Khi Tóc Tiên quay lưng để gạt nước mắt khi chia sẻ rằng: “Mình không còn thấy đôi mắt lấp lánh khi đứng trên sân khấu nữa” - tôi nghĩ tôi hiểu được phần nào cảm giác đó. Khi làm một công việc quá lâu và cũng có những thành công nhất định, người làm sáng tạo/ nghệ thuật dễ dàng đúc kết cho bản thân những công thức nhất định để những sản phẩm sau có thể khiến khán giả hài lòng. Nhưng việc chấp nhận áp dụng liên tục cái công thức đấy vào sản phẩm, cũng đồng nghĩa với việc bạn thấy mình cứ đi loanh quanh mãi trong một vòng lặp mà không thấy mình phát triển hơn. Nghệ sĩ tính của bạn không cho phép bạn được hài lòng với điều đó.
Giây phút Tóc Tiên quyết định tham gia Chị đẹp Đạp gió mùa 2, cũng chính là giây phút Tóc Tiên quyết định rằng mình phải bước ra khỏi cái vòng lặp đang bào mòn sự sáng tạo và nhiệt huyết với nghề, đẩy mình vào những thử thách và mở lòng mình với những trải nghiệm mới. Bước vào cuộc thi với vị thế của “kẻ mạnh”, nhưng đó cũng chính là bài toán khó khi khán giả đều đã thấy muôn vàn cung bậc của Tóc Tiên trong suốt 21 năm hoạt động. Có lẽ đây chính là điều mà Tóc Tiên đang cần - một cơ hội để thách thức ngược lại những gì mình đã và đang có trong tay.
Bởi với Tóc Tiên lúc này, chiến thắng cuối cùng không quan trọng bằng chiến thắng với chính bản thân mình.
Tóc Tiên: “Tôi đã từng nghĩ: Nếu không làm nghề tiếp, mình vẫn sống ổn”
Chị nhận lời tham gia Chị đẹp mùa 2 từ khi nào?
Tiên không nhớ lắm vì mọi người trao đổi qua anh quản lý chứ không nói chuyện trực tiếp với Tiên. Thật ra từ mùa 1 tới giờ, BTC vẫn luôn ngỏ lời - chỉ là Tiên vẫn luôn từ chối. Đến sát ngày thi của mùa 2, Tiên mới xác nhận tham gia chương trình. Lý do vẫn như cũ: Tiên biết là sẽ rất cực. Mọi người có thể thấy Tiên là người rất hướng ngoại nhưng thật ra Tiên rất lười giao tiếp. Tiên là kiểu sẽ luôn cảm thấy an toàn trong vòng tròn bạn bè của mình, nếu “cơi nới” ra để gặp thêm người mới thì cũng sẽ rất ngại va chạm. Tính của Tiên lại dễ tạo ra mâu thuẫn và hiểu lầm, thế nên Tiên… càng ngại.
Điều gì khiến chị thay đổi ý định vào phút chót?
Rất nhiều lý do mà nếu kể ra thì không biết bắt đầu từ đâu, cả chủ quan lẫn khách quan. Lý do chủ quan như Tiên có chia sẻ trong tập 1 - đó là bởi Tiên muốn đi tìm lại ngọn lửa nghề. Đam mê vẫn ở đó nhưng bởi đã hoạt động quá lâu năm nên mình bị rơi vào vùng trũng. Cũng có thể coi đó là một kiểu mid-life crisis. Suốt một thời gian, Tiên không biết phải đi về đâu, làm gì tiếp theo, rồi nhìn sang thấy một làn sóng các bạn nghệ sĩ trẻ đang vươn mình ồ ạt trong 2 năm trở lại. Điều đó càng khiến Tiên hoài nghi về bản thân và về con đường mình theo đuổi. Liệu nó có đang đúng hay không?
2 năm vừa rồi, khán giả có thể thấy Tiên im ắng nhưng thật ra không phải. Tiên im ắng bề nổi thôi còn vẫn âm thầm làm việc. Tiên tìm tòi, thu thập những bài hát cho album mới nhưng nó cứ bị delay vì nhiều thử thách. Năm ngoái, Tiên từ chối Chị Đẹp một lần với lý do đang làm album. Nó chưa xong ở thời điểm ấy. Năm nay khi nhận lời mời rồi, nó vẫn… chưa xong. Rất nhiều chướng ngại vật cứ ngăn mình lại, đến một lúc Tiên quyết định: Quá nhức đầu rồi, tạm dừng lại đã. Lúc đó mới nghĩ rằng sẽ tạm ngừng làm album thôi nhưng chưa nghĩ đến việc tham gia Chị đẹp. Tiên muốn mình làm mới lại tâm hồn và đầu óc, bản thân phải thoải mái thì mới tập trung được cho chuyên môn.
Lý do thứ 2 là các chị em dù tham gia chương trình nào thì cũng gọi hỏi Tiên: Trời ơi, chị/em có nên thi chương trình này không? Ai cũng hỏi Tiên hết, giống như Tiên là quân sư vậy. Mlee thi hoa hậu cũng hỏi. Đồng Ánh Quỳnh cũng hỏi. Cá biệt có chị Minh Tuyết tháng nào cũng hỏi, từ tháng 6 đến tháng 8 luôn. Thậm chí đến ngày quay vòng hội ngộ, chị… vẫn hỏi. Hỏi có nên làm đội trưởng không? Lúc đó chị Tuyết vẫn chưa biết Tiên đi thi vì Tiên giấu đến tận phút cuối cùng. Tiên thì lúc nào cũng động viên các chị em hãy đi thi đi, không phải lúc này thì lúc nào? Khuyên hoài rồi đến lúc mọi người hỏi ngược lại: Ủa, sao mày không thi mà mày cứ xúi tao thi?
Lúc đó, Tiên lại cứ chống chế rằng mình đang bận làm album. Nhưng khi quyết định tạm dừng việc này, Tiên nghĩ: Tại sao mình xúi mọi người mà mình không làm thì có phải là hơi hèn không? Ý định đi thi nhen nhóm từ đó, bởi dù sao thì năm 2024 cũng chưa có dự định gì. Thế nên hay cứ bận rộn tí xíu vậy.
Trong tập 1, chị có chia sẻ rằng: Chị nhận ra đôi mình không còn lấp lánh khi được làm nghề nữa. Suy nghĩ này đến với chị từ khi nào?
Trong vòng 1 năm trở lại đây. Điều này không chỉ bắt nguồn từ bản thân Tiên mà nó cũng đến khá nhiều từ thị trường. Như mọi người thấy, thời gian gần đây thị trường âm nhạc Việt Nam khá ảm đạm. Tiên sẽ tính cột mốc trước mùa hè năm nay với 2 chương trình anh trai. Khoảng đầu năm, ngay cả những anh chị em nghệ sĩ có tên tuổi cũng không đủ sức để kéo sức nóng của thị trường trở lại. Tiên nghĩ điều đó có thể đến từ hậu quả của đại dịch kéo dài, mang theo sự ảnh hưởng về kinh tế và khiến cho tình hình chung trở nên ảm đạm. Rồi thì việc làm album nhưng gặp rất nhiều chướng ngại, tâm huyết thì có nhưng nó cứ gập gềnh sao đó. Rồi đến cả những mối quan hệ trong nghề cũng gặp nhiều vấn đề, điều đó khiến mình bị nản. Nhiều cái cộng dồn lại khiến Tiên không biết phải làm gì tiếp theo. Khi đứng trên sân khấu, Tiên vẫn diễn hết mình và thể hiện tối đa sự chuyên nghiệp của mình, nhưng cảm giác hạnh phúc, cái dopamine khi được trình diễn lại vơi đi ít nhiều.
