Dân gian có câu: "Ba tuổi xem lớn, bảy tuổi xem già", cũng có người cho rằng: Trẻ dưới bảy tuổi còn nhỏ, chưa thể nhìn ra nhiều điều. Tuy nhiên, quá trình phát triển của trẻ cho thấy, giáo dục sớm và môi trường sống có ảnh hưởng sâu sắc tới việc hình thành tính cách, thói quen và hệ giá trị của trẻ. Nếu tinh ý, chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra những dấu hiệu nhỏ dự báo tương lai ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
Nhà tâm lý học người Mỹ Benjamin Bloom từng nghiên cứu và chỉ ra: Nếu lấy chỉ số IQ của con người là 100 điểm thì 50% đã hình thành trước 3 tuổi.
Khoảng 3 tuổi là giai đoạn then chốt để rèn luyện khả năng tự lập. Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu hình thành ý thức cá nhân, bộc lộ rõ tính cách và sở thích riêng biệt. Nếu cha mẹ biết cách hỗ trợ, trẻ sẽ xây dựng được nhận thức tích cực về bản thân và hệ giá trị đúng đắn, tạo nền tảng cho sự phát triển nhân cách và thói quen trong tương lai.
Khi trẻ lên 7 tuổi, các em đã thích nghi tốt hơn với môi trường tập thể, tiếp xúc với nhiều người, nhiều tri thức mới. Đây cũng là giai đoạn phương pháp tư duy và thói quen hành vi bước đầu hình thành, trẻ bắt đầu thiết lập thái độ học tập và hệ giá trị riêng. Tất cả những điều này sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển sau này.
Ảnh minh hoạ
Các nghiên cứu tâm lý cho thấy: Tính cách một người cơ bản được định hình vào khoảng bảy tuổi, và rất khó thay đổi sau đó. Tính cách quyết định số phận, do đó, trước 7 tuổi chính là thời kỳ then chốt để bồi dưỡng thói quen, tính cách và giá trị sống cho trẻ.
Những đứa trẻ sau này dễ thành công thường có những đặc điểm nổi bật ngay từ nhỏ. Chúng ta có thể nhận ra qua cách trẻ nói chuyện và hành động:
1. Trẻ thường xuyên hỏi "Tại sao?"
Những đứa trẻ hay đặt câu hỏi với cha mẹ cho thấy chúng có tinh thần ham học hỏi và khát khao khám phá mạnh mẽ. Các em tò mò về thế giới xung quanh, thích khám phá những điều chưa biết, từ kiến thức trong lớp học đến sách vở bên ngoài. Trẻ như vậy thường có niềm đam mê học tập, tính tò mò khoa học – những yếu tố rất cần thiết để đạt thành công lâu dài.
2. Trẻ thích nói "Con có thể tự làm được"
Nếu trẻ có thói quen thích tự mình giải quyết vấn đề, thích tự suy nghĩ và hành động, đó là dấu hiệu cho thấy bé có tính tự lập cao. Những đứa trẻ này thường biết quản lý thời gian, hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn, chịu trách nhiệm về hành động của mình. Qua thời gian, trẻ sẽ rèn luyện được ý thức tự chủ và năng lực thực hành vững vàng – yếu tố thiết yếu cho thành công sau này.
3. Trẻ thích nói "Để con giúp bố mẹ"
Một đứa trẻ thích tham gia các hoạt động tập thể, thích hỗ trợ mọi người xung quanh, chứng tỏ bé có khả năng giao tiếp và hợp tác rất tốt. Các em biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác, giải quyết vấn đề hiệu quả thông qua hợp tác. Trong xã hội hiện đại, EQ cao giúp trẻ dễ dàng hòa nhập và phát triển bền vững.
4. Trẻ thích nói "Không sao đâu, thử lại đi"
Khi vấp ngã hoặc thất bại, nếu trẻ có thể tự động viên mình bằng những câu như "Không sao, thử lại lần nữa", đó là dấu hiệu của tinh thần kiên trì và khả năng thích ứng cao. Những đứa trẻ như vậy thường giữ được sự bình tĩnh, lạc quan, biết tìm ra giải pháp thay vì bỏ cuộc trước khó khăn.
Cha mẹ cần hiểu rằng, việc nuôi dưỡng trẻ không chỉ dừng lại ở việc trang bị kiến thức hay kỹ năng, mà quan trọng hơn là bồi dưỡng cho trẻ tinh thần tích cực, phẩm chất tốt đẹp và khả năng thích nghi, tự lập. Chính những yếu tố đó mới giúp trẻ vững vàng tiến bước trên con đường sự nghiệp và cuộc sống sau này.