Khi golfer ra sân không chỉ để chơi bóng: Lợi dụng golf để "sống ảo", tạo mối quan hệ làm ăn, đặc biệt làm một việc "biến tướng" chỉ người trong giới mới biết

Nguyễn Phượng, Theo Thể thao văn hoá 15:00 23/03/2023

Vốn là địa điểm chơi một bộ môn thể thao, sân golf giờ đây còn trở thành nơi giao dịch nhiều hoạt động khác nhau. Thậm chí, người chơi sẵn sàng phạm pháp để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.

"Môn thể thao quý tộc" thường là cụm từ nhiều người dùng để mô tả golf. Điều này đến từ những chi phí liên quan để bắt đầu chơi bộ môn này khá tốn kém.

Bên cạnh đó, cũng bởi sân golf thường gắn với hình ảnh những người trong giới thượng lưu nên ngoài mục đích thể thao, không ít người bắt đầu xem đây là nơi thực hiện mục đích riêng...

Nơi bắt đầu câu chuyện của những tỷ phú

Suốt một thời gian dài, golf được xem là môn thể thao chỉ dành cho nhà giàu. Dần dần, nó thu hút thêm sự chú ý từ rất nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có giới doanh nhân. Đối với họ, đây không chỉ là một trò giải trí đơn thuần, mà còn là cơ hội làm ăn giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp.

Khi golfer ra sân không chỉ để chơi bóng: Lợi dụng golf để sống ảo, tạo mối quan hệ làm ăn, đặc biệt làm một việc biến tướng chỉ người trong giới mới biết - Ảnh 1.

Sân golf là nơi đàm phán công việc của giới siêu giàu

Stan Hanks là một nhà đầu tư, chiến lược gia người Mỹ. Ông từng sáng lập và nắm giữ vị trí CEO tại 14 công ty khởi nghiệp khác nhau trong vòng 24 năm qua. Hiện tại, Hanks đang là thành viên hợp danh tại công ty chuyên về giải pháp nghiên cứu công nghệ Aventurine.

Không chỉ là một doanh nhân giỏi, Hanks còn hoạt động sôi nổi trên diễn đàn hỏi-đáp Quora, với nhiều câu trả lời chất lượng được cư dân mạng tán thành. Cách đây nhiều năm, ông từng có bài chia sẻ về lợi ích của việc chơi golf trong lĩnh vực kinh doanh.

"Nhiều năm về trước, tôi từng nghĩ chơi golf để làm ăn là chuyện hoàn toàn vô bổ. Tôi là một golfer lão làng, với chỉ số handicap dừng lại ở con số 3. Việc ăn uống hay trò chuyện khi đang chơi golf đều khiến tôi bị tụt hứng", Hanks nói.

Thế rồi, ở tuổi 30, tôi thuê Phó Giám đốc Kinh doanh đầu tiên cho công ty tư vấn của mình. Pat làm việc rất xuất sắc, mang về vô số hợp đồng mới. Một ngày nọ, anh ta hỏi tôi trong lúc ăn trưa: "Không biết anh có muốn học chơi golf không?".

Khoảng 1 tuần sau đó, tôi có mặt tại sân golf 18 lỗ Pecan thuộc CLB Sweetwater Country cùng với 3 người khác: Phó Giám đốc của một công ty trong Top 50 Fortune, trưởng đội kỹ thuật của anh ta và Pat. Đó là một trải nghiệm thú vị, khiến tôi được mở mang tầm mắt.

Pat vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Anh ấy khéo léo bắt chuyện với khách hàng, liên tục đưa ra các câu hỏi: Bạn nghĩ thế nào về tiềm năng của thương hiệu X? Tại sao xây dựng mạng SAN in-house lại là giải pháp tốt hơn so với các yêu cầu I/O song song của cụm siêu máy tính mà công ty đang sử dụng?

Việc chơi golf giúp cả hai bên cảm thấy thoải mái, nhưng vẫn có đủ thời gian để thảo luận các vấn đề trọng tâm. Ngoài ra, môn thể thao này cũng đem lại cho chúng tôi cơ hội gặp gỡ nhau trong một môi trường thân thiện, không bị ràng buộc bởi trang phục, lời ăn tiếng nói hay nguyên tắc kinh doanh thông thường.

Đó là một cơ hội VÀNG mà ai làm kinh doanh cũng muốn, thay vì phải gặp gỡ đối tác trong hàng tá lần suốt nhiều tháng trời. Golf còn giúp chúng tôi thiết lập mối quan hệ chưa từng có. Về mặt kinh tế, nó cũng tạo ra cơ hội kinh doanh đáng giá hàng triệu USD, bởi giờ đây tôi trở thành một "ẩn số đã được giải đáp".

Kể từ đó, tôi đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về vai trò của golf trong lĩnh vực kinh doanh.

"Sống ảo" và tìm bạn trai giàu có

Đối với nhiều người trẻ, golf đang trở thành xu hướng trên mạng xã hội và cũng là nơi chụp ảnh lý tưởng. Nhiều người không ngại chi số tiền lớn để mua các bộ trang phục chơi golf hợp thời trang hay của các thương hiệu nổi tiếng.

Khi golfer ra sân không chỉ để chơi bóng: Lợi dụng golf để sống ảo, tạo mối quan hệ làm ăn, đặc biệt làm một việc biến tướng chỉ người trong giới mới biết - Ảnh 2.

Các cô gái mạnh tay chi số tiền lớn mua trang phục hàng hiệu khi vào sân để vừa "sống ảo" vừa tăng khả năng chọn được bạn trai giàu có

Trong một buổi mua sắm ở trung tâm thương mại, Suh Soo-min (30 tuổi) đã chi 600.000 won cho một bộ trang phục chơi golf, bao gồm áo gile golf, áo giữ nhiệt và mũ.

"Thế hệ MZ rất xem trọng việc đăng ảnh lên mạng xã hội và có vẻ như sẵn sàng mua sản phẩm đắt tiền", một nhân viên của FnC cho hay.

Khi đến sân golf, các cô gái bắt đầu chụp ảnh ở mọi góc, miễn làm sao làm đẹp cho trang cá nhân của mình trên mạng xã hội. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm lý tưởng để các nàng chớp lấy cơ hội đổi đời nếu lọt vào mắt xanh của một vị đại gia nào đó.

"Golf là bộ môn không phải ai cũng có thể chơi. Nếu muốn gặp những người đàn ông giàu có, hãy đến sân golf. Hãy nhớ kiểm tra quy tắc về trang phục để trông ổn nhất khi tới", trang Amolife viết.

Một bài đăng trên trang Hub Pages còn đưa ra lời khuyên nếu không thể chơi golf và không đủ khả năng chi trả phí tham gia câu lạc bộ, xin việc làm thêm ngay ở trong sân golf cũng là cách để tiếp cận giới siêu giàu.

"Bạn có thể có cơ hội gặp cùng một nhóm đàn ông 2-3 lần/tuần và nhẹ nhàng bắt đầu một cuộc trò chuyện. Bất kể bạn đến sân golf bằng cách nào, hãy ghi nhớ cách chơi và cố gắng chơi giỏi. Bạn sẽ không để lại ấn tượng và dễ bị xem là kẻ đào mỏ nếu không biết hoặc không quan tâm về bộ môn này".

Còn theo Paired Life, nếu làm việc tại quầy nước hay khu vực lễ tân ở sân golf, hoặc chỉ cần là vị trí có thể xem, quan sát và được nhìn thấy thường xuyên, các cô gái có thể biết ai là người nhiều tiền nhất, ai hào phóng nhất hay ai đã kết hôn.

"Đàn ông giàu dễ có xu hướng ngỏ lời hẹn hò với một gương mặt anh ta quen biết và có thể trò chuyện thoải mái với họ", trang này ghi.

Biến tướng với hoạt động môi giới mại dâm

Ở góc khác, sân golf còn là nơi núp bóng cho một số hoạt động phi pháp như mại dâm. Theo Korea Times, nhiều công ty môi giới trực tuyến ở xứ củ sâm cung cấp các dịch vụ bề ngoài có vẻ như là ghép đôi bạn đồng hành chơi golf song trên thực tế là kết nối những người mua dâm và bán dâm.

Những kẻ môi giới thường không nói thẳng việc mua bán dâm mà ngụ ý bằng cách dùng các cụm từ liên quan đến việc chơi golf, ví dụ như "after" và "handi".

Khi golfer ra sân không chỉ để chơi bóng: Lợi dụng golf để sống ảo, tạo mối quan hệ làm ăn, đặc biệt làm một việc biến tướng chỉ người trong giới mới biết - Ảnh 3.

Sân golf còn là nơi mua bán mại dâm trá hình

Theo đó, "after" đề cập đến dịch vụ tình dục được cung cấp bởi gái mại dâm sau khi cặp đôi kết thúc chơi golf, còn "handi" - viết tắt của "handicap", chỉ điểm số của người chơi golf - lại có nghĩa là phí mua dâm.

Sau khi khách hàng liên hệ với nhà môi giới thông qua mạng xã hội và chỉ định người phụ nữ mình muốn "chơi golf" cùng, anh ta sẽ nhận được tin nhắn thông báo về các dịch vụ đi kèm, giá cả. Khách hàng có thể chọn thời lượng sử dụng dịch vụ, từ 1, 2 ngày đến lâu hơn.

"Để trị tận gốc loại hình phạm tội này, điều quan trọng là phải chứng minh được mục đích của những 'cuộc gặp chơi golf' thực chất là gì", Yonhap trích lời một luật sư.

Giá của các loại dịch vụ mại dâm trá hình này trung bình từ 300.000 won ( 265 USD ) đến 500.000 won ( 440 USD ) tùy thuộc vào "chất lượng" của gái mại dâm. Khách cũng phải trả cho người môi giới phí giới thiệu, từ 50.000 đến 200.000 won.