Khi đầu tư phản tác dụng, giới trẻ Hàn Quốc chật vật với cuộc sống, vỡ tan giấc mộng “nghỉ hưu sớm”

Thanh Tâm, Theo Trí Thức Trẻ 19:15 29/10/2022

Cánh cửa vươn tới giấc mơ độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm của nhiều người trẻ Hàn Quốc giờ dần như đã khép lại.

Với mơ ước nhanh chóng trở nên giàu có, độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm theo trào lưu FIRE (Financial Independence, Retire Early), nhiều người trẻ tuổi tại Hàn Quốc, đối tượng thường ưa thích các khoản đầu tư rủi ro cao nhưng ít vốn, đã quyết định đi vay tiền để đầu tư sinh lời, được gọi là "bittoo" trong tiếng Hàn.

Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán và tiền điện tử biến động không ngừng đi kèm với lãi suất ngân hàng tăng do ảnh hưởng của lạm phát, nhiều người hiện đang phải gánh chịu hậu quả và dần xa cách với giấc mộng đổi đời của họ.

Khi đầu tư phản tác dụng, giới trẻ Hàn Quốc chật vật với cuộc sống, vỡ tan giấc mộng “nghỉ hưu sớm” - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ tìm đến đầu tư rủi ro như một cách đổi đời nhanh chóng

Liều lĩnh đánh đổi

Anh Jeong, người hiện đang làm việc tại một công ty công nghệ. Anh cho biết, anh ấy đã bỏ theo dõi tất cả các cộng đồng cũng như các kênh YouTube mà mình từng truy cập hàng ngày để thu thập các mẹo và thông tin về đầu tư.

Được biết, Jeong đã lỗ khoảng 90 triệu won (62.700 USD) khi đầu tư vào tiền ảo thông qua các sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Hàn Quốc là Upbit và Bithumb. Hai phần ba trong số đó (khoảng 60 triệu won) lại đến từ các khoản vay các ngân hàng và một công ty môi giới.

"Đáng ra tôi phải dừng lại sau khi lỗ 30 triệu won nhưng tôi quyết định đổ thêm tiền với hy vọng thu hồi gốc và cuối cùng mất trắng. Từ giờ tôi sẽ không đến gần cổ phiếu và tiền ảo nữa" - anh nói.

Khi đầu tư phản tác dụng, giới trẻ Hàn Quốc chật vật với cuộc sống, vỡ tan giấc mộng “nghỉ hưu sớm” - Ảnh 2.

Nhiều người trẻ không những mất trắng mà còn gánh thêm khoản nợ khổng lồ

Một người đàn ông khác họ Kim (29 tuổi), người mới chỉ bắt đầu đi làm cách đây hai năm nhưng đã mất trắng bốn tháng lương sau khi tham gia đầu tư cổ phiếu. Khoản lỗ lớn nhất của anh đến từ việc đầu tư vào cổ phiếu của một công nghệ Mỹ vào năm 2021. Sau một năm, giá trị cổ phiếu hiện tại đã giảm tới 83%.

"Khi đó, tôi đã đến tuổi phải kết hôn nhưng nhận thấy tiền lương của mình hầu như không tăng lên. Trong khi đó, thị trường chứng khoán lại 'phất' lên nhanh chóng và trở thành cơ hội làm giàu hấp dẫn" - Kim chia sẻ về quyết định đầu tư của mình.

"Đổi đời" theo cách đáng buồn

Theo Cơ quan lưu ký chứng khoán, các nhà đầu tư ở độ tuổi từ 20 đến 30 chiếm 41% tổng số người đầu tư. Họ bị thu hút bởi chiến lược "bittoo" trong những năm qua. Theo đó, vào cuối năm 2020, có 319.232 nhà đầu tư chứng khoán dưới 30 tuổi đã vay các khoản liên quan đến chứng khoán từ hơn ba tổ chức tài chính. Tính đến tháng 6 năm nay, con số đó đã tăng 21% lên 387.021, theo dữ liệu từ Dịch vụ Giám sát Tài chính.

Trong cùng thời kỳ, các nhóm tuổi khác báo cáo mức tăng trung bình 5%, cho thấy mức độ phổ biến không tương xứng của “bittoo” trong giới trẻ vào năm 2021, khi giá cổ phiếu và tiền kỹ thuật số tăng vọt.

Khi đầu tư phản tác dụng, giới trẻ Hàn Quốc chật vật với cuộc sống, vỡ tan giấc mộng “nghỉ hưu sớm” - Ảnh 3.

Chính phủ Hàn Quốc đưa ra các biện pháp để hỗ trợ giảm nợ cho người trẻ

Khi những nhà đầu tư trẻ tuổi tại Hàn Quốc phải gánh khoản lỗ quá nặng từ việc đầu tư tiền ảo và biến nó trở thành một vấn đề xã hội, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một kế hoạch giảm nợ cho họ.

Theo đó, một phần lớn của chương trình hỗ trợ là dành cho nhóm dễ bị tổn thương. Chương trình này cho phép những người mắc nợ dưới 35 tuổi được giảm tới 50% tiền lãi, gia hạn thời gian trả nợ lên 3 năm và áp dụng lãi suất 3,2%.

Khi đầu tư phản tác dụng, giới trẻ Hàn Quốc chật vật với cuộc sống, vỡ tan giấc mộng “nghỉ hưu sớm” - Ảnh 4.

Số lượng người dưới 30 nộp hồ sơ phá sản tăng mạnh trong năm 2022

Tương tự, Tòa án Phá sản Seoul cũng đặc biệt xem xét các khoản nợ bắt nguồn từ việc đầu tư vào cổ phiếu và tiền kỹ thuật số. "Kể từ ngày 1 tháng 7, khi nộp đơn xin phá sản cá nhân, các khoản lỗ phát sinh do đầu tư vào tiền ảo (tiền điện tử) hoặc cổ phiếu sẽ không được tính vào số tiền trả nợ mà người mắc nợ sẽ phải trả trong tương lai" - Tòa án thông báo.

Cũng theo cơ quan này, số lượng hồ sơ phá sản của nhóm người này trung bình từ 245 trường hợp mỗi tháng trong nửa đầu năm 2022 đã tăng lên 322 trường hợp vào tháng 7 và 315 trường hợp vào tháng 8 năm 2022. Trong đó, tỷ lệ những người ở độ tuổi 20 tăng gần 9% và chiếm 19,6% trong tổng số, cho thấy sự tăng trưởng mạnh về tỷ lệ người trẻ phá sản do đầu tư rủi ro.

Nguồn: Korea Herald