Chắc đó là cảm giác của việc nhận ra một thứ đang là lẽ sống của mình nhưng bỗng không còn đúng nữa.
Đúng là như vậy. Không biết những người đồng nghiệp khác thế nào, nhưng đến một lúc, sẽ có một điểm rơi khiến mình nhận ra: Không làm nghề tiếp… cũng được. Tiên đã từng nghĩ đến việc đó, đã từng chấp nhận rằng mình có thể không tiếp tục với công việc này. Tiên không dám nói rằng mình sẽ từ bỏ, nhưng đâu đó bên trong sự thỏa hiệp dần xuất hiện, và mình bắt đầu tự nhủ: Nếu không làm nghề tiếp, tôi vẫn sống ổn.
Suy nghĩ ấy khá nguy hiểm…
Chính vì vậy, Tiên mới nói rằng: Đó là tâm lý mà nhiều bạn nghệ sĩ cùng thế hệ với Tiên đều đang, đã và sẽ trải qua. Chắc chắn các em Gen Z bây giờ cũng sẽ trải qua tâm lý đó. Hãy chờ đấy! Các em chưa từng già đi nhưng chị đã từng trẻ nha!
Là do chị đã đạt đỉnh cao của mình rồi, hay là do mình vẫn đang loay hoay đi mãi nhưng chưa tìm được đừng chinh phục cái đỉnh cao mà mình mong muốn?
Với Tiên, việc ở quá lâu trong nghề là một điều hiển nhiên. Một cái máy hoạt động đến 21 năm thì cũng đến lúc phải chai mòn chứ. Tiên không chắc mình đã đạt đến đỉnh cao trong nghề hay chưa, nhưng để nói rằng đã đạt được những thành tựu mình mong muốn thì cũng đã ít nhiều làm được. Điều quan trọng là việc mất đi ít nhiều những mục tiêu để cố gắng thì cảm xúc cũng sẽ theo đó mà phai dần.
Tôi nghĩ là do một phần bởi việc ở trong nghề quá lâu, chị biết được sẽ làm gì để khán giả cảm thấy hài lòng. Và điều đó tạo thành một vòng lặp, vô hình chung biến công việc mình thích trở thành một công thức.
Đúng là như vậy. Và điều đó cũng đến rất nhiều từ bản thân mỗi người. Chúng ta có thể tự kìm hãm mình trong những vòng lặp đó. Tiên thừa hiểu rằng: Nếu mình làm cái này, cái kia - khán giả sẽ thích. Nhưng điều đó đánh đổi bằng việc mọi thứ mất đi xác suất rủi ro, sự mạo hiểm, tính chinh phục trong công việc.
Ai đó nói rằng: Không có công thức trong nghệ thuật. Nhưng ai làm công việc này lâu đều hiểu: Ít nhiều mọi thứ đều có công thức. Người làm truyền thông cũng vậy, ta biết 10 ngày trước khi ra sản phẩm sẽ làm gì. 9 ngày thì sao? 5 ngày như thế nào? Cùng lắm không vào Top Trending nhưng kiểu gì chẳng có show diễn? Điều đó khiến Tiên mất đi sự mạo hiểm khi làm nghề, và vô tình cũng mất đi động lực như cách đây 10 năm.
Như chị có chia sẻ, chị đã làm nghề được 21 năm rồi. Đó là một hành trình đáng nể! Thậm chí chị đã ở trong ngành này từ khi nó mới bắt đầu thôi. Việc là một người nổi tiếng trong một khoảng thời gian dài như thế - làm thế nào để chị kết nối được với con người thật, sâu thẳm bên trong mình?
Mới 35 tuổi thôi nhưng Tiên đã làm nghề được 21 năm rồi. Bằng một cách nào đó, Tiên học được việc dung hòa giữa 2 con người. Một là ca sĩ Tóc Tiên và một là cô gái Nguyễn Khoa Tóc Tiên. Tiên tách bạch hai con người đó một cách rõ ràng. Khi làm việc, Tiên nói rất nhiều, vô cùng hướng ngoại. Nhưng về đến nhà, Tiên chỉ dành thời gian cho bản thân mình thôi. Ngoài gia đình thì Tiên rất thích dành thời gian làm những việc mình thích. Thậm chí có những ngày chẳng nói câu nào, chỉ nằm nhà xem Netflix là đủ. Đó là cách Tiên sạc năng lượng và tách bạch 2 con người, 2 thế giới của bản thân.
Nhìn lại 21 năm đó, chị cảm thấy… như thế nào?
Tiên không nghĩ là lại dài đến thế. Có thể là dài hơn đấy, nhưng Tiên lấy cột mốc khi đi thi Yo! - đó là lần đầu tiên mình được lên VTV. Tiên hay nói mọi thứ bắt đầu từ năm 2003 nhưng thật ra Tiên đã đi hát từ hồi bé xíu. Bình thường không để ý thì không sao, nhưng nghe tới 21 năm thì thấy dài dữ vậy trời. Nhưng Tiên cũng cảm thấy rất vui, vì đã và đang sống với một nghề mà nhận về quá nhiều tình yêu thương từ khán giả, nhận được cả sự yêu thương của tổ nghề. Mình được làm nghề, được sống không chỉ nhờ thực lực của mình, mà còn bởi rất nhiều sự ủng hộ khác nữa.
Có bao giờ chị nghĩ là mình sẽ làm nghề đến tận bây giờ không?
Không nha. Có 2 điều Tiên chưa từng nghĩ. Một là làm nghề đến tận bây giờ. Hai là không làm nghề thì làm gì khác.
Một cái lâu nữa đó là rất lâu rồi chị mới quay lại làm thí sinh một chương trình thực tế…
Lúc thi thì sẽ là 9 năm, nhưng đến lúc tập cuối phát sóng thì sẽ là tròn 10 năm.
Bản thân Tóc Tiên là một nghệ sĩ rất toàn diện. Chị hát hay, nhảy đẹp, trình diễn giỏi, sẵn sàng hóa thân trong mọi concept khó nhất và cũng cực kỳ hoạt ngôn. Có điều gì thì khán giả cũng đã từng thấy ở chị rồi. Vậy khi tham gia chương trình, điều đó có phải cái khó của chị không?
Đó là một thử thách và cũng là lý do mà Tiên chần chừ trong việc tham gia chương trình. Tiên biết rằng khán giả đã thấy rất nhiều phiên bản của Tóc Tiên rồi. Hình tượng nào mình cũng từng thử hết, từ nền nã cho đến cá tính và bứt phá. Tính Tiên cũng không phải người ngại thử nên có gì là mình làm hết. Không biết khán giả có kỳ vọng không nhưng mọi người hay nói Tiên là đối thủ mạnh, mọi người cũng đâu biết rằng càng được đánh giá cao thì càng phải cố gắng khi mọi việc mình làm, mọi người đều quan tâm.
Ví dụ như Quỳnh đi, khán giả không biết Quỳnh hát và nhảy được nên khi bạn làm những việc đấy tốt - khán giả sẽ rất bất ngờ. Còn Tiên, bản thân việc hát và nhảy đã trở thành quá bình thường và hiển nhiên, nên mình phải luôn nghĩ cách để làm mới bản thân. Đó là lý do vì sao mình lựa chọn tiết mục liên khúc ở phần thi solo. Đó cũng là áp lực lớn nhất của Tiên: Làm thế nào để khán giả không nghĩ mình làm chuyện này là hiển nhiên.
Tôi có từng nói chuyện với chị Mỹ Linh về Chị đẹp, và cả hai chị em đều đồng ý rằng format của chương trình rất hay khi có thể mang đến một khía cạnh mới của phụ nữ sau 30 tuổi. Năm nay chị Tiên đã 35 rồi, dù rất tích cực nhưng có bao giờ chị cảm thấy sức nặng của thời gian bắt đầu khiến vai mình… hơi mỏi?
Với 2 năm vừa rồi thì có, nhất là khi mình bị bế tắc với dự án album, khi mình thấy cả nền giải trí trầm lắng và các bạn trẻ thì cứ thế vươn lên. Lần đầu tiên, Tiên cảm thấy thời gian chạm vào mình mạnh mẽ như vậy. Không phải là cảm giác thấy mình già cỗi mà là cảm giác thấy mình lạc lối. Miệng thì luôn nói mình già quá, nhưng Tiên luôn quan niệm, tuổi tác cũng chỉ là con số. Tiên từng nói điều này với chồng, rằng nếu cứ nói là già nên không làm thứ này, thứ kia - thì chẳng phải là tự mình đang giới hạn bản thân mình đó sao? Tiên cũng đã có những lần tự đặt ra cho mình những giới hạn như vậy, nhưng rồi khi bình tâm nhìn lại thì nhận ra: Đâu ai bắt mình… không được làm?
Trong tiếng Anh có một từ Tiên rất thích, đó là “grow”. Thông thường, khi nói “grow”, người ta sẽ dùng khi nhắc đến một cái cây. “Grow a tree” chẳng hạn. Khi bạn trưởng thành, họ sẽ nói “grow old” chứ không phải “get older” - dù đó là cách nói thông thường. “Grow old” mang nghĩa bạn đang phát triển bản thân thành một phiên bản lớn hơn chứ không phải già đi. Là tích cực chứ không phải tiêu cực.
Thế nên, thay vì nghĩ rằng: Trời ơi có nếp nhăn rồi, má trũng xuống rồi, làm gì cũng không lại với các bạn Gen Z hết thì hãy đặt câu hỏi: Làm thế nào để học hỏi các bạn ấy? Hãy học thêm về thế giới đi, nghe nhạc nhiều hơn và tìm tòi nhiều hơn đi.
Có một câu chuyện bên lề như thế này. Dạo gần đây, Tiên thích một nhóm nhạc Kpop. Nghe nhạc của nhóm này, Tiên thấy mình như có thêm năng lượng, cũng cảm thấy rất hợp gout và nghĩ nếu vậy chắc các bạn cũng lớn tuổi rồi. Cho đến khi tìm hiểu, Tiên mới phát hiện các bạn sinh năm 2000, 2001 không à. Tiên hết hồn luôn! Thua mình một con giáp lận. Thế nhưng điều đó lại khiến Tiên nhận ra, gout nhạc của mình vẫn có nhiều sự đồng điệu với các bạn trẻ đó chứ! Chứng tỏ là mình đâu có thụt lùi lắm đâu. Và khi đón nhận những cái mới với tâm thế hoàn toàn cởi mở, mình lại thấy bản thân “grow older”.
Tham gia một chương trình truyền hình thực tế - thứ vốn gắn liền với drama. Vậy Tóc Tiên có phải một người sợ drama không?
Rất sợ drama là đằng khác. Không phải vì Tiên có drama mà bởi Tiên sợ những thứ mà họ áp đặt lên mình, nói vui là: Nhét chữ vào mồm đó. Thật ra Tiên không sợ mà Tiên ngại nhiều hơn. Tính Tiên vốn bộc trực và thẳng thắn, nghĩ gì thì nói đó. Vậy nên nếu gặp một ekip có mục đích khác mình thì họ sẽ dễ dàng bẻ lái câu chuyện sang một cách hiểu khác. Tính đến thời điểm này, Tiên nghĩ mình có thể tin tưởng ekip và biên tập của Chị đẹp.
Tôi nghe nhiều ý kiến cho rằng: Chương trình toàn đàn ông thì sẽ có một năng lượng anh em, hòa đồng và vui vẻ. Nhưng một chương trình cho phụ nữ thì đâu đó sẽ phải có drama?
