Khi con nổi giận, đừng chỉ im lặng: 3 câu nói giúp cha mẹ hóa giải cảm xúc tiêu cực, nuôi dưỡng lòng tin

M.Tee, Theo Phụ nữ số 21:38 26/04/2025
Chia sẻ

Tức giận là một trong những cảm xúc bản năng của con người, và trẻ nhỏ không phải ngoại lệ.

Nhiều bậc phụ huynh thường lúng túng hoặc mất bình tĩnh khi con la hét, khóc lóc, đập đồ. Thay vì trách phạt hay dọa nạt, hãy thử bắt đầu bằng một câu nói nhẹ nhàng – vì chính những lúc trẻ cảm thấy "khó ưa" nhất, lại là lúc trẻ cần được yêu thương nhất.

Dưới đây là 3 câu nói được nhà tâm lý học Canada – Caitlin Slavens – khuyên cha mẹ nên nói với con khi cơn giận bùng lên.

1. "Mẹ thấy con đang tức giận về điều này, và mẹ hiểu vì sao con cảm thấy như vậy"

Khi trẻ bùng nổ cảm xúc, điều đầu tiên trẻ mong đợi không phải là giải pháp, mà là được công nhận cảm xúc. Một câu nói như vậy không chỉ làm dịu con mà còn giúp trẻ biết rằng mình không hề "xấu" khi tức giận – cảm xúc đó là hợp lý, và hoàn toàn được lắng nghe.

Chẳng hạn, khi trẻ gào lên vì không được mua đồ chơi, bạn có thể nói: "Mẹ hiểu con đang rất muốn có món đó, và bị từ chối khiến con buồn bực. Điều đó là bình thường".

Sự thấu cảm này giống như một cái ô che mưa trong cơn bão cảm xúc của con. Khi cảm thấy được đồng hành, trẻ sẽ dễ dàng hạ nhiệt hơn rất nhiều.

Khi con nổi giận, đừng chỉ im lặng: 3 câu nói giúp cha mẹ hóa giải cảm xúc tiêu cực, nuôi dưỡng lòng tin- Ảnh 1.

Mẹ hãy quan tâm đến cảm xúc của con nhé.

2. "Mẹ quan tâm tới cảm giác của con và sẽ giúp con vượt qua điều này. Bây giờ chúng ta có thể làm gì?"

Đây là lúc bạn đưa tay "kéo con ra" khỏi cơn giận, nhưng không phải bằng mệnh lệnh, mà bằng sự đồng hành.

Câu hỏi mở như trên khuyến khích trẻ tham gia vào quá trình xử lý cảm xúc của chính mình. Trẻ sẽ học cách suy nghĩ về giải pháp thay vì bị cuốn theo cơn giận. Tùy độ tuổi, bạn có thể gợi ý:

"Chúng ta cùng vẽ lại cảm xúc nhé".

"Con có muốn nằm ôm gấu bông một lát không?".

"Hay mình đi dạo một vòng trong sân?".

Quan trọng nhất, hãy cho trẻ thấy rằng cảm xúc không đáng sợ và trẻ hoàn toàn có thể vượt qua chúng một cách nhẹ nhàng, với sự giúp đỡ của cha mẹ.

3. "Giờ con cảm thấy giận đến mức nào? Như ngọn nến hay như núi lửa?"

Đây là một cách rất thông minh để giúp trẻ gọi tên đo lường cảm xúc. Bằng việc gắn cảm xúc với hình ảnh hoặc con số, trẻ học được cách nhận diện và điều tiết cơn giận – kỹ năng cực kỳ cần thiết cho cả cuộc sống sau này.

Bạn có thể hỏi con: "Nếu 1 là hơi giận, 10 là rất rất giận, thì con đang ở mức mấy?" Hoặc dùng cách dễ thương hơn: "Con đang giận như con mèo phồng má, hay như con khủng long gầm gừ?".

Việc này giúp con "tạm lùi một bước", nhìn cảm xúc của mình từ xa – thay vì bị nhấn chìm trong đó. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện để bạn cùng con nghĩ ra cách "giảm nhiệt".

Vì sao những câu nói đơn giản này lại quan trọng?

Bởi vì trẻ em không chỉ học từ những gì chúng ta nói, mà còn học từ cách chúng ta phản ứng với cảm xúc của chúng.

Khi cha mẹ duy trì được sự điềm tĩnh và quan tâm trong những lúc con cư xử khó chịu nhất, con sẽ học cách tự điều chỉnh mình theo năm tháng. Đó là cách nuôi dưỡng một đứa trẻ không chỉ biết ngoan, mà còn biết yêu thương chính bản thân mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày