Về chuyên môn và hiệu ứng khán giả, chương trình có thể nói thành công, tuy nhiên vẫn vướng vài hạt sạn trong khâu tổ chức buổi diễn trực tiếp để trao giải.
Một số khán giả tinh ý có thể nhận ra Ngọc Mai trước đây kinh qua một vài cuộc thi “không giấu mặt” như Sao Mai nhưng không đạt kết quả cao. Giọng hát cũng không có gì đặc biệt (theo tiêu chuẩn nhạc nhẹ) để có thể gây chú ý sau đó. Vì vậy trước đông đảo công chúng và giới chuyên môn, cô vẫn là một ẩn số, thuận lợi để chương trình khai thác.
Ngoài ra một tân quán quân đúng nghĩa cũng sẽ có lợi hơn cho chương trình về mặt hình ảnh. Khi giúp một giọng hát vô danh làm nên tên tuổi hoặc “đổi đời”, vị thế của chương trình cũng có phần được nâng cao hơn. So với việc trao giải cao nhất cho một cựu quán quân của một cuộc khác hay một giọng ca đã nổi tiếng đến nỗi thêm một chức vô địch nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì mấy.
Một vị sếp của đơn vị kiểm toán xuất hiện trong đêm trao giải, đưa kết quả cho MC như một khẳng định của BTC về tính khách quan. Nếu đúng như thế thì có vẻ như số lượng người hâm mộ Phượng Hoàng Lửa đã không lại được với O Sen. Hoặc khán giả của Phượng Hoàng Lửa cũng không màng tới việc bình chọn cho thần tượng. Tuy nhiên Phượng Hoàng Lửa nằm trong số những giọng hát cầm trịch cho chương trình, góp phần thu hút một bộ phận khán giả có tai nghe chọn lọc.
Cảm xúc của các thí sinh khi công bố giải thưởng thường là những khoảnh khắc cận cảnh đáng giá nhưng ở Ca Sĩ Mặt Nạ thì nó như thế này.
O Sen tức Ngọc Mai cũng có những điểm mạnh trong giọng hát và chiến lược thi thố chứ không phải không. Có thể thấy cô thường chọn đúng bài đúng thời điểm và từng bước ăn điểm trong lòng khán giả. Trong khi Phượng Hoàng Lửa dù có những tiết mục tạo hiệu ứng rất lớn, vượt ra khỏi cuộc thi cũng vẫn chỉ có tác dụng cho một lần bình chọn mà thôi.
O Sen cũng tỏ ra là người nói được làm được, chẳng hạn cô cam kết tôn vinh bài hát Việt, đưa đủ các màu sắc vùng miền vào trong các tiết mục. Phải nói rằng hát bài hát Việt Nam tuy vậy mà khó hơn hát tiếng Anh, nhất là với những giọng hát thế hệ sau như Myra Trần đã ngấm nhiều phong cách và kỹ thuật từ những bản hit quốc tế. Khi đã nghe quá lâu và học theo nhuần nhuyễn những gì các diva Anh ngữ thể hiện, lại hát đúng theo bản phối cũ thì đó chính là trả bài không hơn. Các tiết mục kiểu này có thể làm hài lòng nhiều khán giả Việt, nhưng nên để cho khán giả bản ngữ “chấm” thì sẽ thuyết phục hơn.
Trong đêm trình diễn trực tiếp, bài hát lộ diện với những cao trào bùng nổ của Hà Trần lại mang dáng dấp của bài chiến thắng hơn cả. Dù cho Myra Trần cam kết sẽ mang tới cho khán giả những sản phẩm nghiêm túc nhưng có vẻ như những bài cô “phát hành” thông qua chương trình cũng không có gì khác biệt so với những bản ballad yêu đương sến sẩm đang lan tràn trên thị trường. Bài hát lộ diện của Myra Trần cũng là một sản phẩm lần đầu ra mắt đọng lại mấy câu kiểu như “Dẫu cho ngày sau có trăm lần đau, em chẳng sao”…
Ngọc Mai gây sốc nhẹ khi chọn một tác phẩm đậm chất dân gian, ngâm ngợi và lạ tai với phần đông khán giả hiện nay là Đi đâu cho thiếp theo cùng (Phạm Duy). Có vẻ như cô muốn tri ân người chồng Quốc Nghiệp bằng bài hát này?! Và nó cũng thêm một lần thể hiện cam kết tôn vinh nhạc Việt của Mai. Vả lại đêm cuối cùng không còn gì để được/mất, thì chọn bài gì mà chẳng được(!)
Ban tổ chức cho thấy có sự chơi đẹp với những người bỏ tiền ra mua vé xem hòa nhạc trực tiếp bằng cách không phát nội dung biểu diễn lên YouTube. Vì thế khán giả đại trà phải đợi dài cổ đến quá 11h đêm 19/11 mới được “xem ké” phần công bố giải thưởng. Điều này khiến một số khán giả bất bình và dọa sẽ không theo dõi kênh của chương trình nữa.
Việc BTC Ca Sĩ Mặt Nạ tổ chức được hẳn một live show kèm theo phần công bố giải thưởng chứng tỏ sức nóng của cuộc thi vượt khỏi khuôn khổ truyền hình. Được biết có khán giả sẵn sàng bỏ ra 12 triệu mua một cặp vé siêu VIP để có mặt tại sân vận động Phú Thọ, nhưng cuối cùng vẫn không có chỗ để ngồi. Điều này chứng tỏ khâu tổ chức còn thiếu chuyên nghiệp. Chất lượng âm thanh sân khấu hạn chế càng cho thấy điều đó.
Dường như BTC hơi đặt nặng mục đích kinh tế với đêm diễn trực tiếp. Tất nhiên đó là tâm lý thông thường của bất kỳ nhà tổ chức nào - đều muốn bán được nhiều vé với giá cao nhất có thể. Nhưng có lẽ cũng nên lượng sức, căn cứ trên năng lực tổ chức của mình. Nếu đêm diễn trực tiếp được tổ chức trong nhà, chắc chắn BTC không phải lo về thời tiết, kiểm soát tốt hơn hình ảnh, âm thanh cũng như đón tiếp khán giả chu đáo hơn. Nhưng với lượng người xem lên tới 15.000-20.000 thì đúng là cũng khó có “nhà” nào chứa nổi. Tình hình này lần tổ chức sau chắc BTC mang cả các buổi thi ra bán vé quá?