Điều này Tiên luôn muốn khẳng định rất nhiều lần, thậm chí từng nói ngay trong họp báo Chị đẹp. Mọi người luôn có một cái nhìn khắt khe hơn với chương trình có phụ nữ tham gia, không hiểu vì lý do gì. Cùng một hành động, với anh trai thì khán giả khen là cảm động, nhưng các chị lại thành thảo mai. Mới gặp nhau mà, mình phải lịch sự chứ đâu thể bỗ bã.
Cánh phụ nữ trước giờ vẫn luôn gặp áp lực về những quy tắc ứng xử. Vậy nên Tiên mong rằng, qua chương trình năm nay, khán giả sẽ gạt bớt những suy nghĩ có phần áp đặt lên phụ nữ nói chung và các Chị đẹp nói riêng. Drama hay không thì Tiên nghĩ là do góc nhìn và cách khai thác của các bên thôi. Nhiều khi câu chuyện không có gì, nhưng truyền thông dễ khai thác theo hướng khác. Nếu các chị không tự đối thoại với nhau là coi như drama sẽ thật sự xảy ra đó. Thế nên khi vào show, các chị em cũng tự nhắc nhở nhau rằng: Nếu có vấn đề là phải đối thoại để câu chuyện không đi xa hơn, cũng như cùng nhau tìm ra vấn đề để giải quyết. Nhóm nào cũng sẽ có vấn đề hết, nhưng các chị em đều tự khuyên nhau hãy nói chuyện thẳng thắn để câu chuyện không bị tam sao thất bản.
Tôi nghĩ thật ra định kiến này cũng đến rất nhiều từ tính cách bản năng của phụ nữ. Đôi khi, gặp phải vấn đề, phụ nữ có xu hướng thu mình vào bên trong, hoặc đâu đó phụ nữ sẽ có thói quen để ý những chi tiết nhỏ hơn…
Tiên nghĩ cũng một phần vì mọi người luôn mặc định phụ nữ phải ghét nhau. Nhiều khi người ta không nói gì đâu, nhưng vì đọc báo, đọc comment thì ai mà chẳng bị ảnh hưởng cảm xúc cơ chứ. Đó là lý do khi vào show, Tiên phải cởi mở nhất có thể để ngăn những chuyện đó. Bản thân Tiên là người có một năng lượng rất dễ bị hiểu lầm. Khi làm việc nhóm, Tiên dễ khiến đồng đội cảm thấy là mình đang át vía ai đó. Thế nên Tiên luôn cố gắng khiêm tốn, thực tế, chân chạm đất nhất có thể và tìm cách rút ngắn khoảng cách nhanh nhất trong việc hiểu mọi người. Thời gian thi là 4 tháng nhưng mỗi công chỉ có 1 tuần là gặp nhau thôi. Nếu cứ giữ ké, không chịu nói chuyện thì làm sao mà làm việc cùng nhau được.
Trong lịch trình căng thẳng của show, sẽ có rất nhiều tình huống khiến cảm xúc của mình bị tiêu cực. Đôi khi nó chẳng phải drama đâu, nhưng làm thế nào để chị luôn kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ của mình - không để nó diễn biến theo chiều hướng xấu?
Đúng là mình không thể tránh được những lúc cảm xúc tiêu cực dẫn dắt đến những suy nghĩ sai. Như Tiên nói, rất may mắn khi các chị em đều thống nhất rằng đây là một cuộc chơi tập thể chứ không phải cá nhân. Đã là tập thể thì cần kiểm soát cái tôi và… cái nư của mình. Tất cả chị em đều nhận thức được vấn đề đó. Trong team của Tiên, mỗi người đều có những cách kiểm soát cảm xúc riêng. Với Tiên, những khi cảm xúc nặng nề quá thì Tiên sẽ không nói nữa, bởi lúc đó Tiên cần nhất sự bình tĩnh. Nhưng mặc dù cố bình tĩnh lại nhưng mình vẫn cần giải quyết vấn đề theo cách mà cả team mong muốn. Quan trọng nhất là học cách hạ cái tôi của mình, lắng nghe và đối thoại nhiều hơn.
Hẳn đó là điều chị đã học được trong những ngày khởi đầu của hành trình này?
Đúng. Tiên đã học được cách kiểm soát năng lượng và ngôn từ của mình. Với ekip thân quen thì mình có thể bỗ bã một chút, nhưng với các chị đẹp lâu rồi chưa gặp hoặc gần lần đầu thi khác. Quỳnh có thể hiểu cách nói chuyện của mình nhưng không phải chị đẹp nào cũng đủ hiểu con người mình để thông cảm cho cách nói chuyện đó? Vậy nên tốt nhất là phải học cách kiểm soát chính mình thôi. Như Tiên nói, đây là một hành trình “xung đột” rất nhiều, nhưng “xung đột” để hiểu nhau chứ không phải để xa cách nhau. Một bài hát 3 phút, chia cho 5 chị, làm sao mà hát hết được? Kiểu gì cũng có những đoạn chị nhường em và em nhường chị, cao hay thấp, nhảy nhót cũng vậy. Tiên nghĩ bài học thứ hai là Tiên đã học được chữ “nhẫn”.
Càng vào sâu hơn thì các chị em càng thông cảm cho nhau hơn. Không phải ai cũng hiểu rằng có người giỏi cái này và có người lại dở cái kia. Quá trình làm việc nhóm cũng giúp mình học cách giấu đi những điểm yếu và gộp những điểm mạnh với nhau. Giống như giải một câu đố, sắp xếp một mảnh vỡ thành một chiếc ly hoàn chỉnh. Tiên nghĩ rằng đây là một hành trình rất hay, nó hấp dẫn hơn hẳn chiến thắng từng công hay thậm chí là thành đoàn. Nói thẳng thì Tiên không quan tâm đến thành đoàn luôn.
Tôi nghĩ việc tham gia chương trình với nhiều chị em ở các lĩnh vực và độ tuổi khác nhau cũng mang đến cho chị rất nhiều những câu chuyện và cảm xúc về cuộc sống của mỗi người.
Đúng. Mỗi chị em là một chất liệu. Khi bắt tay làm một bài mới thì Tiên luôn hỏi mọi người rằng: Bà trải qua cái này chưa? Có gì bà cứ chia sẻ với tui nha. Làm concept sân khấu thì Tiên cũng muốn các chị em cùng đóng góp về chất liệu. Tiên luôn cố gắng để lắng nghe hết mong muốn của các chị em trong team. Trước đây, tính cách của Tiên có đôi phần áp đặt. Mình biết rõ điều này và đang dần điều chỉnh nó.
Khi tham gia chương trình, Tiên càng cố để thể hiện sự nỗ lực đó của mình rõ hơn. Ví dụ khi không thích một quyết định nào đó và muốn mọi người lắng nghe ý tưởng của mình, Tiên sẽ tim cách để thuyết phục cho mọi người hiểu. Đó là cách làm việc nhóm hiệu quả.
Về cá nhân, Tiên cảm thấy rất đáng yêu khi được lắng nghe những câu chuyện riêng của mọi người. Các chị em nhìn vậy nhưng đều có những góc khuất. Ngay cả những em nhỏ nhất cũng đều có áp lực và cả những tham vọng riêng. Trong chương trình, khi sử dụng từ “tham vọng” - chúng ta dễ nhìn nó với một sắc thái hơi tiêu cực. Nhưng tham vọng không xấu. Tham vọng là động lực giúp ta bước qua vùng an toàn của bản thân. Ngoài việc học được chữ “nhẫn”, học được sự lắng nghe và đối thoại thì mình cũng cần học cách bớt đánh giá và soi xét. Bản tính con người luôn có “tham, sân, si” trong lòng. Ngay cả người hiền nhất đâu đó cũng sẽ có cảm xúc: Chiến thắng của đội kia không thuyết phục? Tại sao tôi lại thua?
Sau khi bình tĩnh lại, chúng ta đều nhận ra đây chỉ là cuộc chơi. Còn cuộc đời dài ngoài kia mà. Nghĩ thế rồi lại bớt đánh giá người khác lại. Có những chị em, ban đầu Tiên có cái nhìn không đúng về họ. Sau vài công mình nhận ra họ không phải như mình từng nghĩ. Có thể do năng lượng của họ khiến mình hơi xa lạ một xíu. Nhưng rồi khi biết được mục đích của họ tới chương trình là để tỏa sáng, mình lại cảm thấy thấu hiểu hơn rất nhiều.
Đến giờ phút này, Tiên thân với ai nhất trong chương trình?
Hiện tại vẫn là Quỳnh. Gần đây thì Tiên thân hơn với Misthy. Bộ ba 89 trong chương trình cũng khá thân nhau, vì lứa 89-90 nằm giữa, thế nên có nhiệm vụ kết nối giữa các chị lớn và các bé nhỏ hơn. Khi Tiên cởi mở hơn thì các em cũng thoải mái giỡn chung. Nếu mọi người theo dõi sâu hơn thì sẽ nhận ra, Tiên và Ái Phương có biệt danh là “Đào lưu động”.
Có chị đẹp nào khiến Tiên phải ngỡ ngàng vì tính cách không?
Bùi Lan Hương! Mọi người sẽ vỡ mộng về bả đó. Hôm quay solo, chị đẹp vô cùng nhưng mở miệng ra là… thấy hài không à. Mọi người hãy xem Chị đẹp đi nha vì nhiều chị có tính cách mà mọi người không thể ngờ đâu!
Chồng chị có tham gia ATVNCG với vai trò nhà sản xuất âm nhạc, khi chị tham gia Chị đẹp, anh nhà có cho chị lời khuyên nào không?
Không. Anh ấy không can thiệp gì đâu. Mọi người trên mạng hay nói: Cô ấy có chồng làm nhạc giùm, nhưng thực ra đâu có. Anh Hoàng không làm nhạc cho Tiên. Là S*Hube và Hứa Kim Tuyền đó chứ.
Tính đến thời điểm này, chị có thể khoe một chút về những gì mà mình sẽ mang tới chưa chương trình trong những công diễn sau?
Để nói về độ hết mình trên sân khấu thì hẳn khán giả cũng biết Tiên cỡ nào rồi. Nhưng đó giờ Tiên chỉ hết mình một mình thôi, nhưng làm sao để dung hòa được trong các nhóm mới khó. Tiên bật mí một xíu là Tiên được vào các nhóm khác nhau. Tính đến thời điểm hiện tại, thành viên trong nhóm mình hoàn toàn là những người mới.
Còn về phần trình diễn thì mình có thể thích, nhưng khán giả lại có thể không. Có những phần trình diễn rất cực và khó nhưng khán giả thấy thì bình thường à. Mình không thể ngăn được suy nghĩ đó, bởi người ta không hiểu mình đã trải qua những gì. Tiên chỉ muốn nói rằng, qua mỗi công diễn thì mọi người sẽ thấy Tiên được làm việc với các chị đẹp khác nhau.
Vậy câu hỏi cuối cùng nè: Đi tìm lại sự lấp lánh trong đôi mắt khi làm nghề, thế giờ đôi mắt chị đã lấp lánh trở lại chưa?
Chưa nha. Đôi mắt Tiên giờ là đôi mắt trũng sâu, đôi mắt mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng.Càng về sau, độ nặng của các thử thách càng tăng. Luật mùa 2 lại cực kỳ gắt, thậm chí oái ăm. Tiên luôn đi kêu gào: Công bằng ở đâu? Luật gì tùm lum và lủng củng quá vậy? Các chị em nghe luật rồi lúc nào cũng phải quay ra hỏi lại nhau vì không ai hiểu gì hết trơn.