trở thành bữa buffet của các nhà làm phim - Ảnh 3.

Ngoại truyện vẫn hay nhưng tại sao không còn thu hút khán giả nữa?

Cái sai đầu tiên chính là sự kết hợp giữa các bộ phim. Về lý thuyết, ngoại truyện đâu phải sự kết hợp như vậy. Nó chỉ có trách nhiệm làm rõ hơn những chi tiết được lược bỏ, hoặc chưa rõ ở thì quá khứ hoặc hiện tại. Một vài truyện sẽ mở ra thêm nhưng cái kết nhỏ ở thì tương lai. Ngoại truyện tuyệt nhiên không phải việc cho nhân vật ở tác phẩm này đi giao du, kết hợp với những tác phẩm khác để có truyện mới. Vì thế, ngoại truyện Quỳnh Búp Bê nên gọi là cross over thì sẽ hợp lý hơn (vì tình tiết đến quá nửa có sự xuất hiện của các nhân vật trong Yêu Thì Ghét Thôi).

Khi ngoại truyện trở thành bữa buffet của các nhà làm phim - Ảnh 4.

Cái sai thứ hai, sự kết hợp ấy là lựa chọn vô tội vạ. Dễ thấy, việc kết hợp phim hiện nay dựa trên một công thức duy nhất đó là "phim đang chiếu + những yếu tố đang hot = ngoại truyện/cross over". Và chính vì lý do đầu tiên kia nên mới dẫn đến lỗi sai hệ thống này. Đoạn cross over giữa Quỳnh Búp Bê và Phía Trước Là Bầu Trời chính là điển hình cho sai lầm này. Chị Nguyệt (Hà Hương) và 3 kiều nữ Thiên Thai vốn dĩ không liên quan đến nhau, việc để các nhân vật gặp gỡ trở thành cố đấm ăn xôi. Nhiều ý kiến cho rằng việc này góp phần làm giảm sự thú vị của cả hai bộ phim.

Khi ngoại truyện trở thành bữa buffet của các nhà làm phim - Ảnh 5.

Hay như tập phim Phía Trước Là Cả Một Bầu Trời Phán Xử được kết hợp giữa các phim Người Phán Xử, Phía Trước Là Bầu Trời và Cả Một Đời Ân Oán còn tệ hơn. Nội dung đơn điệu, không đặc sắc. Cá tính các nhân vật lại càng không phù hợp trong bối cảnh gặp gỡ khiến tập phim trở nên gượng gạo, khó "nuốt".

Khi ngoại truyện trở thành bữa buffet của các nhà làm phim - Ảnh 6.
Khi ngoại truyện trở thành bữa buffet của các nhà làm phim - Ảnh 7.

Quay lại với Quỳnh Búp Bê Ngoại Truyện, có lẽ đây sẽ là tập phim chấm dứt hứng thú của khán giả đối với những tập ngoại truyện. Vẫn đáp ứng được sự mong muốn của khán giả, đó là để anh Cảnh (Doãn Quốc Đam) trở về, nhưng nội dung bị bỏ ngỏ quá nhiều. Những tình tiết thể hiện cá tính của các nhân vật là thừa thãi, gây cười một cách quá nhàm khi kết hợp với Yêu Thì Ghét Thôi. Và điều quan trọng nhất, là những chi tiết cứ rối như canh hẹ, không rõ nhân vật Cảnh đã chết hay chưa (vì có những cảnh khi Quỳnh đi với Thịnh, Cảnh vẫn xuất hiện từ đằng xa), rồi tại sao rõ ràng các nhân vật Quỳnh (Phương Oanh), Lan Cave (Thanh Hương) đều đã "hoàn lương", tại sao đến cuối tập ngoại truyện lại tự dưng nhảy về xóm trọ, ăn mặc như thời ăn chơi đã qua rồi nhảy nhót hát hò? Thế tóm lại là các cô ấy có lại làm gái không?

Ngoại truyện - Từ một gia vị trở thành bữa tiệc buffet thừa chất

Với việc liên tục đưa ra những tập ngoại truyện, những màn cross over của các phim, các nhà làm phim đang khiến khán giả "bội thực". Vốn dĩ, ngoại truyện chỉ là thứ gia vị thêm vào để bộ phim mặn mà, cuốn hút hơn, nay nó lại thành một bữa buffet tưng bừng với toàn nguyên liệu "chất". Giống như ẩm thực, một món chất lượng ăn riêng sẽ ngon, nhưng nếu một mâm đuề huề những món sơn hào hải vị, ăn xong ai tiêu hoá cho nổi. Chưa kể trong lúc thưởng thức, vị nọ lẫn vị kia, người ta chẳng còn thấy ngon nữa.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày